Thứ Tư, 29/06/2011 15:22

Tìm nơi tiền đồng trú ẩn

Trong bối cảnh hiện nay, rất ít người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp rót tiền vào vàng, chứng khoán, USD. Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng cũng giảm mạnh.

Vậy tiền đồng đang nằm ở đâu?

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên nhân đầu tiên lý giải tiền đi đâu chính là lạm phát. Giá cả tăng cao đã làm người dân, doanh nghiệp (DN) phải tăng giữ lại lượng tiền nhất định trong ví. Tuy nhiên, lý do căn bản nhất khiến lượng tiền thiếu hụt trong hệ thống ngân hàng lại xuất phát từ những chính sách hiện nay.

Thông thường, vốn lưu động của DN được gửi ở tài khoản của ngân hàng. Nhờ khoản tiền này, DN được vay bảo lãnh, trả chậm, khiến tiền mặt không bị lưu thông quá nhiều. Hơn nữa, khoản tín dụng này cũng được ngân hàng luân chuyển cho nhiều DN sử dụng trong cùng một thời điểm, giúp tăng nhanh vòng quay của đồng tiền.

Thế nhưng, từ khi tín dụng bị siết chặt, lãi suất bị đẩy lên cao, các DN rơi vào cảnh thiếu vốn. Vì vậy, DN rút vốn ra để quay vòng và vay mượn lẫn nhau, thay vì thông qua hệ thống ngân hàng. Nghịch lý đang diễn ra là tiền lưu thông nhiều, nhưng vốn của DN vẫn thiếu.

Bên cạnh đó, áp dụng trần lãi suất huy động cũng là một nguyên nhân khiến dòng tiền đi khỏi ngân hàng. Với lạm phát 6 tháng đầu năm tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, thì lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang bị âm.

TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, mức trần lãi suất 14%/năm hiện nay đã lỗi thời, cần xem xét lại. Ngoài ra, để thu hút dòng tiền quay lại hệ thống ngân hàng, Nghị quyết 11 của Chính phủ phải được thực hiện tốt để kéo lạm phát giảm xuống.

Một lý do nữa khiến thị trường khan hiếm tiền là chợ đen bùng nổ. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, hiện không chỉ vay đảo nợ, mà ngay cả vay sản xuất bình thường, DN cũng phải tìm đến thị trường chợ đen với lãi suất lên tới 12%/tháng (với cho vay đảo nợ). Sự sôi động của thị trường chợ đen đã hút một bộ phận tiền gửi của dân cư, thậm chí của cả DN, gây ra tình trạng thiếu tiền hiện nay.

Báo cáo của NHNN cho thấy, một lượng tiền bơm ra để cứu thanh khoản của các ngân hàng vào cuối năm 2010 đến nay, vẫn không trở lại hệ thống ngân hàng. Trong 4 tháng đầu năm nay, tiền ngoài hệ thống ngân hàng tăng 4,12% so với cuối năm 2010.  

Nhiều chuyên gia lo ngại, tình trạng căng thẳng tín dụng, chợ đen bùng phát kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, vì tín dụng chợ đen tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.  Cũng theo TS. Nghĩa, hàng tồn kho tăng nhanh cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng tiền đồng hiện nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, lượng sản phẩm tồn kho của nhiều ngành tăng mạnh. Cụ thể, tính đến tháng 5/2011, mức tồn kho của ngành sản xuất nước trái cây tăng 135,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tồn kho của sản phẩm cà phê sữa hòa tan, bột nêm và bột gia vị tăng gần 100%; tồn kho sản phẩm giải khát có ga, sữa đặc có đường, sữa tươi tiệt trùng, thức ăn gia súc… tăng 17% đến 40%. Trong lĩnh vực công nghiệp, gần 70% số sản phẩm cũng có mức tồn kho cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, dù DN đã cắt giảm sản xuất.

Bên cạnh đó, một lượng tiền rất lớn cũng đang bị “chôn” vào chứng khoán và bất động sản. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VnDirect (VND), nhiều công ty bất động sản lớn như Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Vạn Phát Hưng (VPH), Sacomreal (SCR)… đang sở hữu lượng hàng tồn kho “khủng”, dao động từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng

Với lãi suất cho vay trung bình trên 20%/năm như hiện nay, nếu không giải quyết được tình trạng hàng tồn kho, nhiều DN sẽ không chỉ dừng lại ở co hẹp sản xuất, mà còn đứng trước nguy cơ phá sản. Để giải bài toán này, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ và các chính sách tài chính, tiền tệ của NHNN để kiềm chế lạm phát.

Hà Tâm

đầu tư

Các tin tức khác

>   Nhiều tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất bị lợi dụng để trục lợi (29/06/2011)

>   Hà Nội cảnh báo khoản chào cho vay vốn của đối tác ngoại (29/06/2011)

>   Viện trưởng Viện Kinh tế VN: Kiên trì theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt (28/06/2011)

>   Standard Chartered: Tiền Việt sẽ mất giá chậm hơn (28/06/2011)

>   Đồng tiền đi trước… (27/06/2011)

>   Chính sách tiền tệ những tháng cuối năm: Đừng “đánh bùn sang ao” (24/06/2011)

>   Khôi phục vị thế VND để tránh "bẫy" USD (18/06/2011)

>   EVN nợ tập đoàn Dầu khí 6.436 tỉ đồng (17/06/2011)

>   Đồng Việt Nam tăng giá: Rủi ro dài hạn (16/06/2011)

>   Gia hạn thời hạn hoạt động cho 2 văn phòng đại diện tại Việt Nam  (15/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật