Thứ Tư, 31/08/2011 08:13

Vàng là gì?

Đó là câu hỏi được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trước sự trồi sụt của giá vàng. Vàng là một loại tiền tệ đặc biệt, vàng là tài sản tài chính hay chỉ là hàng hóa bình thường?

Thị trường vàng vừa trải qua những ngày biến động lên xuống thất thường chưa từng có trong lịch sử. Cái mà người ta gọi là “cơn điên loạn của giá vàng”, để lại nhiều hậu quả.

Không ít người dân đổ xô đi mua vàng ở giá rất cao, cao hơn cả giá thế giới tới gần 2 triệu đồng/lượng và rồi đang phải xót xa khi giá vàng tụt dốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơn sốt vàng này không phải do yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước bất ổn, trên thực tế, các chỉ tiêu cân đối vĩ mô đang tốt dần lên, nguyên nhân nằm ở chỗ: Nhân cơ hội giá vàng quốc tế biến động, cộng với việc chưa có chính sách kiểm soát thị trường vàng của Nhà nước, giới đầu cơ đã tạo sóng, làm căng thẳng thị trường tiền tệ trong thời gian ngắn và tác động làm thay đổi tỷ giá. 

Vào ngày 9/8, người dân chen nhau mua vàng khi giá lên đỉnh lần thứ nhất là hơn 46 triệu đồng/ lượng và lần thứ hai là hơn 49 triệu đồng/lượng ngày 23/8 vừa qua. Cả hai lần này NHNN đều can thiệp bằng cách cấp quota nhập khẩu với điều kiện doanh nghiệp tích cực bán và kéo giá trong nước về sát thế giới.

Tuy nhiên, cấp quota nhập khẩu vàng khi giá lên đỉnh, vàng chưa về tới nơi giá đã hạ nhiệt. Bán vàng bình ổn giá khi giá lên đỉnh hôm trước, hôm sau giá xuống thấp hơn cả giá bình ổn. Và một sự thật không thể biện hộ là, giá vàng trong nước tăng nhanh, tăng cao hơn nhiều so với giá thế giới do tình trạng khan hiếm vàng, do người dân phải xếp hàng để mua vàng, trong đó không ít người phải bỏ cuộc vì câu trả lời “hết vàng” của các công ty.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT TCT vàng Agribank Việt Nam khẳng định: “Khi vàng nhập khẩu mang về không kịp thời và trong nước rõ ràng cũng có hiện tượng khan hàng thì dẫn đến có thể có hiện tượng đầu cơ, giá vàng trong nước có lúc cao hơn thế giới gần 1,5 triệu đồng/lượng”.

Những ngày qua, dù rằng NHNN, các công ty kinh doanh vàng đều đổ lỗi cho đầu cơ, làm giá về sự điên loạn của giá vàng nhưng rõ ràng, có hiện tượng cung không đủ cầu trên thị trường. Và người ta bắt đầu đặt câu hỏi về việc ồ ạt xuất trên 30 tấn vàng trong vòng 7 tháng, bất chấp những phân tích về hậu quả của việc này.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc điều hành thị trường vàng của NHNN trong thời gian qua cho thấy sự lúng túng, chậm chạp của cơ quan này. Đầu tiên là Dự thảo nghị định về quản lý thị trường vàng, trong đó có nội dung cấm mua vàng miếng, chỉ NHNN có chức năng thu mua vàng miếng từ khu vực dân cư. Tuy nhiên cuối cùng thì giải pháp này chưa được thực hiện đã thay bằng giải pháp khác. Hay cho xuất vàng ồ ạt để rồi phải cấp quota nhập khẩu vàng, gây rối loạn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Thuế xuất khẩu vàng cũng chỉ được ban hành khi vài chục tấn vàng đã chảy ra khỏi Việt Nam, khi vàng trong nước đã rơi vào tình trạng khan hiếm.

TS.Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Thay vì mục tiêu giữ ổn định thị trường tài chính, thì họ lại nặng về mục tiêu giữ sao cho giảm nhập siêu, không cho phép nhập khẩu vàng. Chính quyết định chậm trễ này đã làm cho tạo cơ hội cho sự chênh lệch giá vàng trong nước và nước ngoài rất cao”.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT TCT vàng Agribank Việt Nam: “Nếu như NHNN cho phép mua vàng trên tài khoản nước ngoài để cân đối, thì các ngân hàng hiện nay đang tồn 1 số lượng vàng huy động lớn, họ có thể bán vàng vật chất ở trong nước, đồng thời cũng với giá đó, người ta cân đối mua trên tài khoản nước ngoài để đảm bảo không rủi ro trượt giá thì không cần nhập khẩu vàng vật chất về làm gì cả. Họ sẽ dùng ngay lượng vàng mà người dân gửi trong nước bán ra để cung ứng cho thị trường. Như vậy, nhập khẩu sẽ giảm đi rất nhiều, tôi khẳng định là sẽ giảm đi hơn 1 nửa”.

Ngay lúc này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý cần xác định rõ 3 vấn đề: Thứ nhất, vàng là gì? Là một loại tiền tệ đặc biệt, tài sản tài chính hay chỉ là hàng hóa bình thường. Thứ 2, có hình thành thị trường vàng trong nước hay không? Và thứ 3, nếu hình thành thị trường vàng trong nước thì có liên thông với thị trường vàng quốc tế hay không? Có như vậy mới hình thành được một chính sách kiểm soát thị trường vàng rõ ràng và minh bạch.                       

Hằng Nga

VTV

Các tin tức khác

>   Vàng vượt 1,820 USD/oz, dầu lên sát 89 USD/thùng (31/08/2011)

>   Vàng hạ giá chỉ là tạm thời (30/08/2011)

>   Giữ vàng hộ dân: Nên hay không? (30/08/2011)

>   Giá vàng đang giảm về sát 46 triệu đồng (30/08/2011)

>   Vàng tiếp tục rời xa mốc 1,800 USD/oz, dầu tăng vọt hơn 2% (30/08/2011)

>   Đầu cơ vàng: Vỏ quýt dày cần móng tay nhọn (30/08/2011)

>   "Đánh thức” 500 tấn vàng (30/08/2011)

>   Doanh nghiệp tiếp tục xin nhập vàng (29/08/2011)

>   Lùi về sát 47 triệu đồng, vàng vẫn cao hơn thế giới cả triệu đồng (29/08/2011)

>   Giá vàng giảm 300.000 đồng, về 47,5 triệu đồng/lượng (29/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật