Hoạt động IR manh mún: Thiếu tầm nhìn dài hạn
(Vietstock) – Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay thì hoạt động huy động vốn trên thị trường ngày càng trở nên khó khăn. Vai trò của IR càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thiếu bài bản trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) thể hiện sự thiếu tầm nhìn dài hạn và năng lực quản trị yếu kém của Ban lãnh đạo. Với một chiến lược IR chuyên nghiệp, giá trị của doanh nghiệp sẽ được tôn vinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Đánh thức vai trò Marketing chứng khoán
Việc thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tiềm năng trở thành cổ đông của mình khá quan trọng. Một doanh nghiệp muốn giữ chân cổ đông hiện tại và thu hút thêm nhiều cổ đông mới không thể phớt lờ vai trò của IR. Đây cũng là kênh hỗ trợ doanh nghiệp PR thương hiệu, sản phẩm trên thị trường.
Thấu hiểu tầm quan trọng của IR, hầu hết các công ty đại chúng trên thế giới đều duy trì, chăm chút cho bộ phận này nhằm truyền tải thông điệp gửi đến nhà đầu tư phục vụ cho công tác huy động vốn được dễ dàng, thuận lợi. Hoạt động IR chuyên nghiệp thể hiện sự bài bản, tầm nhìn dài hạn trong chiến lược quản trị doanh nghiệp.
Vào ngày 17/06/2011, Vietstock tổ chức Hội thảo “Quan hệ Nhà đầu tư (IR) và Tối đa hóa Giá trị Doanh nghiệp”
Diễn giả:
* TS Matthew Hibberd - Phó Khoa Điện ảnh, Truyền thông và Báo chí của trường đại học Stirling (Vương quốc Anh)
* Tiến sĩ Nguyễn Sơn – Vụ trưởng vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Xem chi tiết |
Còn tại Việt Nam, nhiệm vụ Marketing để bán chứng khoán ra thị trường chưa được nhận thức đầy đủ. Do còn mới mẻ nên chủ doanh nghiệp chưa hiểu hết tầm quan trọng, ích lợi và các tác hại của IR. Bản thân doanh nghiệp rất ít có các bộ phận chuyên trách IR, một phần do ngân sách hạn hẹp, phần khác do HĐQT còn thờ ơ và chưa thấy hết những lợi ích mà công tác này đem lại.
Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế, TPHCM, Marketing hàm chứa 2 nhiệm vụ: bán sản phẩm, dịch vụ cho công ty và bán chứng khoán cho các cổ đông của chính công ty, nơi tài trợ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Chí khẳng định, cùng với đà phát triển về quy mô các công ty đại chúng nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng, tạo nên mức độ cạnh tranh gay gắt trong việc huy động vốn thì nhà đầu tư bắt đầu có những lựa chọn kỹ lưỡng hơn trong các quyết định đầu tư. Chính lúc này, nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn những doanh nghiệp có IR tốt thì công tác này sẽ được nâng tầm, và thị trường càng phát triển thì IR sẽ trở thành yếu tố mang tính sống còn của doanh nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS), nếu không làm tốt công tác IR thì trong bối cảnh cạn kiệt nguồn vốn, thừa nguồn cung cổ phiếu như hiện nay, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc phát hành. Ngược lại, một khi công tác này được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, nhà đầu tư sẽ an tâm, sẵn sàng bỏ vốn, tăng vốn khi doanh nghiệp có nhu cầu.
Thiển cận cách nghĩ “tốt khoe, xấu che”
Hiện nay, hoạt động IR vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ tại nước ta. Ngoại trừ những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trên thị trường, số lượng doanh nghiệp hoạt động IR chuyên nghiệp còn khá mỏng và yếu. Hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc công bố thông tin đối phó hơn là tự giác và cởi mở. Nhiều nhân viên phụ trách IR không am hiểu về thị trường tài chính nên khi nhà đầu tư hỏi đến thì họ không thể ứng phó. Thiếu chuyên nghiệp công tác này khiến hình ảnh của doanh nghiệp xấu đi trong mắt nhà đầu tư.
