Khơi thông thị trường bất động sản
Nếu nói về giao dịch của thị trường bất động sản trong thời gian qua, người trong giới chỉ dùng một từ "chững”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng là hàng nhiều, người mua ít, nguồn cung cũ do các nhà đầu cơ giữ lại còn nhiều hơn nguồn cung mới đang khởi công xây dựng; đặc biệt, việc siết lại hoạt động cho vay, hạn chế dòng tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản của các ngân hàng. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này sẽ gây nhiều hệ luỵ. Vì vậy, khơi thông thị trường bất động sản đang là vấn đề được đặt ra đối với các ngành chức năng.
Thừa chung cư
Theo thống kê chưa đầy đủ, nguồn cung căn hộ mới khoảng 25.000 căn, chưa kể số hàng được giới đầu cơ "ôm” trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, với thị trường đầu cơ chiếm tới khoảng 60-70%, nguồn cung cũ còn lớn hơn nguồn cung mới. Thêm vào đó là hàng trăm dự án sẽ được tiếp tục triển khai. Do vậy tình trạng thừa chung cư trong vài năm tới tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tái diễn như Đà Nẵng. Nhận định về việc quản lý cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Nên có sự phân định các ngành và lĩnh vực thuộc bất động sản để thấy rằng không hoàn toàn là phi sản xuất và việc siết lại cho vay toàn bộ khu vực này là chưa hợp lý. Ví dụ, việc cho vay để phát triển các khu công nghiệp, để tạo lập nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị đang rất cần được khuyến khích. Cho vay để xây dựng cơ quan, văn phòng, chợ búa, trung tâm thương mại hay cho vay cá nhân để xây dựng và sửa chữa nhà ở... cũng rất cần thiết để phục vụ đời sống và an sinh xã hội. Tuy nhiên, đây không phải lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn.
Hiện việc siết lại cho vay các dự án bất động sản đang tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, vì thực tế vốn tự có của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này không nhiều, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vay ngân hàng, dự án thì phải xây xong móng mới được huy động tài chính. Nhiều công trình, nhiều dự án đã hoàn thành 70 đến 80%, bỗng bị ngừng cho vay, dẫn tới chậm tiến độ và ảnh hưởng tới tính thanh khoản. Hàng hóa phải dừng lại ở dạng bán thành phẩm, không giao được cho khách hàng, đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi đối với các khoản vay từ nay trở về trước. Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng các dự án bất động sản bị ngưng trệ sẽ kéo theo hệ lụy là đầu ra của các ngành công nghiệp, sản xuất vật liệu như ximăng, sắt thép, gạch ngói, thiết bị sứ vệ sinh..., ngành giao thông vận tải... cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Cần có giải pháp phù hợp để kích cầu
Trước tình trạng trên, hiên Bộ Xây dựng đang đề nghị, xem xét các điều kiện để tiếp tục cho vay đối với một số ngành, một số đối tượng và dự án thuộc lĩnh vực bất động sản. Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng: Nếu coi thị trường bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất và ngừng cho vay một cách không chọn lọc và thiếu linh hoạt sẽ gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, thiệt hại cho các ngành sản xuất trực tiếp và bất ổn cho hệ thống tài chính ngân hàng. Vì vậy, trước mắt, nên duy trì việc cho vay, với lãi suất ổn định đối với một số doanh nghiệp, dự án, công trình theo các tiêu chí định sẵn. Ví dụ, các dự án đạt tỷ lệ hoàn thành từ 75 đến 80%. Các dự án có quy mô nhỏ và vừa với mức giá thấp và dễ dàng tiêu thụ. Hay các doanh nghiệp có uy tín, có tỷ lệ nợ xấu thấp và sản phẩm có tính thanh khoản cao trên thị trường... Thêm nữa, cần tăng cường cho vay ở đầu "cầu” tức là phía người tiêu dùng. Đây cũng là hình thức đảo nợ.
Trên thực tế, việc cho vay doanh nghiệp thường số lượng lớn nên rủi ro nợ khó đòi cũng lớn tương ứng, nhất là các khoản vay ngắn hạn. Cho vay tiêu dùng với thời hạn dài, thường người dân phải thế chấp và trông vào thu nhập để trả nợ nên khả năng thanh khoản sẽ tốt hơn, chắc chắn hơn. Vòng quay đảo nợ sẽ được nhân lên. Về dư nợ và lượng cho vay thêm có thể tăng hơn, nhưng tỷ lệ nợ xấu, nợ đọng và nợ khó đòi chắc chắn sẽ ít hơn.
Ông Nguyễn Trần Nam nhận định, kế hoạch đặt ra là từ nay tới 30-9, tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng phải đạt mức 22% và giảm về 16% đến ngày 31-12. Tuy nhiên, khó có thể lạc quan khi dòng vốn trên thị trường không được lưu thông, không thu hồi được nợ và tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao như hiện nay. Chính nguồn vốn trong dân, hiện cũng đang bị co cụm do kỳ vọng giá bất động sản có thể sẽ còn sụt giảm hơn nữa. Vì thế, rất cần sự trợ giúp của Nhà nước, của hệ thống ngân hàng để cùng với các doanh nghiệp khơi thông hoạt động của thị trường bất động sản.
Tuấn Cường
đại đoàn kết
|