Thứ Sáu, 19/08/2011 21:43

Chất lượng hàng hóa, nhìn từ 41 cổ phiếu mới niêm yết

41 doanh nghiệp mới niêm yết từ đầu năm, con số không tồi khi chứng khoán khó khăn. Nhưng khách quan thừa nhận rằng, 41 cái tên này là ‘khó nhớ’ với giới đầu tư.

Giá cổ phiếu điều chỉnh giảm kéo dài, thanh khoản giảm sút mạnh, dòng vốn mới chưa được khơi thông là những gì mà TTCK đang phải gánh chịu. NĐT kỳ vọng, dòng vốn ngoại và thị trường có thêm nhiều hàng hóa chất lượng cao lên niêm yết sẽ tạo ra sự đổi mới cho thị trường. Vậy nhưng, cả hai yếu tố này đều chưa xuất hiện.

Mặc dù vốn ngoại vẫn đang nhòm ngó TTCK Việt Nam, nhưng dường như họ chưa nhìn thấy điểm sáng. Ngoại trừ một số cổ phiếu blue-chip thuộc các ngành như ngân hàng giữ được sự quan tâm của NĐT ngoại, còn lại những cổ phiếu đang niêm yết hiện nay đã quá "cũ" và không còn hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư nước ngoài. Thống kê 20 DN có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có 6 DN có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Con số này cho thấy, những DN lớn, đủ sức hấp dẫn và thu hút vốn ngoại còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, những DN lớn thuộc sở hữu nhà nước, các tập đoàn lại chưa được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và niêm yết trên TTCK.

Tính đến ngày 17/8, TTCK Việt Nam có 683 cổ phiếu và 5 chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn chứng khoán HOSE và HNX, trong đó có 41 cổ phiếu mới niêm yết trong năm 2011.

ĐTCK đã thống kê 41 cổ phiếu mới này có tổng giá trị vốn hóa là 8.048,04 tỷ đồng, bằng 1,31% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường. DN có vốn hóa lớn nhất là VCF với 1.966,86 tỷ đồng, nhỏ nhất là PPP với 14,71 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa bình quân của 41 DN là 196,29 tỷ đồng/DN.

Xét về vốn điều lệ, mức bình quân của 41 DN này là 152 tỷ đồng, trong đó một số DN lớn như BSI (865 tỷ đồng), PGI (709 tỷ đồng). Như vậy, xét về quy mô DN niêm yết, con số này không phải là lớn (so với mức vốn điều lệ bình quân 175 tỷ đồng của sàn HOSE và 76,94 tỷ đồng của HNX), nhưng cũng không quá nhỏ so với quy định. Tuy nhiên, các DN này hầu như không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Ngoại trừ 2 cổ phiếu có mức tăng giá mạnh là SVN (+70%) và VCF (+48%), 39 cổ phiếu còn lại đều giảm khá mạnh, bình quân giảm 37,38%. Cá biệt, có những mã giảm tới 70% như BGM (-70%), MDG (-73,2%), STT (-74,5%). Nhìn chung, nhiều cổ phiếu kém chất lượng lên sàn, giá giảm, ít người mua. Việc giảm giá đó góp phần kéo chỉ số chung của thị trường đi xuống, làm các NĐT cũ nản lòng, còn NĐT mới e ngại.

Theo dữ liệu, chỉ số P/E trung bình của 41 DN mới niêm yết là 6,87 lần. Trong đó, một số mã có P/E cao như BSI (53,28), GFC (23,76), BHT (22,77), SVN (17,63), PPP (13,70), VCF (12,17), nhưng cũng có tới 26 mã có P/E dưới 5.

Trong số 41 DN này, có 6 DN chưa công bố BCTC quý II/2011 là TVD, PPS, THG, MAX, SVN và PGI. Ba DN công bố lỗ trong quý II/2011 là GFC (-16,8 tỷ đồng), NKG (-9,23 tỷ đồng) và VIE (-2 tỷ đồng). Lợi nhuận bình quân của 35 DN còn lại là 9,3 tỷ đồng.

Không thể khẳng định những hàng hóa mới chào sàn này không tốt, nhưng có thể nói, chúng không hấp dẫn ngay cả những NĐT trong nước, chứ chưa nói đến NĐT nước ngoài. NĐT vẫn rất lạ lẫm với nhiều mã, bởi họ có quá ít thông tin về những DN đó. Các quy định về công bố thông tin dường như vẫn còn lỏng lẻo, khi mà nhiều DN lên sàn chỉ công bố bản cáo bạch được lập cách đó khá lâu, một bản giới thiệu thông tin sơ sài, thiếu BCTC cập nhật.

Theo một số văn bản dự thảo mới đây, cơ quan quản lý dự kiến nâng cao tiêu chuẩn niêm yết. Cụ thể, DN muốn lên sàn HOSE phải có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên; ít nhất hai năm hoạt động, hai năm liền có lãi và không có lỗ luỹ kế; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm gần nhất tối thiểu là 5%.

Tuy nhiên, những quy định trên cũng chỉ là một phần trong câu chuyện làm thế nào để nâng cao chất lượng các cổ phiếu niêm yết. Một số chuyên gia cho rằng, cần nâng tiêu chuẩn tồn tại trên sàn, làm cho thị trường trở nên minh bạch hơn bên cạnh việc nâng tiêu chuẩn niêm yết. Việc này có thể làm ngay mà không cần phải chờ đến khi những quy định mới được ban hành. Cụ thể, những DN nào có giá cổ phiếu giảm mạnh xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP) trong một thời kỳ nhất định có thể bị chuyển sàn (giống quy định của nhiều TTCK nước ngoài), phải giải trình hoạt động kinh doanh; xử lý nghiêm các DN thường xuyên chậm công bố thông tin, báo cáo tài chính…

Việc thanh lọc các cổ phiếu yếu kém cũng là cách nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, tránh ảnh hưởng đến uy tín chung của thị trường. Những cổ phiếu bị xác định làm giá cũng nên được cảnh báo và đưa vào diện kiểm soát ngay lập tức, thay vì cơ chế hậu kiểm xử phạt 1 năm sau đó như hiện nay. Hai Sở GDCK cũng nên thể hiện rõ những cổ phiếu nào bị kiểm soát trên bảng điện tử, tách hẳn như đối với giao dịch thỏa thuận, để giúp NĐT nhận biết dễ dàng hơn.

Quang Sơn

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index có tuần thứ 2 giảm điểm  (19/08/2011)

>   Ngày 19/08: Khối ngoại giảm giao dịch, bán ròng gần 30 tỷ đồng (19/08/2011)

>   Cổ phiếu vàng đắt khách (19/08/2011)

>   Cần một TTCK ổn định trước khi muốn phát triển (19/08/2011)

>   Điểm bất thường trong diễn biến của VN-Index (19/08/2011)

>   19/08: Bản tin 20 giờ qua (19/08/2011)

>   UPCoM-Index tăng lên 31,15 điểm  (18/08/2011)

>   Ngày 18/08: Khối ngoại bất ngờ đẩy mạnh mua ròng 42 tỷ đồng (18/08/2011)

>   Chứng khoán vào trạng thái nguy hiểm (18/08/2011)

>   Quỹ đầu tư nội địa: Mờ nhạt vì thiếu vốn (18/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật