"Siết" thuế xuất khẩu vàng
Từ ngày 6.8, vàng (kể cả vàng mạ bạch kim) chưa gia công, hoặc ở dạng bán thành phẩm, dạng bột có hàm lượng dưới 99,99% sẽ phải chịu thuế xuất khẩu (XK) 10%. Vàng trang sức (đồ kim hoàn, kỹ nghệ...) có hàm lượng vàng từ 80% trở lên chịu thuế suất 10%. Đó là nội dung Thông tư 111 do Bộ Tài chính ban hành.
Quá gấp gáp
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính ủng hộ đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi thời gian qua nhiều DN kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng lợi dụng quy định chính sách thuế, lách thuế suất gây thất thoát cho ngân sách, giảm lượng vàng dự trữ trong dân. Nhưng ông Tuấn thừa nhận, một chính sách thuế mà thời gian ký và ban hành trong vòng 4 ngày DN cũng sẽ gặp khó khăn khi thực hiện. “Vì biết vấn đề rất nhạy cảm nên chúng tôi xin ý kiến Thủ tướng và được sự đồng ý nên mới thực hiện”, ông Tuấn nói. Cùng trong ngày hôm qua, Tổng cục Hải quan có văn bản hỏa tốc gửi tất cả cục, chi cục để thông báo về việc thực hiện khai thuế theo mức thuế suất mới do Bộ Tài chính quy định.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty vàng Agribank VN, mức thuế mới không làm ảnh hưởng tới giá vàng trong nước, nhưng sẽ gây ra tình trạng rất khó kiểm soát là xuất lậu vàng.
Ông Tôn Thế Vĩnh Quyền - Giám đốc kinh doanh của Công ty vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ cho rằng, nên cho kinh doanh vàng theo hướng thị trường, tổng thể chứ không thể cục bộ, thay đổi chính sách thuế gấp gáp như vừa qua. Tăng thuế khiến chi phí cao hơn, thời gian gia công lâu hơn, hao hụt lớn hơn trước và giá vàng XK sẽ cao hơn, nhưng giá vàng trong nước không tăng hay mất ổn định bởi phụ thuộc chủ yếu giá vàng thế giới. “Tuy nhiên, hạn chế XK tác động gây chênh lệch cung cầu, làm cho thị trường trầm lắng. Không lưu thông được lượng vàng tồn trong dân, dòng chảy của vàng càng bị tắc nghẽn hơn” - ông Quyền nói.
Lo ngại vàng lậu
Cần xây dựng sở giao dịch vàng tập trung để sử dụng hiệu quả nguồn vàng tích trữ trong dân. Trong ngắn hạn, Nhà nước có thể xem xét mua vàng của người dân, tăng dự trữ quốc gia
Thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng NH Á Châu ACB |
Thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng NH Á Châu ACB đánh giá, Bộ Tài chính muốn chuyển đi thông điệp hạn chế xuất vàng ra, do e ngại giảm lượng vàng dự trữ trong dân. Tuy nhiên, hạn chế xuất vàng khiến vàng bị khóa đầu ra, cộng với quy định các NHTM không được huy động và cho vay vàng thì vàng đang bị kẹp, không được lưu thông. Điều này cho thấy Nhà nước muốn hạn chế XK vàng, nhưng chưa có hướng sử dụng rõ ràng số vàng dự trữ trong dân như thế nào.
Thạc sĩ Khanh cho rằng, với những chính sách kết hợp nói trên, có lẽ thông điệp của cơ quan quản lý là “người dân bỏ tiền đồng mua vàng thì hãy tự giữ lấy”. Nếu thế, người dân chịu nhiều thiệt thòi bởi sau khi mua vàng, họ sẽ đối diện một số rủi ro như sau: rủi ro biến động giá giảm gây lỗ, mất đi chi phí cơ hội sử dụng VND với lãi suất tiết kiệm 14%/năm, và rủi ro vàng giả, một vấn đề đang tồn tại ở VN do thiếu chế tài nghiêm khắc để xử lý. Bên cạnh đó, người mua vàng không có công cụ bảo hiểm giá do Nhà nước cấm công cụ kinh doanh vàng tài khoản.
Như vậy người ta sẽ tìm đường XK phi chính thức để giảm thiểu rủi ro?
Sẽ không có người dân/nhà đầu tư nào chấp nhận chịu cả 4 rủi ro trên cả. Khi con đường chính ngạch bị thu hẹp, con đường tiểu ngạch hoặc phi chính thức sẽ mở ra, và Nhà nước phải tốn kém nhiều chi phí hành chính hơn để chống buôn lậu một cách hiệu quả. Người mua vàng lúc giá cao 40-41 triệu đồng/lượng không tìm được đầu ra trong nước sẽ như ngồi trên đống lửa, nên phải tìm mọi cách để đẩy trạng thái này cho người khác.
Vậy theo ông có giải pháp nào không?
Điều chỉnh chính sách thuế và áp dụng quota xuất nhập khẩu, 2 biện pháp đơn lẻ này không thể vẽ được bức tranh toàn cảnh của thị trường vàng. Giải pháp dài hạn là cần xây dựng sở giao dịch vàng tập trung để sử dụng hiệu quả nguồn vàng tích trữ trong dân. Trong ngắn hạn, Nhà nước có thể xem xét mua vàng của người dân, tăng dự trữ quốc gia, như các NH T.Ư đang làm.
Nhưng cung tiền mua vàng sẽ áp lực lên lạm phát, thưa ông?
Đó là bài toán khó cần có sự tính toán kỹ, thận trọng của Nhà nước. Nhưng xét về quyền lợi của người dân và quyền lợi của Nhà nước gộp lại thành quyền lợi quốc gia, cần phải nhanh chóng tìm lời giải. Mặt khác, Nhà nước mua vàng sẽ tăng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối, mới có thể can thiệp thị trường khi cần thiết, tạo niềm tin cho thị trường. Khi cung tiền đồng ra mua vàng, có thể sử dụng công cụ OMO (nghiệp vụ thị trường mở) để hút tiền đồng về.
Việc Nhà nước mua vàng của dân cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng về giá. Khi Nhà nước đã mua vàng sát giá thế giới, các DN và NHTM muốn mua vàng của dân phải nâng giá ít nhất bằng giá của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Anh Vũ
thanh niên
|