Chủ Nhật, 03/07/2011 23:02

Đổ nợ vì chứng khoán

Không ít nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán đang nợ tiền tỉ của công ty và nhà đầu tư ủy thác.

Trong cộng đồng môi giới chứng khoán đang xôn xao về không ít trường hợp nhân viên môi giới ôm nợ, thậm chí dính đến luật pháp vì liên quan đến những giao dịch chứng khoán bất hợp pháp. Không ít nhà đầu tư đã phải mất tiền oan vì trót ủy thác cho họ chơi giùm trong thời gian qua.

“Anh hùng” và “kẻ tội đồ”

Lẽ ra H., nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán tại TPHCM, đã bị đuổi việc vì các bê bối liên quan đến đầu tư chứng khoán nhưng công ty vẫn phải giữ H. vì món nợ hàng tỉ đồng. Do phụ trách một nhóm khách hàng nên H. cùng với nhóm này đã mua vào rất nhiều cổ phiếu P bằng việc sử dụng margin (giao dịch ký quỹ). Tuy nhiên, sau khi mua, cổ phiếu này không những không tăng mà liên tục giảm giá, đến khi giá xuống quá thấp, H. mới bán tháo. Kết quả là riêng H. đã ôm món nợ công ty hơn 2 tỉ đồng. Hiện mỗi tháng, H. chỉ nhận 30% thu nhập, phần còn lại trừ nợ dần cho công ty.

Từng được coi là một “anh hùng” trong giới môi giới chứng khoán nhưng giờ đây anh V. đang phải lầm lũi kiếm tiền với mong muốn trả được số nợ của công ty và của các nhà đầu tư ủy thác gần 50 tỉ đồng. Lúc thị trường thuận lợi, “chỉ đâu trúng đó” nên lời nói của V. rất có giá trị. Chỉ cần một cuộc điện thoại tư vấn, V. có thể kiếm vài chục triệu đồng tiền hoa hồng... Đó cũng là lý do khiến nhiều người thân, bạn bè và nhiều nhà đầu tư không ngần ngại rót tiền cho V. đầu tư giùm. Đã có tiền một, lại muốn có mười, V. đã dùng margin không giới hạn… Nhưng không ai có thể ngờ thị trường đổ dốc nhanh và suy giảm kéo dài khiến V. không những trắng tay mà còn nợ nần chồng chất. Hiện tại, V. vẫn được nhắc đến thường xuyên trong giới chứng khoán nhưng không phải là một “anh hùng” mà như là “kẻ tội đồ”.

Câu chuyện mới nhất xảy ra vào đầu tháng 6 vừa qua đã khiến một nhân viên môi giới bị khởi tố. Đó là trường hợp ông Lê Minh T., nhân viên môi giới của công ty chứng khoán S., đã bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an tình nghi tiếp tay cho một khách hàng VIP, là ông Lê Văn Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Viễn Đông (DVD), có nhiều giao dịch bất hợp pháp nhằm thao túng giá chứng khoán...

Nhà đầu tư ủy thác chết theo

Sự thua lỗ của các tư vấn viên chứng khoán thường kéo theo thiệt hại của nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư ủy thác cho tư vấn viên đầu tư.

Chị T., làm việc tại một cơ quan hành chính đóng tại quận 1 - TPHCM, là một ví dụ. Chị cho biết do không am tường về chứng khoán, lại quá tin tưởng người quen là lãnh đạo một công ty chứng khoán nên chị đã mở một tài khoản gần 1 tỉ đồng. Vị lãnh đạo công ty chứng khoán này cử một nhân viên môi giới quản lý tài khoản và mua - bán thay cho chị. Lúc đầu thông tin mua - bán còn được gửi đến chị thường xuyên nhưng khi thị trường xuống dốc thì bắt đầu ít dần.

Thấy thị trường giảm liên tục, chị T. đề nghị nhân viên môi giới kiểm tra thì được biết số cổ phiếu và tiền mặt còn lại trong tài khoản của chị tương đương 300 triệu đồng. Chị yêu cầu nhân viên môi giới dừng lại, tìm cách bảo toàn giá trị 300 triệu đồng còn lại. Thay vì bán cổ phiếu và để lại tiền cho chị thì nhân viên môi giới này đã không thực hiện như vậy. Mới đây, chị T. thấy bất an khi nhận được điện thoại từ ngân hàng hỏi chị có ghi lệnh rút số tiền trong tài khoản chứng khoán hay không?  Liên lạc với nhân viên môi giới này thì không được; hỏi vị lãnh đạo công ty chứng khoán thì ông cũng né tránh. Tìm hiểu, chị mới tóa hỏa trong tài khoản của mình hiện chỉ còn vài ngàn cổ phiếu và một ít tiền với tổng giá trị khoảng 40 triệu đồng… “Vì không am tường về cổ phiếu lại quá tin tưởng vị lãnh đạo kia nên mới ra cớ sự này”- chị T. than.

Anh Đ., nhà ở quận 2, cũng đang phải ngậm ngùi vì đã lỡ gửi cho người em họ (một nhân viên môi giới chứng khoán) gần 2 tỉ đồng để chơi chứng khoán đến nay gần như mất trắng...

Một chuyên gia tài chính cho biết hiện tượng nhân viên môi giới thua lỗ, nợ tiền của công ty chứng khoán cũng như “quỵt” tiền cả nhà đầu tư là chuyện không phải hiếm trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, do phần lớn các dịch vụ công ty chứng khoán thực hiện đều thiếu cơ sở pháp lý hoặc lách luật nên khi xảy ra vụ việc sẽ khó đưa ra pháp luật. Hơn nữa, nếu có kiện thì nhân viên môi giới cũng không dễ có tiền trả. Chính vì thế mà giữ họ lại để làm việc và trừ dần nợ là một “lối ra” cho các công ty chứng khoán.

“Trên thế giới, để hành nghề môi giới chứng khoán, đạo đức nghề nghiệp được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã giảm tối đa xung đột lợi ích của nhà đầu tư và nhân viên môi giới bằng nhiều cách chứ không có tình trạng công ty chứng khoán thì lách luật, tạo điều kiện để nhân viên môi giới “vi phạm có hệ thống” như ở ta”.

Ông Lê Đạt Chí  (Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM)

Sơn Nhung

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   6 tháng đầu năm, khối ngoại chỉ mua ròng 3,620 tỷ đồng (03/07/2011)

>   Dòng tiền sẽ vào chứng khoán hay bất động sản? (03/07/2011)

>   Chứng khoán cạn vốn? (02/07/2011)

>   Chuyên gia ngoại ở TTCK Việt Nam (02/07/2011)

>   6 tháng, 15,293 NĐT nước ngoài được cấp mã số giao dịch (02/07/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 04-08/07 (02/07/2011)

>   Triển vọng TTCK cuối năm nhìn từ lạm phát (02/07/2011)

>   Thị trường chứng khoán đang vào mùa hạn (01/07/2011)

>   UPCoM-Index tăng 1,67% so với tuần trước (01/07/2011)

>   Ngày 01/07: Khối ngoại thu hẹp giao dịch và tiếp tục điệp khúc "mua VIC, xả PVD" (01/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật