Nhiều DN chọn phương án trả nợ trước hạn
Chấp nhận vay ngân hàng, rồi è cổ trả lãi vay cao ngất trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đi xuống. Hay chấp nhận giảm giá, khuyến mại cắt lỗ để lấy tiền trả nợ ngân hàng và có tiền để triển khai dự án?.
Mỗi doanh nghiệp BĐS trong lúc này sẽ phải lựa chọn cho mình một phương án, một định hướng để duy trì khi mà thị trường BĐS được nhận định là còn khó khăn trong một thời gian dài.
1.400 tỷ đồng là số tiền đã được Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (HNX: STL) tổng động viên từ các nguồn của công ty và 14 đơn vị thành viên để trả nợ trước hạn cho ngân hàng. Thời gian trước hạn khoảng 3 tháng, ước tính, với việc trả nợ trước hạn này thì doanh nghiệp đã cắt giảm được khoảng 120 tỷ đồng tiền lãi vay. Một số tiền không nhỏ trong bối cảnh kinh doanh thị trường bất động sản được nhận định là còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng Giám đốc STL cho biết: “Ai cũng hiểu là ngay cả khi trả nợ trước hạn, thì doanh nghiệp cũng không dễ gì vay tiếp được nếu cần. Nhưng với lãi suất cao như hiện nay, thì trả nợ để cắt được gánh nặng về lãi suất vẫn còn hơn là để lãi suất gặm nhấm hết vào vốn”.
Tại cả Hà Nội và TP.HCM, các dự án bắt đầu vào giai đoạn triển khai đều gần như tạm dừng lại. Bởi nếu vay tiền để triển khai dự án, thì với chi phí lãi vay ở mức trên 25 đến 30% một năm như hiện nay, cộng phần tăng giá của vật liệu, nhân công, chi phí tài chính… trong mỗi dự án đã tăng khoảng 40% so với năm trước. Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp phải chùn bước.
Trong bối cảnh khó có thể dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng, các doanh nghiệp BĐS đã nhận ra rằng, mình đã không còn là thượng đế, mà khách hàng mới là thượng đế. Không ít doanh nghiệp đã chọn cách, thay vì vay ngân hàng với lãi suất 25-30% năm, đã chuyển sang vay của khách hàng với mức lãi như vay của ngân hàng, vì mức lãi này hiệu quả hơn gửi tiết kiệm.
Một số doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí sử dụng tài sản như diện tích khu thương mại, văn phòng, chỗ để xe vốn dự định dùng để kinh doanh cho thuê, thì nay cũng đem ra để khuyến mại tặng cho khách với mục đích tạo sức hấp dẫn để bán được hàng nhằm duy trì một dòng vốn ổn định, trả nợ và triển khai tiếp dự án.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất trên toàn hệ thống ở mức 16,9%. Từ nay đến cuối năm, tỷ trọng này sẽ phải giảm xuống ở mức 16% theo lộ trình. Như vậy là về cơ bản, các doanh nghiệp BĐS sẽ khó có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng trong thời gian tới. Nhiều nhận định là, thị trường sẽ xuất hiện cuộc chạy đua tìm kiếm khách hàng của các doanh nghiệp BĐS, và giảm giá mạnh là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Tuyết Mai
vtv
|