Nhiệm vụ của IR là truyền tải giá trị doanh nghiệp đến nhà đầu tư trên thị trường, bất kể thông tin đó là tốt hay xấu. Quá trình cung cấp thông tin đòi hỏi phải kịp thời để tránh doanh nghiệp mắc phải những cái “bẫy” của đối thủ cạnh tranh, các nhà đầu cơ giá xuống, nguy cơ xảy ra hành vi trục lợi, giao dịch nội gián hay các tin đồn thất thiệt gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty hay cổ phiếu trên thị trường. Chính lúc này, mọi nguồn thông tin chính thống từ “phát ngôn viên” của doanh nghiệp phải kịp thời truyền tải thông tin không bị bóp méo, gây hiểu nhầm nhằm góp phần xoa dịu nỗi hoang mang, phục hồi niềm tin trên thị trường.
Dù vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có tâm lý bưng bít thông tin hoặc “tốt khoe, xấu che”. Theo ông Chí, cách nghĩ này khá thiển cận. Doanh nghiệp phải chủ động cung cấp thông tin xấu, chủ động giải đáp những nghi vấn của nhà đầu tư nhưng cần giúp thị trường hiểu rằng nguồn gốc của thông tin là không bất lợi. Bộ phận IR phải đảm bảo mọi thông tin có liên quan đến doanh nghiệp phải được xử lý thấu đáo trước khi công bố.
Chẳng hạn như với thông tin mất thị phần từ đối thủ cạnh tranh, IR phải chỉ ra được nhiệm vụ sắp tới của Ban lãnh đạo là gì để giành lại thị phần, phải nêu ra được phương hướng, cách thức khắc phục tiếng xấu. Hoặc khi doanh nghiệp thua lỗ, có thể chỉ cho họ thấy do chi phí đầu tư vừa qua chiếm tỷ trọng lớn nhưng khoản lỗ hôm nay sẽ là giá trị gia tăng cho ngày mai.
Còn theo ông Chinh, một khi sự việc xấu đã lên báo thì doanh nghiệp càng tránh né, sự việc càng trở nên tồi tệ. Đối với giới báo chí, nếu doanh nghiệp hiểu rõ những lợi ích to lớn mà kênh truyền thông này đem lại sẽ có cách nhìn thiện cảm hơn về họ. Nếu cộng tác tốt với giới truyền thông, doanh nghiệp sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, đem lại hiệu quả nhanh chóng.
Chính lúc này, doanh nghiệp cần bình tĩnh, phải biết cách giải trình nguyên nhân, tìm người có sức thuyết phục để làm cho thông tin xấu nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như với kết quả kinh doanh thua lỗ hơn 100 tỷ đồng, một công ty làm tốt công tác IR đã giải trình như sau: “Đây là yếu tố khách quan ngoài ý muốn. Khi nền kinh tế lạm phát cao, lãi suất leo thang, trong khi giá nguyên liệu tăng lên nhanh chóng, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất. Tình hình này, cả nền kinh tế phải gánh chịu chứ không riêng gì chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành đúng kế hoạch theo sự tín nhiệm của quý cổ đông”.
Dù vậy, ông Chinh cũng lưu ý rằng những phát ngôn phải là những hành động thực tế, chứ không phải là những lời nói ngoa.
Lấy dẫn chứng cho vai trò của IR trong hoạt động M&A, ông Chinh cho rằng bất kỳ hoạt động M&A nào cũng đều có mặt tích cực và mặt trái của nó. Nếu chỉ nhìn ở điểm tiêu cực là doanh nghiệp bị thâu tóm thì sẽ tạo nên làn sóng hoang mang trên thị trường. Song nếu làm tốt công tác IR, nhà đầu tư sẽ hiểu rằng làn sóng M&A là tất yếu và phù hợp với xu thế hiện đại. Ở mặt này, BBC là doanh nghiệp khá thành công khi nhắc đến Lotte, nhà đầu tư có thể hình dung được những lợi ích to lớn mà cổ đông chiến lược này đem lại: Hỗ trợ vốn, nhân sự, kinh nghiệm, chiến lược quản trị, thương hiệu cho BBC.
