Thứ Tư, 03/08/2011 06:25

Chiến lược của công ty CP Việt Nam không đổi

Việc công ty Trung Quốc mua CP Việt Nam diễn ra trong nội bộ tập đoàn và được cho là chuyện bình thường.

Sau loạt bài về Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt là CP Việt Nam) bị một công ty Trung Quốc giành phần chi phối, ngày 2-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Jirawit Rachatanan, Phó Tổng Giám đốc CP Việt Nam, cho biết thương vụ mua bán CP Việt Nam đã kết thúc. Theo đó, CPP đã chính thức chi phối 70,82% cổ phần của CP Việt Nam.

Trước tình hình trên, ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước nhiều lo ngại. Tuy nhiên, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: CP là công ty đại chúng và đã được niêm yết trên sàn chứng khoán cho nên việc họ mua đi bán lại cổ phiếu là chuyện bình thường thôi.

Không ảnh hưởng gì?

Vậy thương vụ mua bán này có ảnh hưởng gì đến thị trường chăn nuôi của VN hay không, thưa ông?

+ Tôi cũng đã trao đổi với tổng giám đốc CP Việt Nam. Họ bảo về chiến lược và kế hoạch kinh doanh ở VN sẽ không thay đổi. CP vẫn tiếp tục đầu tư tại VN.

Hiện số liệu về việc CP Việt Nam nắm bao nhiêu thị phần thức ăn chăn nuôi của VN rất khác nhau. Ông có thể đưa ra con số chính thức?

+ Cái này Cục Chăn nuôi có thể đưa ra con số chính xác chứ tôi không nắm. Lúc chiếm 15%, lúc chiếm 17% và thông tin cũng hơi nhiễu.

Không can thiệp gì được trong vụ mua bán nhưng Bộ có giải pháp gì nhằm hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi trong thương vụ này hay không, bởi hiện nay CP Việt Nam chiếm thị phần khá lớn về chăn nuôi heo tại VN?

+ Hiện nay CP Việt Nam mới chỉ chiếm có 5% thị phần chăn nuôi VN nên không thể chi phối được thị trường.

Chưa chắc là không ảnh hưởng!

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cũng cho rằng CP Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3%-5% thị trường thịt heo nên không thể chi phối thị trường.

Tuy nhiên, một chuyên gia nông nghiệp chuyên theo dõi, thống kê thị trường heo, gà cho rằng con số mà ông cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra là không chính xác. Vị chuyên gia này cho rằng 3%-5% chỉ là số lượng đầu heo trên cả nước của CP Việt Nam chứ không phải con số thị phần thịt heo. Hiện CP Việt Nam có khoảng 100.000 heo nái trên tổng đàn gần 30 triệu con heo của cả nước, tức chiếm khoảng 3%.

Gần 70% thị phần thức ăn chăn nuôi rơi vào DN nước ngoài. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trên thực tế, muốn xem liệu doanh nghiệp (DN) có chi phối thị trường thì phải tính lượng hàng của DN đó đưa ra so với tổng lượng hàng của cả thị trường. Để chỉ ra sức tác động của CP Việt Nam, vị chuyên gia này cho hay mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 8.000 con heo thì trong đó có 2.500 con heo từ nguồn CP (chiếm hơn 31% thị trường). Tương tự, một ngày TP.HCM tiêu thụ 150.000 con gà thì trong đó có 50.000 con gà của CP (chiếm hơn 33%). Chưa kể hiện nay phần lớn các trang trại nuôi heo gia công ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh... đều thuộc về CP Việt Nam.

Do nắm giữ phần lớn thị trường như trên nên việc chi phối thị trường hay không đều nằm trong khả năng của CP Việt Nam. Thực tế thời gian qua, mọi quyết sách của công ty này liên quan đến chăn nuôi đều có tác động tới thị trường, nhất là thị trường phía Nam.

Khó bình ổn giá thịt heo

Ngày 2-8, Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp với DN chăn nuôi phía Nam nhằm bình ổn giá thịt heo, gà từ đây đến cuối năm.

Theo nhiều DN, hiện chăn nuôi đang có lãi nhưng thị trường còn nhiều khó khăn khi lãi suất ngân hàng cao, dịch bệnh hoành hành... Thậm chí ông Chung Kim, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Kim Long, cho hay với nhiều vướng mắc như trên, việc bình ổn giá thịt heo từ đây đến cuối năm sẽ không khả thi.

Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, cơn sốt giá về thực phẩm, nhất là đối với thịt heo vừa qua bộc lộ sự yếu kém của ngành chăn nuôi. Từ một ngành có nhiều lợi thế trong nông nghiệp nhưng đến nay chăn nuôi tụt hậu khá xa so với các ngành khác. Hiện chăn nuôi không có sản phẩm xuất khẩu nhưng một năm mất nhiều tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

CP Việt Nam là công ty cổ phần nên việc lên sàn tại thị trường chứng khoán Hong Kong là điều bình thường. Còn lý do quyết định bán CP Việt Nam cho CPP vì đây là nơi trả giá cao nhất. Nói là mua bán nhưng sự việc diễn ra trong nội bộ tập đoàn, do đó chiến lược, kế hoạch của CP tại VN không hề thay đổi. Vị trí chủ tịch, tổng giám đốc của CP Việt Nam vẫn là những người cũ.

Ông Jirawit Rachatanan, Phó Tổng Giám đốc CP Việt Nam

Trung Hiếu

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   FPTOnline nộp hồ sơ phát hành gần 2.8 triệu cp (03/08/2011)

>   DTH thu 43 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu (02/08/2011)

>   Thêm 4 doanh nghiệp được chào bán cổ phiếu (01/08/2011)

>   TCL: Phát hành hơn 2 triệu cp giá 15,860 đồng/cp (01/08/2011)

>   HCM được chào bán gần 40 triệu cổ phiếu (01/08/2011)

>   Sáp nhập Công ty cho thuê tài chính II vào Công ty cho thuê tài chính BIDV (01/08/2011)

>   Vụ sáp nhập chưa có tiền lệ trong ngành ngân hàng (01/08/2011)

>   Dằng dai thương vụ EVNTelecom và FPT (31/07/2011)

>   Bong Sen Corp thu ròng 370 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu (30/07/2011)

>   Sẽ có 120 triệu USD rót vào Hoàng Anh Gia Lai? (29/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật