Hôm nay trình Thủ tướng đề xuất “giải cứu” bất động sản
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam tiết lộ, hôm nay (30/6), Bộ Xây dựng sẽ có báo cáo chi tiết về đề xuất trên để trình Thường trực Chính phủ (tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 - PV) và đề xuất có được thông qua hay không thì còn phải đợi kết luận của Thủ tướng.
Việc đề xuất kiến nghị “giải cứu” thị trường bất động sản không phải là lợi ích của Bộ Xây dựng, cũng chẳng phải là lợi ích của nhóm nào cả mà là vì nền kinh tế.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định với VnEconomy chiều ngày 29/6, sau khi Bộ vừa có đề xuất gửi tới Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, Bộ Xây dựng chính thức đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và hướng dẫn các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ trọng các khoản vay đối với lĩnh vực bất động sản.
Hiện có nhiều thông tin trái chiều bình luận về những đề xuất này. Nhiều ý kiến cho rằng cứ để thị trường bất động sản diễn ra theo quy luật vốn có của nó chứ không cần phải “giải cứu”.
Trong các phản hồi về VnEconomy, nhiều ý kiến khác cũng nhìn nhận rằng, chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn; nên tiếp tục duy trì chính sách này, đặc biệt, đây là thời điểm để đưa giá bất động sản về gần với giá trị thực của chúng.
Không những thế, một số quan điểm lý giải việc đề xuất “giải cứu” cho thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng là “để cứu nhóm lợi ích hơn là lành mạnh hóa thị trường và hỗ trợ tích cực những người có nhu cầu thực mà chưa tiếp cận được với nhà ở…” (?).
Khi chuyển những phản hồi trên trước đề xuất của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thẳng thắn nói: nhiều người còn chưa hiểu, chưa nắm rõ được đề xuất của Bộ Xây dựng, vì Bộ không đề xuất nới lỏng tín dụng mà là đề xuất chuyển dịch cơ cấu cho vay đối với các khoản mục bất động sản.
“Trong lĩnh vực bất động sản có rất nhiều thành phần cho vay khác nhau. Đề xuất ở đây chỉ là chuyển đổi từ cái này sang cái kia cho linh hoạt, cơ cấu lại tỷ trọng tín dụng các thành phần bất động sản cho đúng hướng và phù hợp với thực tiễn. Và tổng cộng tỷ lệ tín dụng cho nó (bất động sản- PV) thì vẫn phải giảm. Đấy chính là chống lạm phát, là kiểm soát dòng tiền”, ông Nam nói.
Vị Thứ trưởng cũng khẳng định rằng, điều cơ bản là Bộ Xây dựng ủng hộ Nghị quyết 11 của Chính phủ là kiểm soát dòng tiền và giảm tín dụng vào bất động sản.
“Còn đề xuất kiến nghị “giải cứu” thị trường bất động sản không phải là lợi ích của Bộ Xây dựng, cũng chẳng phải là lợi ích của nhóm nào cả mà là vì nền kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định.
Ông phân tích, thực tế, bất động sản không phải là đối tượng gì cả mà là ngành quan trọng trong kinh tế quốc dân, có tính chất cầu kéo. Bất động sản phát triển là đất nước phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng tiết lộ, hôm nay (30/6), Bộ Xây dựng sẽ có báo chi tiết về đề xuất trên để trình Thường trực Chính phủ (tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 - PV) và đề xuất có được thông qua hay không thì còn phải đợi kết luận của Thủ tướng.
Minh Anh
TBKTVN
|