Thứ Hai, 08/08/2011 07:02

Công ty con của SZL xả thải: Khởi tố hình sự, được không?

Với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai (Sonadezi Long Thành - công ty con của SZL) ví như một “cảnh sát môi trường” và từng được vinh danh là doanh nghiệp điển hình bảo vệ môi trường, nhưng rạng sáng ngày 4.8 vừa qua, Sonadezi Long Thành đã bị bắt quả tang xả hàng ngàn mét khối nước thải ra sông Đồng Nai.

* SZL: Nhà máy “đầu độc” sông Đồng Nai

Liệu các cơ quan chức năng có xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm của Sonadezi Long Thành khi bộ luật Hình sự đã sửa đổi, bổ sung các điều khoản về tội phạm môi trường?

Thêm một Vedan giết sông

Từ việc cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) bộ Công an bắt quả tang cho thấy, chỉ trong một đêm, Sonadezi Long Thành xả khoảng 9.300m3 nước thải không đạt tiêu chuẩn (thu gom từ 42 doanh nghiệp) vào môi trường. Kiểm tra nhà máy, C49 phát hiện hệ thống xử lý vi sinh không hoạt động, nước thải sau xử lý có màu đen đặc, nóng bốc hơi, được dẫn theo đường ống ngầm bêtông, đoạn sâu hơn 3m, dẫn nước thải đến mương hở đổ ra suối Bà Chèo và vào sông Đồng Nai. Cũng trong năm năm hoạt động, Sonadezi Long Thành đã bị xử phạt hành chính đến bốn lần, tổng cộng 140 triệu đồng, tất cả đều liên quan đến hành vi xả thải.

Hơn hai năm trước, khi vụ Vedan xả thải ra sông Thị Vải, dư luận cũng đã đặt vấn đề trách nhiệm hình sự. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng cơ quan điều tra kết luận không thể khởi tố được Vedan vì nhiều lý do: chưa bị xử phạt hành chính, luật không cho khởi tố pháp nhân (công ty), chưa có định lượng hoặc hướng dẫn nào về mức độ “nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng”...

So với thời điểm hai năm trước, nay bộ luật Hình sự đã được sửa đổi bổ sung hàng loạt điều khoản trong chương “các tội phạm về môi trường”, theo hướng tháo gỡ những điểm vướng như đã nêu. Đối chiếu các quy phạm hình sự mới, cơ quan chức năng có thể làm được gì trước những vi phạm của Sonadezi Long Thành?

Người đứng đầu hay ông mở van?

Trước hết, một nguyên tắc theo bộ luật Hình sự hiện hành, trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng với cá nhân mà không được áp dụng đối với các pháp nhân (tổ chức). Như vậy không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Sonadezi Long Thành. Đối với cá nhân, cần xác định ai sẽ trong “tầm ngắm” của cơ quan điều tra: người quản lý công ty, người phụ trách xả thải hay công nhân vận hành...? Điều 182, bộ luật Hình sự quy định “tội gây ô nhiễm môi trường”: người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường... vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Điều thấy được, tuy đã có khác so với quy định cũ là không bắt buộc đã phải bị xử lý hành chính trước đó, nhưng những dấu hiệu còn lại để lôi kẻ vi phạm ra xử vẫn chưa được luật điều chỉnh cho phù hợp với những gì đang diễn ra ở Sonadezi Long Thành hay nhiều vụ tương tự vẫn được phanh phui đều đặn trong cả nước. Thành thử, nếu chỉ chung chung “người nào xả thải”, nhiều khả năng cơ quan điều tra chỉ bắt được ông mở van chứ không bắt được ông chỉ đạo mở van, thậm chí ông chỉ đạo xây dựng đường ống ngầm ở trong Sonadezi Long Thành. Xa hơn, vai trò người đứng đầu Sonadezi Long Thành mờ nhạt khi luật không buộc trách nhiệm hình sự với người đứng đầu của pháp nhân. Nếu chứng minh người đứng đầu đã tham gia với tư cách là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, người xúi giục hoặc người giúp sức thì “ông chủ” của Sonadezi cũng dễ phải đứng trước vành móng ngựa với vai trò là đồng phạm. Tuy nhiên, việc chứng minh đồng phạm không hề dễ.

Ai đo “mức độ nghiêm trọng”?

Chỉ trong một đêm, Sonadezi Long Thành đã xả khoảng 9.300m3 nước thải, nếu làm phép tính cộng suốt năm năm qua, các họng xả ngầm đã âm thầm bức tử dòng sông Đồng Nai bằng hàng chục triệu mét khối nước thải. Hàng chục hecta vườn cây trái, vuông tôm... bị nước thải phá hoại, nhiều hộ nông dân đã phải bỏ nghề nuôi trồng đánh bắt, có hộ phải lìa xứ. Đó là điều ai cũng thấy được, nhưng cái khó làm sao xác định “mức độ nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”... khi các văn bản hướng dẫn chưa hề được ban hành. Các mức độ, hậu quả như luật nêu (để xác định cấu thành tội phạm môi trường) rất khó định lượng, vì hậu quả do hành vi nghiêm trọng rất phức tạp trên thực tế, có khi vài thế hệ mới rõ. Chưa kể muốn xác định mức độ vi phạm phải thông qua những biện pháp khoa học kỹ thuật, máy móc, phương tiện hiện đại. Thực tế qua vụ Vedan đã cho thấy, nếu cứ “căng bằng sổ thẳng” trong khâu đo đếm hậu quả thiệt hại, bất lợi sẽ thuộc về cơ quan công quyền hoặc người dân.