IR: Chuyện không của riêng ai
Để hoạt động IR trở nên chuyên nghiệp, bản thân doanh nghiệp, các ngành chức năng liên quan và cả nhà đầu tư cùng phải vào cuộc.
Vì theo ông Chí, những quy định về nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định tại Việt Nam hiện nay còn sơ sài so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử như tại Mỹ, trong luật có quy định các công ty niêm yết phải công bố cả sản phẩm bán cho khách hàng đem lại doanh thu trên 10%. Nước ngoài còn quy định phải công bố BCTC của công ty con để nâng cao nghĩa vụ bắt buộc. Còn tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp luôn viện vô vàn lý do để bào chữa cho việc không muốn minh bạch. Một số doanh nghiệp vẫn ngại tiếp xúc với giới truyền thông, báo chí.
Ông Chí cho rằng xét dưới góc độ kinh doanh, khi doanh nghiệp sợ đối thủ cạnh tranh biết được bí mật kinh doanh của mình là điều chưa thực sự thỏa đáng. Thông qua các nghiệp vụ chuyên môn, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể mua số liệu điều tra từ thị trường. Do vậy, dù doanh nghiệp không công bố thì đối thủ cũng có thể nắm bắt được. Hơn thế, có thể do doanh nghiệp bán sản phẩm dễ bị thay thế, chưa tạo được lợi thế khác biệt so với đối thủ nên mang tâm lý dè dặt.
Ông Chinh nhìn nhận, đã đến lúc doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác tiếp xúc cổ đông, cần thiết lập phòng IR một cách có quy chuẩn, trong đó phải có thành viên nằm trong ban điều hành của công ty thuộc phòng ban này. Người công bố thông tin, kế toán trưởng chưa phải là người nắm rõ hết mọi hoạt động của công ty. Ông Chinh cho rằng doanh nghiệp phải có quy trình công bố thông tin chuẩn, dựa vào những tình huống giả định trước để chuẩn hóa các trường hợp phát sinh trong thực tế.
Ngoài ra, người viết thấy rằng, bản thân quy định liên quan đến hoạt động công bố thông tin chưa được doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ. Theo qui định hiện hành, đại diện cổ đông nắm giữ 5% vốn điều lệ của doanh nghiệp niêm yết buộc phải công bố thông tin ra công chúng trước khi thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, Luật có nhưng chế tài chưa đủ mạnh nên chưa đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, do thị trường Việt Nam còn non trẻ, nên bước đi phù hợp hiện giờ là tuân thủ tốt pháp luật trước đã, làm sao để Thông tư 09 đi vào cuộc sống. Vì trên thực tiễn, có bao nhiêu công ty công bố báo cáo thường niên, báo cáo tài chính đúng hạn?
Dưới góc độ doanh nghiệp, ngoài việc chấp hành tốt nghĩa vụ công bố thông tin theo luật định, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thêm những thông tin khác để truyển tải trọn vẹn trình độ quản trị, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Cần tránh tâm lý coi thường nhà đầu tư, nếu không, hậu quả thật khó lường.
Ông Chí cho rằng với mức độ nội dung công bố thông tin còn ít ỏi như hiện nay sẽ gây khó khăn cho NĐT trong các quyết định. Do vậy, ông kỳ vọng thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ đưa thêm nhiều nội dung mới vào quy định trên.
Về phía nhà đầu tư, để hướng đến sự chuyên nghiệp, ông Chinh cho biết, bản thân nhà đầu tư cũng nên nhận thức rõ quyền lợi của mình trong việc thu nhận thông tin: Tiếp cận thông tin ở mức độ nào, quyền và nghĩa vụ của một cổ đông theo quy định của Pháp luật. Một khi hiểu thấu quyền lợi của mình, cần đòi hỏi quyền đó phải được thực hiện nghiêm túc. Ông Chinh gợi ý các cổ đông nhỏ lẻ có thể liên kết với nhau hoặc chia sẻ thông tin mà doanh nghiệp quan tâm thông qua các diễn đàn để tạo hiệu ứng đám đông và tăng cường sức mạnh.
Bội Mẫn
|