Tháo gỡ khối vàng vay mới là vấn đề
Cán cân thanh toán năm nay có thể thặng dư 2,5-4,5 tỉ đô la Mỹ, các ngân hàng không thiếu ngoại tệ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẵn sàng can thiệp bán ra khi tỷ giá biến động. Vàng sẽ được nhập đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước.
Tuy vậy, số hạn ngạch nhập khẩu vàng được cấp trước đó vẫn chưa sử dụng hết. Các đầu mối được phép mới nhập khoảng 3 tấn vàng - đó là những thông tin được NHNN phát đi ngay từ chiều 22-8-2011 khi giá vàng trong nước tiệm cận 49 triệu đồng/lượng và người dân Hà Nội đổ xô đi mua vàng, đẩy giá vàng nội cao hơn giá quốc tế chừng 1 triệu đồng/lượng.
Vì sao “sốt” vàng bắt đầu từ Hà Nội?
Ở TPHCM số người đi mua vàng tăng lên so với tuần trước, nhưng không có cảnh chen nhau mua bằng được như ở Hà Nội. Giới buôn vàng cho biết người mua ở TPHCM chủ yếu là những người vay vàng, nay phải mua để trả nợ. Còn ở Hà Nội người mua đông nhất là dân cư, mua để bán ra khi có lời hoặc để cất giữ vì e ngại tiền đồng có thể mất giá thêm. Trong cơ cấu người mua, thành phần đầu cơ ăn theo giá vàng quốc tế với hy vọng giá tiếp tục tăng với tốc độ như từ đầu tháng 8 đến nay, đang lấn lướt.
Tâm lý đầu cơ là một phản ứng hết sức bình thường của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư thông dụng ở Việt Nam như chứng khoán, bất động sản đang trầm lắng. Vàng rõ ràng là vùng trũng đang hút vốn của xã hội.
Nếu có chăng một sự quan tâm, thì đó là vì sao các “cơn sốt” vàng đều bắt đầu từ Hà Nội? Bốn, năm năm qua giá bất động sản ở Thủ đô biến động không ngừng theo chiều đi lên. Từ cuối năm ngoái, đất đai Hà Nội đóng băng, nhưng giá cũng không giảm bao nhiêu. Từ các “cơn sốt” đất, mua đi bán lại đã hình thành nên một bộ phận những người có tiền. Bây giờ vì nhiều lý do, tiền có thể không còn nằm trong đất đai, nó phải tìm nơi trú ẩn có giá trị để dừng chân. Nơi đó chính là vàng.
Vàng không những là một tài sản đáng giá, dễ dàng bảo quản. Điều đáng nói hơn mua bán vàng không liên quan đến thuế, không có giấy tờ giao dịch, cũng chẳng cần mở tài khoản để gửi tiền vào ngân hàng hay ký quỹ. Giả dụ người mua có mua hớ, người bán có bán hớ, hay làm giá ở đâu đó… cũng không ai biết. Không có cơ quan thuế nào hậu kiểm lời lỗ; không có thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nào xem xét tài khoản nếu vi phạm quy định giao dịch cổ phiếu, làm giá, đội lái, bán khống…
Đơn giản hơn nhiều so với chứng khoán, bất động sản, vàng là thứ của cải không cần công khai! Sức hút của vàng chính là chỗ đấy và giá vàng càng lên, sức hấp dẫn đó càng mãnh liệt!
Từ 100 đến 1.000 và 10.000 tỉ đồng
Liệu có một sự liên hệ nào đó giữa việc giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế với số liệu về huy động và cho vay vàng được chi nhánh NHNN TPHCM công bố mới đây? Theo đó đến 30-6-2011 tổng lượng vàng mà các ngân hàng trên địa bàn huy động là 2,43 triệu lượng, dư nợ cho vay vàng 1,12 triệu lượng.
Gần hai tháng qua, cùng với sự “thăng thiên” của giá vàng, dư nợ đã ít nhiều giảm xuống. Bản thân các ngân hàng, trước đây đã chuyển một tỷ lệ nhất định vàng thành tiền, cũng chờ những ngày giá vàng quốc tế xuống, khiến giá trong nước xuống theo, để mua vào dần, chuyển đổi lại tiền thành vàng. Ngay cả khi chênh lệch lãi suất giữa vay vàng và vay tiền đồng lên tới 16-18%/năm, rất ít khách hàng dám liều vay vàng mặc dù có nhu cầu.
Tuy nhiên hơn một triệu lượng vàng vay đó vẫn là một áp lực rất lớn đối với cả ngân hàng và người vay mỗi khi giá biến động. Chỉ cần giá vàng tăng thêm 100.000 đồng/lượng (là mức tăng “khiêm tốn”), người vay đã phải trả thêm 100 tỉ đồng. Còn nếu giá tăng cả triệu đồng/lượng như những ngày qua, số tiền người vay phải trả thêm là 1.000 tỉ đồng. So với sáu tháng trước, khi giá vàng quanh quẩn mức 36-38 triệu đồng/lượng, người vay bây giờ phải trả thêm 12.000-13.000 tỉ đồng - một con số ấn tượng!
Chi tiết trên góp phần giải thích lý do mỗi khi giá vàng “nhảy múa” dồn dập, giá trong nước lại “qua mặt” giá quốc tế. Do đó, để giải quyết dứt điểm hiện tượng giá vàng nội địa cao hơn thế giới, biện pháp cho nhập vàng là chưa đủ. Tháo gỡ khối vàng vay kia mới là vấn đề.
Việc các ngân hàng và người vay mua dần vàng trong nước trả nợ đòi hỏi thời gian và thời gian cũng có khi không tháo gỡ được vấn đề nếu giá vàng thế giới ngày một leo thang. Vay vàng hay mua vàng hiện nay không phải là “cuộc chơi” nằm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, nó là “cuộc chơi” toàn cầu, đầu tư hoặc đầu cơ quốc tế, nơi mà các tổ chức tài phiệt có tầm chi phối, ảnh hưởng quyết định. Người vay vàng và mua vàng phải hiểu được điều đó và chỉ khi nhận thức được gốc rễ vấn đề như vậy, mới thấu hiểu rủi ro và lợi nhuận mà vàng có thể đem lại. Quy luật lợi nhuận cao, rủi ro cao chưa bao giờ cũ.
NHNN có thể làm gì để hỗ trợ các ngân hàng đã cho vay vàng và khách hàng vay? Một giải pháp đang được giới tài chính đề cập nhiều là cho phép các ngân hàng giao dịch vàng tài khoản nếu khách hàng có nhu cầu cắt lỗ. Việc giao dịch vàng tài khoản ở mức độ nào là do NHNN kiểm soát. Giả sử một khách hàng có nhu cầu trả nợ 100 lượng vàng, ngân hàng có thể mua vàng tài khoản và bán vàng vật chất trong nước cho người đó để cân bằng. Câu chuyện là làm sao để nhu cầu mua 100 lượng vàng kia không tác động đến cung cầu vàng vật chất trong nước, từ đó gây xáo trộn giá vàng nội địa.
Hải Lý
tbktsg
|