Thứ Tư, 31/08/2011 21:47

Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước: Thiếu, trùng, trống

“Thị trường chứng khoán xuống thấp, không thể thoái vốn mà không thất thoát vốn nhà nước”, bà Hạnh, Tập đoàn Dệt may, cho biết.

50% vốn đầu tư của Nhà nước đang do các tập đoàn, tổng công ty thực hiện. Nhưng các quy định cơ bản về điều này lại vừa thiếu, vừa trùng, vừa trống.

Bộ Tài chính đã soạn thảo dự thảo Nghị định về Quản lý đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự thảo quy định tỉ lệ vốn đầu tư ra ngoài của các doanh nghiệp nhà nước giảm còn 15% tổng nguồn vốn đầu tư so với tỉ lệ 30% lâu nay.

Đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước đã trở thành vấn đề khá nóng bỏng trong những năm gần đây. Để ngăn chặn tình trạng này, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5.2.2009 của Chính phủ đã khống chế mức đầu tư trái ngành của doanh nghiệp nhà nước là 30%. Tuy nhiên, Nghị định này được cho là hết hiệu lực cùng lúc với Luật doanh nghiệp nhà nước từ 1.7.2010. Vì vậy, có thể hiểu, hiện nay không có bất kỳ giới hạn nào cho việc đầu tư trái ngành đối với các doanh nghiệp nhà nước. Khoảng trống này đã được cảnh báo từ khi doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005, nhưng đến nay vẫn chưa được lấp đầy.

Ngoài ra, việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cũng đã bộc lộ nhiều khoảng trống dễ gây thất thoát tài sản nhà nước. Chẳng hạn, vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chưa được quy định rõ. Điều này dẫn tới rủi ro trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, khả năng giám sát của chủ sở hữu cũng bị hạn chế. Như vậy, với cơ chế và phương thức đầu tư vốn của công ty mẹ như hiện nay thì việc đầu tư vốn của công ty mẹ vào các công ty con cũng được coi là vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Và theo đánh giá của Bộ Tài chính như vậy là không hợp lý vì vốn đầu tư của công ty mẹ vào các công ty con có thể là vốn vay, vốn huy động của công ty mẹ.

Trở lại vấn đề rút vốn đầu tư trái ngành xuống còn 15%, để sớm đạt tỉ lệ này, Chính phủ và Bộ Tài chính đang hối thúc các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm 50% vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo sự an toàn tài chính và không làm thất thoát vốn nhà nước.

Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đánh giá quy định này là đúng, nhưng trong bối cảnh hiện nay là chưa phù hợp. Vì hiện nay thị trường chứng khoán đã xuống rất thấp, không thể thoái vốn mà không thất thoát vốn nhà nước. Do vậy, theo bà Hạnh, việc thoái vốn cần thêm thời gian và nên có lộ trình cụ thể.

Trong các văn bản hối thúc thoái vốn, Bộ Tài chính có mở lối cho các doanh nghiệp là: trong điều kiện không thể thoái vốn thì phải chuyển phần đầu tư trái ngành này về cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, có nhiều tập đoàn đang cự nự vì phần đầu tư vào các tổ chức tài chính đang mang về khoản lợi nhuận khá tốt.

Tiến sĩ Đoàn Xuân Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng Chính phủ), cho biết, các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ khối tài sản quốc gia rất lớn: 70% tổng tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tín dụng và 70% nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA). Với khối tài sản đa dạng như vậy, việc xác định đâu là vốn đầu tư ngoài ngành để rút xuống là điều không dễ. “Liệu vốn vay của ngân hàng phát triển, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, tài sản như đất có phải là vốn nhà nước hay không?”, bà Hạnh băn khoăn.

Do nhiều quy định chưa rõ nên cách rót vốn của các doanh nghiệp nhà nước cũng từng gây ra những tai nạn cay đắng. Tiêu biểu là vụ đổ bể gần đây của Công ty Cho thuê tài chính II, một thành viên hạch toán độc lập của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nhẹ hơn thì cũng gây ra nhiều tranh cãi, như việc Quốc hội khóa XII thông qua việc cho phép Tập đoàn Dầu khí Quốc gia dùng 3.500 tỉ đồng tiền ngân sách để đầu tư nhưng có tới một nửa số đại biểu không đồng tình.

Chính Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc quản lý vốn nhà nước đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn còn nhiều bất hợp lý. Chẳng hạn, về cơ chế đầu tư vốn, theo Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20.10.2005 của Chính phủ (Nghị định 132), Nhà nước là chủ sở hữu đối với công ty nhà nước. Chủ sở hữu có quyền quyết định đầu tư vốn vào công ty nhà nước thông qua các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập và các doanh nghiệp khác hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Còn tại Điều 68, Luật Đầu tư quy định việc đầu tư vốn từ ngân sách vào tổ chức kinh tế thực hiện thông qua SCIC.

Trên thực tế, chưa có cơ chế đầu tư thống nhất thông qua SCIC như quy định của Luật Đầu tư. Về mô hình quản lý, Nhà nước đầu tư vốn và giao nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư tại doanh nghiệp thông qua đại diện chủ sở hữu vốn và phân cấp cho các Bộ khác nhau. Do vậy, không rõ cơ quan nào là đại diện chủ sở hữu chính đối với doanh nghiệp nhà nước. Và đương nhiên, trách nhiệm cũng khó phân biệt rõ ràng.

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Vướng mắc của Mekophar có hy vọng được gỡ (31/08/2011)

>   Thành Thành Công bị phạt 85 triệu đồng khi mua BHS (31/08/2011)

>   Cổ đông Ô tô Hòa Bình kêu cứu (31/08/2011)

>   DCC bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 05/09 (31/08/2011)

>   Bill Gates, Viettel và câu chuyện với người nghèo (31/08/2011)

>   MCV bị nhắc nhở chậm công bố BCTC hợp nhất quý 2 (29/08/2011)

>   TLS, DNSE đóng cửa phòng giao dịch (29/08/2011)

>   Nhiều doanh nghiệp niêm yết họ dầu khí phải đổi tên (29/08/2011)

>   Gần 200 hộ dân đòi Sonadezi bồi thường 11,5 tỉ đồng (29/08/2011)

>   CII: Vô lý trạm thu phí cầu Bình Triệu (29/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật