Hủy niêm yết: Tính già… coi chừng hóa non
Không còn là trường hợp cá biệt, một số DN đã bày tỏ ý nguyện rời sàn. Liệu có phải DN đang đi "cửa trên" trong ván bài đặt cược?
Lý do rời sàn
Báo chí đã từng tốn khá nhiều giấy mực để nói về hai trường hợp muốn rời sàn đầu tiên, đó là CTCP Viễn thông Sài Gòn (SGT) và CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC). Cuối tháng 6 vừa qua, tại ĐHCĐ, lãnh đạo CTCP Xây dựng số 11 (V11) đã đưa vấn đề hủy niêm yết ra bàn bạc. Cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn - Tổng CTCP Vinaconex, không phản đối ý định này. Trước đó, CTCP Hóa dược phẩm Mekophar (MKP) cũng tỏ ý định sẽ rời sàn. Ngày 30/7 tới, huỷ niêm yết là một trong những nội dung sẽ được nghị trình tại ĐHCĐ bất thường của CTCP Thực phẩm Quốc tế (IFS).
Có nhiều nguyên nhân để DN tính chuyện rời sàn. Theo bà Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MKP, những quy định pháp lý chồng chéo và mâu thuẫn đang đẩy MKP vào thế bế tắc kinh doanh dược phẩm. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch SGT cho rằng, giá cổ phiếu suy giảm ảnh hưởng tới DN và SGT không thể huy động được vốn qua sàn. Với V11, rời sàn là để tái cấu trúc, tổ chức lại hoạt động.
Mỗi DN mỗi lý do, nhưng chung quy các công ty đều không còn thấy lợi ích ở sân chơi niêm yết. Trong khi đó, DN phải bỏ ra chi phí khá lớn để tham gia như phí giao dịch hàng năm, phí công bố thông tin… Ngoài ra, theo ông Hồ Bá Tình, kinh tế trưởng của Vietstock, DN đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm khi TTCK suy giảm và bí mật kinh doanh dễ bị lộ.
Đong đếm thiệt hơn
Một bộ phận cổ đông muốn hủy niêm yết để giữ giá cổ phiếu khỏi sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của DN khó có thể tốt lên hay đỡ giảm hơn sau khi rời sàn. Trên sàn hiện tại, NĐT chưa chịu bỏ tiền mua thì khó có chuyện NĐT sẽ móc hầu bao gom những cổ phiếu đã đứng ngoài cuộc chơi. Chưa kể, thanh khoản cổ phiếu sau khi hủy niêm yết sẽ suy giảm.
Hủy niêm yết có thể đẩy DN vào thế khó khăn hơn trong huy động vốn. Ngoài việc tự đóng cánh cửa gọi vốn từ kênh chứng khoán, DN còn tự mua thêm hạn chế ở kênh vay vốn ngân hàng. Vì các ngân hàng nhiều khả năng sẽ thận trọng hơn trong cấp hạn mức tín dụng đối với DN tự hủy niêm yết.
Lập luận hủy niêm yết để thực hiện tái cấu trúc DN cũng không đủ sức thuyết phục. Bởi DN niêm yết vẫn có thể tái cấu trúc bình thường. Thậm chí, theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM, quá trình tái cấu trúc có giám sát, có ý kiến từ các thành viên thị trường sẽ càng giúp tái cấu trúc diễn ra hiệu quả.
Có thể nói, DN có ý định rời sàn vẫn chưa "nói đúng sự thật". Sự thật ở đây là DN muốn thoát khỏi sự ràng buộc khắt khe về những quy định liên quan đến công bố thông tin. Không niêm yết, DN không cần phải công khai mọi việc. Không niêm yết, dù kinh doanh thua lỗ, làm ăn bết bát, DN cũng ít bị chú ý. Nhưng đi kèm đó là DN mất uy tín và mất điểm trong mắt NĐT.
Sự thật có thể còn ở một tính toán cao hơn là DN sẽ "nâng cấp", mặc "áo mới" cho mình, đợi thời điểm thị trường thuận lợi để "ra mắt" NĐT ở mức giá cao. Ông Chí cho rằng, với việc định giá cổ phiếu, định giá DN tuỳ tiện như hiện nay, định giá dựa trên kế hoạch tương lai và không có gì chắc chắn kế hoạch đó sẽ thành hiện thực, thì con đường rời sàn sau đó lên lại sàn với gương mặt mới có thể giúp giá cổ phiếu của DN có bước nhảy vọt, điều mà DN sẽ không bao giờ đạt được nếu còn ở lại sàn.
Tuy nhiên, ông Chí khẳng định, nếu DN có toan tính như vậy thì đó sẽ là "tính già hóa non". Cổ đông không dại gì nhận "quả đắng" lần hai. Họ sẽ quay lưng với những DN đã gây ra cho họ những thiệt hại. NĐT mới sẽ nhìn cổ đông cũ để lấy đó làm bài học. Ngoài ra, TTCK có nhiều lựa chọn hấp dẫn và an toàn hơn. Điều này đồng nghĩa, con đường trở lại sàn của DN có thể sẽ rất chông gai.
Ngọc Thủy
đầu tư chứng khoán
|