Trung Quốc sẽ trở thành nước nhập khẩu than lớn
Giá than thế giới (vận chuyển qua đường biển) ngày càng có mối liên hệ chặt chẽ với giá than tại Trung Quốc, bởi khu vực đông nam nước này là trung tâm công nghiệp nặng của cả nước đồng thời là thị trường than đá lớn nhất thế giới.
Trung Quốc ngày càng trở thành khách hàng lớn trên thị trường than, bởi giá nhập khẩu vào khu vực đông nam qua đường thủy rẻ hơn nhiều so với nguồn cung nội địa.
Giá tham chiếu than nội địa, hợp đồng giao ngay tại cảng Tần Hoàng Đảo (Qinghuangdao) tuần qua đã tăng lên 128,37 đô la/tấn, theo thông tin từ trang web www.sxcoal.com của ngành, tăng 14% so quí 2-2010. Giá than tại Newcastle (Úc) tuần qua cũng tăng lên 120 đô la Mỹ/tấn nhưng vẫn thấp hơn giá than nội địa của Trung Quốc. Hiện, giá than Newcastle cao hơn 20% so cùng kỳ năm ngoái. Các mức giá trên chưa tính chi phí vận tải từ miền bắc Trung Quốc hoặc từ Úc.
Thị trường than gần đây biến động mạnh và các nhà sản xuất phải từ bỏ cách tính giá dựa trên hợp đồng năm để chuyển sang hợp đồng quí nhằm tránh những bất cập do thời hạn hợp đồng quá xa. Tuy nhiên, sự điều chỉnh trên làm nảy sinh vấn đề khi khách hàng Trung Quốc nhạy cảm với giá và chỉ nhập khẩu khi nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Song, nhiều nhà sản xuất và nhà phân tích cho rằng Trung Quốc dù cố gắng tăng sản lượng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu, nhất là ở khu vực đông nam.
Việc thiếu than nguyên liệu ở các nhà máy phát điện ở đông nam Trung Quốc khiến lượng nhập khẩu tăng mạnh. Các nhà phân tích và thương gia nhìn thấy tương lai Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng quan trọng, thậm chí có thể là thị trường than vận chuyển bằng đường biển lớn nhất thế giới.
Nhà phân tích Ian Roper của hãng CLSA Asia-Pacific Markets cho rằng Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu khoảng 250 triệu tấn than nhiệt mỗi năm vào năm 2015, bởi nguồn cung than từ miền bắc và miền tây - những nơi giàu than đá nhất Trung Quốc - không đủ cho khu vực đông nam. Tóm lại, chắc chắn Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu than, song giá than nhập sẽ phụ thuộc vào giá nội địa. Vấn đề còn lại là triển vọng giá than trên thị trường nội địa Trung Quốc sẽ ra sao.
Chi phí sản xuất than trên thế giới đã tăng 30% trong ba năm qua. Hiện, tình trạng sản xuất ở mỗi khu vực trên thế giới không giống nhau. Tình trạng sập mỏ diễn ra tại một số nơi trên thế giới, chính phủ Trung Quốc buộc những mỏ sản xuất quy mô nhỏ phải đóng cửa vì lý do an toàn. Ngoài ra, nhân dân tệ tăng giá cũng khiến giá than tại Trung Quốc tăng lên giống như dầu thô.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời nhà phân tích Rudi Vann của hãng Wood Mackenzie cho biết nguồn cung than chỉ riêng từ Indonesia sẽ tăng thêm 215 triệu tấn vào năm 2020, trong đó 60% sẽ dành cho xuất khẩu. Úc cũng có thể tăng gấp đôi xuất khẩu than đá lên khoảng 250 triệu tấn vào năm 2015 và nhiều nhà máy điện ở Mỹ chuyển sang sử dụng khí gas thay vì than. Xuất khẩu than từ phương Tây chắc chắn sẽ gia tăng. Bổ sung vào nguồn cung sẽ có than đá từ Nam Phi, Mông Cổ và Colombia. Vậy nên, khả năng thị trường than sẽ vẫn ưu đãi người tiêu dùng với những giá cả hợp lý.
Hải Hà (Theo Reuters)
TBKTSG
|