Chủ Nhật, 19/06/2011 21:39

Thời của nhà tư vấn M&A

Trong thời buổi lãi suất cao, tín dụng bị siết chặt, doanh nghiệp khó vay vốn để phát triển như hiện nay, mua bán và sáp nhập (M&A) trở thành lối ra cho nhiều doanh nghiệp. Vì thế, vai trò của nhà tư vấn M&A cũng ngày càng được nâng cao.

Muôn nẻo mua và bán

Để đầu tư cho một héc ta nuôi cá tra chí ít cũng phải bỏ ra số tiền 2 tỉ đồng, cùng với thời gian đào ao, thả nuôi cho đến lúc thu hoạch cũng phải mất từ sáu tháng đến một năm. Thế nhưng, vào năm 2010, khi Công ty cổ phần Lâm thủy sản Bến Tre (FBT) lâm vào thế khó, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG), nhìn thấy đó là cơ hội. Và chỉ trong thời gian ngắn, Hùng Vương đã bỏ ra chưa đến 70 tỉ đồng để kiểm soát một công ty có đến gần 1.000 héc ta diện tích ao nuôi cá. Tính ra, thay vì đầu tư 2 tỉ đồng cho mỗi héc ta ao nuôi cá, ông Minh chỉ cần bỏ ra 70 triệu đồng.

Trước thương vụ FBT, năm 2008, Hùng Vương (HVG) đã bỏ ra 126 tỉ đồng để mua cổ phần và nắm quyền điều hành nhà máy sản xuất thức ăn cho cá tra Việt Thắng, công suất 500.000 tấn/năm, do nhà máy này rơi vào khủng hoảng. Theo tính toán của ông Minh, nếu tự đầu tư, ngoài một khoản thời gian khá dài, ông phải bỏ ra chừng 150 tỉ để đầu tư một nhà máy công suất chỉ 250.000 tấn/năm. Năm 2009, Hùng Vương cũng đã mua lại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (AGF) với tham vọng đặt chân vào vùng trọng điểm nuôi cá tra, nhằm thực hiện chiến lược kinh doanh khép kín, từ con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến cho đến xuất khẩu, nhằm nắm thế chủ động trong chiến lược định giá của mình trên thị trường.

Hùng Vương (HVG)  là một ví dụ thành công trong chuyện phát triển doanh nghiệp bằng M&A, thâu tóm các doanh nghiệp khác trong ngành để củng cố chuỗi giá trị của mình. Trong câu chuyện con cá tra, với 99% sản lượng dành để xuất khẩu, theo ông Minh, thời gian tới thị trường sẽ tiếp tục được chứng kiến những vụ sáp nhập hay giải thể của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản. Bởi lẽ, để có thể tồn tại được, doanh nghiệp chế biến thủy sản phải chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu, kiểm soát được hàng hóa, mới bán được sản phẩm.

Ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank Securities), cho biết nhiều hợp đồng M&A doanh nghiệp đang được chốt lại, trị giá lên tới cả ngàn tỉ đồng. Mới đây, VPBank Securities đã thành công khi “mai mối” cho Tổng công ty Thép Việt Nam mua lại nhà máy sản xuất tôn mạ kẽm của Công ty cổ phần Lilama 10 (L10) trị giá 570 tỉ đồng. Nếu tự đầu tư một nhà máy như vậy, Tổng công ty Thép phải mất ba năm và chi tới 810 tỉ đồng, trong khi thương vụ M&A này được hoàn tất trong tám tháng. VPBank Secutities cũng đang chốt hợp đồng về một quỹ đầu tư mua lại 40% cổ phần của một doanh nghiệp bên Lào. Công ty cũng đang tư vấn phát hành cổ phiếu huy động vốn cho một dự án bất động sản trị giá 1.200 tỉ đồng, và một dự án khác có vốn đầu tư lên tới 2.000 tỉ đồng.

Thời của công ty tư vấn

Theo ông Dũng và ông Minh, phát triển doanh nghiệp bằng M&A vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, thời gian, vừa có thể tận dụng được thời điểm, nhưng không phải ai cũng nhìn ra được vấn đề và nắm lấy cơ hội. Theo thống kê, hơn 50% thương vụ M&A trên thế giới thất bại, dẫn đến giá trị của công ty bị phá hủy, vì thế, để đầu tư cho việc phát triển theo mô hình này, doanh nghiệp cần phải cùng giới tư vấn ngồi lại tính toán, phân tích, đánh giá cơ hội. Bên cạnh đó, thông qua nhà tư vấn, họ sẽ tìm hiểu năng lực tài chính, thủ tục pháp lý, đàm phán giá cả nhằm tìm được giải pháp tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Cũng qua khâu tư vấn, doanh nghiệp cần tìm hiểu về vấn đề hậu M&A với các vấn đề quản trị, văn hóa để hòa hợp thành công.

Với những thương vụ lớn, theo một luật sư, cần phải chú ý đến các chi tiết nhỏ, vì nếu bỏ qua, hay đi chệch đường, thì hậu quả có thể rất lớn một khi tranh chấp xảy ra. Lúc đó, doanh nghiệp vừa tốn thời gian, vừa mất công sức, mà kỳ vọng thì lại không đạt được.

Hiện nay thị trường đang râm ran những câu chuyện mua doanh nghiệp, bán dự án. Theo các chuyên gia, những ngành sản xuất, hàng tiêu dùng, và cả giới bất động sản trong thời gian tới sẽ sôi động chuyện M&A. Chính vì vậy, đây là lúc các công ty tư vấn về mua bán và sáp nhập, từ các công ty chứng khoán, công ty tư vấn, lẫn công ty luật, được mùa, với các thương vụ đình đám. Nơi thì tìm khách hàng trong nước, chỗ thì kiếm đối tác nước ngoài.

Lợi thế của các công ty tư vấn là có sự hiểu biết chuyên môn sâu, lại có được cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp với một danh sách các khách hàng tiềm năng. Họ cũng chính là cầu nối kết nối người mua kẻ bán, cũng như là sợi dây liên hệ giữa doanh nghiệp, công ty tài chính, công ty kiểm toán, công ty luật, làm trung gian thực hiện một quy trình khép kín. Những công ty chứng khoán thuộc các ngân hàng còn có lợi thế khác là có thể thu xếp nguồn vốn cho bên mua trong trường hợp kẹt tiền để đảm bảo thương vụ thành công.

Phi Tuấn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   VIR phát hành 3 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 82.4 tỷ đồng (17/06/2011)

>   TNFS: Tạm hoãn phát hành 6 triệu cổ phiếu (17/06/2011)

>   Chỉ có 200 cổ phần HDBank được đấu giá thành công (17/06/2011)

>   SHP nộp hồ sơ phát hành gần 17 triệu cổ phiếu (17/06/2011)

>   DCD nộp hồ sơ phát hành 4.5 triệu cổ phiếu (17/06/2011)

>   LOD Corp phát hành riêng lẻ 944,721 cp (16/06/2011)

>   Nhà đầu tư "chê" cổ phiếu MKV (14/06/2011)

>   VPH được phép chào bán hơn 15 triệu cổ phiếu (14/06/2011)

>   HLA: Bổ sung hơn 18 tỷ đồng vốn lưu động (14/06/2011)

>   T/S Alan Phan: 7 rào cản "giết chết" các phi vụ M&A tại Việt Nam (13/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật