Chứng khoán Campuchia hấp dẫn và mang tính thị trường hơn
(Vietstock) - Nếu chỉ so sánh về quy định giữa thị trường còn đang thai nghén của Campuchia và thị trường có sức trẻ 11 năm của Việt Nam thì rõ ràng TTCK Campuchia ngay từ đầu có nhiều điểm hấp dẫn hơn và mang tính thị trường hơn.
Đó là nhận định của ông Đào Duy Anh (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Campuchia - Việt Nam (CVS) sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CXS) chính thức khai trương vào trung tuần tháng 7 vừa qua nhằm chuẩn bị chào đón những doanh nghiệp đầu tiên đưa cổ phiếu vào giao dịch.
Là một trong những thành viên đầu tiên của thị trường chứng khoán (TTCK) Campuchia, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường này?
Theo thống kê của tạp chí kinh tế The Economist và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Campuchia là 1 trong 10 nước phát triển nhất thế giới trong thập niên 2001-2010 vừa qua với tốc độ tăng trưởng GPD hàng năm ở mức 7.7%.
Trong năm 2010, kinh tế Campuchia tăng trưởng 5.9%, vượt mục tiêu đề ra là 5%. Năm 2011, Chính phủ Campuchia đặt kế hoạch tăng trưởng từ 6-7%, kế hoạch này cũng phù hợp với một số dự báo của các tổ chức tài chính lớn như WB, ADB, IMF... Trong bản báo cáo vào tháng 06 vừa qua, WB vẫn đánh giá cao sự tăng trưởng ổn định và bền vững của Campuchia trong năm 2011 và những năm tiếp theo. Đây chính là tiền đề quan trọng để TTCK Campuchia có cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo lộ trình, TTCK Campuchia sẽ mở cửa vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012, bước đầu sẽ có 2-3 công ty giao dịch với quy mô khoảng 10-15 triệu USD/công ty. Nếu không có biến động lớn trong quá trình IPO, quy mô này cũng tương đồng với TTCK Việt Nam năm 2000 với hơn 40 triệu USD. Tuy nhiên, nếu xét vào lượng cầu đầu tư chuyên nghiệp thì con số có thể lên tới 500-600 triệu USD (gấp hơn 10 lần nguồn cung các doanh nghiệp IPO tại Campuchia) thì mới thấy sự quan tâm của nhà đầu tư dành cho thị trường Campuchia như thế nào.
Chỉ xét riêng số công ty chứng khoán được cấp phép chính thức (15/22 công ty, gấp hơn 2 lần Việt Nam và gấp hơn 8 lần Lào khi thị trường bắt đầu) với số vốn gần 100 triệu USD cùng sự đa dạng về quốc gia sở hữu (Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ…) cho thấy chênh lệch khá lớn khi nhìn vào sự khởi đầu của thị trường Việt Nam cách đây 11 năm và của Lào cách đây hơn 6 tháng. Bên cạnh đó là các kế hoạch huy động và giải ngân của các quỹ đầu tư danh tiếng như Quỹ Đầu tư và Phát triển Thị trường mới nổi – FIDF (250 triệu USD), Vina Capital (100 triệu USD), Cambodia Emerald (100 triệu USD), quỹ 2 của Leopard Capital (75 triệu USD)…
Việc một số quỹ có lợi nhuận cao tại Campuchia từ trước khi TTCK đi vào hoạt động, điển hình như quỹ 1 của Leopard Capital tuy mới đầu tư nhưng đã có mức lợi nhuận 25-30% (tất toán 2/10 khoản đầu tư) là động lực để các quỹ khác mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư vào Campuchia. Ngoài ra, có thể còn có sự tham gia “ngầm” của một số đại gia đến từ Trung Quốc – quốc gia đầu tư lớn nhất tại Campuchia với tổng vốn đầu tư đến tháng 7/2011 đã gần 8 tỷ USD trong 15 năm qua, chiếm đến 20% đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Campuchia. Và mới đây, Bank of China (BOC), 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã chính thức xuất hiện tại Campuchia đem đến lượng vốn khổng lồ giá rẻ cũng như góp phần tăng sức mạnh đáng kể cho khối doanh nghiệp gốc Hoa tại đây.
Mặc dù vậy, ở một số khía cạnh nào đó, chúng tôi nhận thấy Campuchia vẫn còn kém các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng tuyệt vời của đất nước này. Nhưng nếu nhìn vào hơn 25 năm bị cô lập và mới chỉ thực sự bắt đầu khôi phục đất nước từ những năm 1990, có thể thấy sự vươn lên mạnh mẽ và nhanh chóng của Campuchia. Với vị trí thuận lợi trong khu vực và nền kinh tế mở cùng sự năng động của Chính phủ Campuchia, chúng tôi tin rằng kinh tế Campuchia sẽ sớm phát triển tương xứng với tiềm năng của mình và TTCK là một chìa khóa then chốt cho sự khởi đầu của công cuộc này.
Ông có cho rằng những quy định trên TTCK Campuchia thông thoáng hơn so với các thị trường lân cận như Thái Lan, Việt Nam hay Lào không?
Với tư cách là nhà đầu tư đã trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm của TTCK Việt Nam kể từ khi hình thành, luôn theo dõi sát sao sự biến động của TTCK Thái Lan cũng như sự khởi đầu của TTCK Lào, bản thân tôi nhận thấy Campuchia có nhiều quy định tương đồng nhưng lại có nhiều ưu thế của kẻ “đi sau”.
Có thể nói sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) - sở hữu 45% của CSX, lại được thử nghiệm thành công về mặt kỹ thuật trên đất nước láng giềng Lào cách đây không lâu - TTCK Campuchia tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại đang đứng trước cơ hội “chạy nước rút” thần kỳ so với thị trường các nước trong khu vực nhờ các chính sách thông thoáng và kỹ thuật tiên tiến. Điển hình cho sự thông thoáng này có thể kể đến việc nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản, thanh toán T+2, lệnh thị trường (MP), thanh toán được bằng cả đồng nội tệ và USD…
Bên cạnh đó, việc tỷ giá giữa đồng riel và đồng USD được duy trì ổn định từ khi đưa vào sử dụng đến nay là một sự hấp dẫn “đặc biệt” của thị trường dành do các nhà đầu tư nước ngoài do lợi nhuận của họ sẽ không bị biến động bởi tiền tệ - một trong những “thảm họa” của các nhà đầu tư nước ngoài tại một số nước trong khu vực.
Ông có thể cho biết, những quy định này có những khác biệt gì so với các thị trường đi trước? Và ông đánh giá gì về các quy định này?
Đối với các quy định đã được ban hành, chúng tôi nhận thấy thị trường Campuchia có nhiều điểm tương đồng với các TTCK đi trước. Tuy nhiên, liên quan trực tiếp đến giao dịch, nhờ có sự hậu thuẫn của KRX, Campuchia hiện có được một hệ thống phần mềm linh hoạt có thể ứng dụng các giao dịch tiên tiến trên thế giới, đồng thời sẵn sàng triển khai các nghiệp vụ mới khi có sự điều hành, chỉ đạo từ các cấp quản lý. Một số điểm đáng lưu ý đối với quy định liên quan đến giao dịch tại TTCK Campuchia có thể kể đến như:
Nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản: Theo quy định hiện hành, mỗi nhà đầu tư được mở 01 tài khoản tại 01 CTCK, điều này đồng nghĩa với việc mỗi nhà đầu tư có thể mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán tại các CTCK có hoạt động môi giới. Với 13/15 CTCK có nghiệp vụ môi giới sẽ hứa hẹn sự sôi động của TTCK Campuchia khi bắt đầu hoạt động.
Về nguyên tắc, khung thời gian thanh toán càng ngắn càng thu hút nhà đầu tư do tăng vòng quay vốn – chứng khoán và giảm thiểu được ảnh hưởng của sự biến động tiền tệ, chứng khoán. Hiện nay phương thức thanh toán của Campuchia là T+2, phương thức này được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt ủng hộ và tán thành (quy định của Việt Nam là T+3).
Lệnh thị trường (MP) cũng được áp dụng ngay từ khi thị trường bắt đầu. Đây là lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Lệnh MP gắn liền với giao dịch liên tục, cho phép nhà đầu tư có thêm công cụ lựa chọn để đặt lệnh, góp phần làm tăng thanh khoản cho thị trường mà ở Việt Nam vẫn chưa chính thức được triển khai.
Việc giao dịch ký quỹ và mua bán chứng khoán cùng một phiên cũng như một số “ưu việt” khác hiện chưa có quy định cụ thể tuy nhiên nhiều khả năng sẽ sớm được Ủy Ban chứng khoán Campuchia (SECC) ban hành dưới sự tư vấn của KRX.
Nhìn chung, Chúng tôi đánh giá cao các quy định của Campuchia do chúng đều hướng đến các nhà đầu tư và thị trường. Nếu chỉ so sánh về quy định giữa thị trường còn đang thai nghén của Campuchia và thị trường có sức trẻ 11 năm của Việt Nam thì rõ ràng TTCK Campuchia ngay từ đầu có nhiều điểm hấp dẫn hơn và mang tính thị trường hơn.
CVS là công ty chứng khoán do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thành lập thông qua sự góp vốn trực tiếp của Công ty Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDCC) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC). CVS hiện vốn điều lệ 10 triệu USD. |
Còn tiếp…
Viết Vinh thực hiện
|