Vĩnh Hòa

Khó đình chỉ hoạt động

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị chiều ngày 7.8, ông Lê Viết Hưng, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: Vì nhà máy xử lý nước thải này do bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cấp phép xả thải, nên sau khi có kết luận của C49, tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan của tổng cục Môi trường, nhằm đánh giá thực tế, trên cơ sở đó mới quy ra trách nhiệm, hậu quả, biện pháp xử lý với Sonadezi.

Sở cho rằng nhà máy không chôn cống ngầm, nhưng C49 khẳng định nhà máy Sonadezi đã lén xả thải qua hệ thống cống ngầm. Tại sao lại có nhận định trái ngược này?

Trước đây đơn vị này cũng xử lý nước thải nhưng vài chỉ tiêu bị vượt tiêu chuẩn môi trường so với quy định nên bị xử lý vi phạm hành chính. Chuyện này khác hành vi không xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Vậy nên việc họ có xả thải ra môi trường mà không xử lý hay không thì phải chờ kết luận của C49. Còn hệ thống ngầm đó có phải là hệ thống xả trộm hay không, thì đó chỉ là trao đổi của thanh tra môi trường sở cho nhận xét bước đầu thôi.

Sở có ưu ái khi tiến hành lấy mẫu quan trắc cách điểm xả thải của khu công nghiệp Long Thành khá xa, từ 8 – 10km?

Thực ra trước đây nhà máy này chỉ vượt tiêu chuẩn về môi trường dưới hai lần ở một vài thông số, chủ yếu là độ màu và coliform. Đây là mức vượt nhẹ so với một khu công nghiệp có rất nhiều nhà máy dệt nhuộm, nên theo chúng tôi, mức độ vi phạm không lớn lắm. Sau khi nghe nói nhà máy này xả thải chưa qua xử lý thì mới thấy nó rất nghiêm trọng.

Chúng tôi cũng thấy có sai sót khi chưa có quan trắc ngay điểm xả thải tại rạch Bà Chèo (thông với sông Đồng Nai – PV), nên đánh giá khó chính xác. Trong thời gian tới, với việc lập dự án quan trắc tự động cho 13 khu công nghiệp , trong đó có khu công nghiệp Long Thành, chúng tôi có thể theo dõi 24/24 giờ, việc giám sát sẽ chặt chẽ hơn.

Với việc bắt quả tang lén xả thải như vậy, tại sao nhà máy chưa bị tạm đình chỉ hoạt động?

Như tôi nói, trước hết phải chờ kết luận của C49. Trên cơ sở đó mới xử lý, có đình chỉ hoạt động hay không. Điều thứ hai, đây là khu công nghiệp, nó liên quan đến việc xử lý nước thải của các công ty trong đó. Bản thân những doanh nghiệp này phải trả tiền dịch vụ cho công ty Sonadezi thì họ mới đưa nước thải vào nhà máy xử lý nước thải tập trung của Sonadezi. Những công ty này không vi phạm gì, nếu mình đình chỉ hoạt động của Sonadezi thì vô hình trung mình đã đình chỉ hoạt động của hơn 40 công ty trong khu công nghiệp. Việc này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy phải có cân nhắc nhất định với việc xử lý nhà máy này.

Nói như vậy, nếu có nhà máy xử lý nước thải tập trung trong một khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, họ vẫn có thể được xử lý du di?

Ngoài việc xử lý về hành chính, thậm chí nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng thì Nhà nước vẫn có thể xử lý hình sự, và cũng có thể dùng những biện pháp xử lý về mặt kinh tế, những người gây ra hậu quả họ phải chịu trách nhiệm bồi thường… thì không nhất thiết phải hoàn toàn đóng cửa với nhà máy này. Như vậy phải bắt nhà máy tiếp tục hoạt động đúng với kế hoạch được duyệt, đồng thời có những chế tài nhất định, kể cả những biện pháp theo quyết định của cơ quan điều tra.

Lê Quỳnh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Người giàu nhất thế giới mất 8 tỷ USD trong 1 tuần (06/08/2011)

>   Hàng nghìn ôtô nhập khẩu ế ẩm nằm bãi (05/08/2011)

>   Cựu giám đốc SouthernBank lĩnh án chung thân (04/08/2011)

>   'Việt Nam sẽ có lữ đoàn tàu ngầm hiện đại' (03/08/2011)

>   Ông Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh là tân phó thủ tướng (03/08/2011)

>   Thủ tướng đề cử 4 phó thủ tướng, 22 bộ trưởng (03/08/2011)

>   HSBC sẽ cắt giảm 30,000 việc làm và rút hoạt động tại 20 quốc gia (01/08/2011)

>   VietABank: Cổ đông lớn mang cổ phần đi cầm cố khi chưa nộp tiền (01/08/2011)

>   Thủ tướng trình cơ cấu Chính phủ khóa mới (01/08/2011)

>   Tập đoàn Haier của Trung Quốc mua lại Sanyo (29/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật