Thép lãi nhờ giá điện
Từ các số liệu thực tế cho thấy ngành thép đang lãi chủ yếu nhờ giá điện thấp hơn giá thị trường, bộ Tài chính đang trình xin ý kiến Thủ tướng việc sẽ áp dụng một số biện pháp về thuế để điều tiết vấn đề này.
|
Theo tính toán của bộ Tài chính, ngành thép lãi chủ yếu là nhờ được hưởng giá điện thấp. |
Phần lớn lò thép lạc hậu
Theo bộ Tài chính, hiện tình hình cung vượt cầu xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Trong nước chỉ chưa sản xuất được các sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép chất lượng, thép cơ khí chế tạo, thép hợp kim.
Năm 2010, thép thành phẩm trong nước đạt tới 9,2 triệu tấn, tăng 33,04% so với năm 2009 (trong đó sản phẩm thép cuộn cán nguội có mức tăng trưởng cao nhất 172,58%). Điểm rất đáng lưu ý là năm 2010, hoạt động xuất khẩu thép tăng mạnh so với năm trước (sản phẩm thép tăng tới 238,74%; thép phế liệu cũng tăng 247,74%). Trong đó sản phẩm thép dẹt có sự gia tăng đột biến tới 694.000 tấn (tăng 609%); tiếp theo là thép xây dựng 39,7%; tôn mạ kim loại và sơn phủ màu 40.3%.
Với sản lượng như vậy năm 2010, ngành sản xuất thép tiêu thụ tới 4,67 tỷ KWh điện. Lượng điện này đã bị tiêu thụ khá lãng phí bởi theo hiệp hội Thép Việt Nam, trong số 32 nhà máy đang luyện cán thép thì chỉ có 4 nhà máy áp dụng công nghệ hiện đại của các nước G7; 10 nhà máy có công nghệ trung bình còn lại tới hơn một nửa (18 nhà máy) công nghệ rất lạc hậu. Do có quá nhiều nhà máy có công nghệ lạc hậu nên việc tiêu hao năng lượng của ngành thép là rất lớn. Nếu lò luyện hiện đại chỉ tiêu hao 350-400Kwh/tấn thì lò luyện lạc hậu tiêu hao tới 600 Kwh/tấn.
Lãi nhờ giá điện
Cũng tương tự như ngành thép là ngành sản xuất xi măng, theo bộ Tài chính, sản xuất xi măng là ngành sử dụng nhiều khoáng sản, đồng thời cũng là ngành sản xuất có khả năng ảnh hưởng đến môi trường, giá xuất khẩu xi măng không cao (40-45USD/tấn) nên khó bù đắp chi phí, đây cũng là ngành được hưởng “lợi” nhờ giá điện thấp (khoảng 2,4USD/tấn). Vì vậy cơ quan này cũng đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng mức thu thuế xuất khẩu clinker là 5%. |
Trong khi đó tính toán của bộ Tài chính, ngành thép lãi chủ yếu là nhờ được hưởng giá điện thấp.
Cơ quan này cho biết, theo mặt bằng giá hiện nay thì giá điện bình quân đảm bảo không lỗ ít nhất phải bằng 165% giá điện bình quân năm 2010 (1.242 đồng/Kwh). Như vậy giá đảm bảo không lỗ ước tính vào khoảng 1.777 đồng/Kwh. Năm 2011, mặc dù giá điện bình quân đã tăng 1.242đ/Kwh song vẫn chưa đảm bảo không lỗ. Và chênh lệch về giá điện các doanh nghiệp được “hưởng lợi” là 535đồng/Kwh.
Nếu ngành thép chỉ phải trả giá điện theo mức giá bình quân năm 2011 thì lợi nhuận thu được từ chênh lệch giá điện của việc sản xuất 1 tấn thép từ luyện quặng, phế liệu sẽ là 214.000 đồng/tấn (lò hiện đại) và 321.000 đồng/tấn (lò luyện lạc hậu. Như vậy lợi nhuận có được từ việc hưởng lợi giá điện thấp khoảng từ 10-15 USD/tấn thép.
Đánh thuế để "điều tiết sự bất hợp lý"
Đây là giải pháp chủ yếu được bộ Tài chính tính đến để điều tiết sự bất hợp lý nói trên.
Cụ thể cơ quan này đề xuất thu 3% thuế xuất khẩu đối với thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn sơn phủ màu nhằm hạn chế xuất khẩu các loại thép này. Cũng tương tự như vậy cơ quan này sẽ thu 3% thuế xuất khẩu đối với phôi thép.
Mặt hàng phế liệu thép, năm 2010 lượng xuất khẩu tăng mạnh, nhưng do mặt hàng này đang chịu mức thuế xuất khẩu là 22% (gần bằng mức trần so với cam kết) nên không thể điều chỉnh tăng thuế được nữa.
Được biết, mặc dù bộ Công Thương có quan điểm không nên đánh thuế xuất khẩu mặt hàng thép vì hiện cung đang vượt cầu, cần khuyến khích xuất khẩu nhưng bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm nên đánh thuế. Lý giải của cơ quan này là lợi nhuận có được từ ngành thép chủ yếu là nhờ giá điện rẻ, trong khi đó Nghị quyết 11 của Chính phủ đã quy định rõ giải pháp “điều tiết lợi nhuận kinh doanh xuất khẩu một số mặt hàng như thép…”.
Ngọc Lâm
sài gòn tiếp thị
|