Xuất khẩu gạo chờ động thái của Thái Lan
Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa gom hàng bán chốt lời ngay khi giá tăng thì các doanh nghiệp lớn, đủ điều kiện xuất khẩu lại tranh thủ gom hàng cất vào kho chờ động thái từ nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan.
Thông tin các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ gặp gỡ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vào tháng 9 tới để bàn về giá gạo trong tháng 9 tới, nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán, giá lúa gạo trong nước sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Đứng trước cơ hội lớn này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tiềm lực kinh tế mạnh, kho bãi lớn đã tăng cường gom hàng trữ lại chờ giá lên xuất bán.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh gạo tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, từ đầu tháng 8 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tăng cường gom hàng trữ lại chờ giá lên để xuất bán. Bà Ba Ánh, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh gạo Tấn Tài III cho biết, chỉ có những doanh nghiệp lớn, có nguồn vốn dồi dào mới có khả năng gom hàng tích trữ, chứ những doanh nghiệp nhỏ như bà chỉ mua vào rồi bán ra chốt lời mà thôi.
Bà Ba Ánh khẳng định: “Những doanh nghiệp gom hàng trữ lại, 100% sẽ có lời, bởi vào tháng 11 tới, khi chính quyền của bà Yingluck Shinawatra mua lúa trong dân với giá 15.000 baht/tấn, tương đương 500 đô la/tấn, chắc chắn giá gạo xuất khẩu của nước này sẽ còn tăng cao. Điều này, ít nhiều sẽ ảnh hưởng và kéo giá xuất khẩu gạo lẫn nội địa của Việt Nam tiếp tục tăng lên”.
Tuy nhiên, ông Ngô Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty lương thực Long An cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu trữ gạo chờ giá rất nguy hiểm, nếu giá xuất khẩu có tăng trong thời gian tới cũng không thể bù nổi vào khoản chi phí tích trữ, lưu kho ít nhất là 200 đồng/kg. Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng cao nên cũng khó khăn trong mua trữ gạo.
Trung Chánh
tbktsg
|