Giá xăng dầu không giảm do: Lỗ DN chịu, lãi đại lý ăn?
Hiện giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu, có thời điểm xuống sát 100 USD/thùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập khẩu, vẫn kêu lỗ, do phần lãi bị các đại lý “ăn”. Bởi thế, vẫn chưa có câu trả lời, khi nào xăng dầu giảm giá?
|
Người tiêu dùng luôn thấp thỏm với giá xăng dầu. |
Doanh nghiệp kêu lỗ, đại lý lãi lớn
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro, cho biết doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng đang có lãi hơn 100 đồng/lít. Tuy nhiên, đang gặp rất nhiều khó khăn với mặt hàng dầu (diezel, madút) do cạnh tranh không lành mạnh, một số DN nâng tỉ lệ hoa hồng cho các đại lý lên mức 1.000 - 1.200 đồng/lít.
Điều này dẫn đến việc DN bị đại lý ép ngược, vì để bán được hàng DN buộc phải nâng tỷ lệ chiết khấu cho đại lý lên. “Các DN nâng mức chiết khấu lên cao này phần lớn là DN không có hệ thống phân phối mà chủ yếu ký hợp đồng với đại lý tiêu thụ. Điều này khiến DN nghiêm chỉnh thực hiện trữ tồn kho 30 ngày không thể cạnh tranh được.
Để tránh lỗ do tồn kho quá lớn, chúng tôi cũng buộc phải nâng mức chiết khấu đại lý lên. Mức lỗ mặt hàng dầu của chúng tôi hiện lên tới 200 đồng/lít. Hiện tồn kho của chúng tôi và Petrolimex hay PVOil lên tới 45 ngày”, ông Sang nói.
|
Diễn biến giá xăng A92 nửa đầu tháng 6 |
Đại diện một DN xăng dầu cũng xác nhận việc tỷ lệ chiết khấu bị đẩy lên mạnh thời gian gần đây là do một số DN trước đây ngừng nhập hàng khi giá thế giới tăng cao trong khi các DN đầu mối lớn khác vẫn phải chịu lỗ nhập hàng để đảm bảo mức tồn kho 30 ngày.
Khi giá thế giới hạ, các DN này liền tăng cường nhập hàng khiến giá thành của họ thấp hơn. Với lợi thế đó, các DN có thể đẩy mức chiết khấu cho đại lý lên rất cao. Đây là việc đã từng xảy ra hồi cuối năm 2008 và cơ quan chức năng cần kiểm tra việc này. Tỷ lệ chiết khấu bị đẩy lên cao khiến DN lỗ.
Ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cũng xác nhận lượng tồn kho của các DN đang ở mức khá cao. Mức lãi đối với mặt hàng xăng của DN này cũng ở chỉ có vài chục đồng/lít. Hiện kinh doanh cũng có dấu hiệu khó khăn do giá thế giới những ngày gần đây đang tăng trở lại.
“Mức chiết khấu cho đại lý của chúng tôi luôn thấp hơn so với các DN khác. Vì thực tế chiết khấu cao thì lớp trung gian được hưởng chứ người tiêu dùng không được hưởng”- ông Dũng cho biết.
Đại diện Petrolimex cũng cho biết, mức giá bán lẻ trong nước 21.300 đồng/lít xăng A92 như hiện nay vẫn thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Thống kê cho thấy, dù giá dầu thô giảm, nhưng giá bình quân các sản phẩm dầu tại thị trường Singapore trong nửa đầu tháng 6 biến động không đồng nhất. Giá xăng giảm theo chiều hướng của giá dầu thô, còn các sản phẩm khác vẫn tăng so với cùng kỳ tháng 5.
Một thành viên Tổ điều hành Giá xăng dầu trong nước cũng xác nhận với PV Tiền Phong hiện DN đang lỗ đối với mặt hàng dầu các loại. Mặt hàng xăng, DN có mức lãi cao nhất cũng chỉ 100 đồng/lít.
“Từ đầu năm đến giờ dù giá dầu thô thế giới liên tục giảm nhưng giá xăng dầu thành phẩm chỉ hạ rất ít, có thời điểm gần như không hạ chút nào. Riêng mặt hàng dầu diezel giá thế giới lại đang tăng. Với tình hình này, DN kinh doanh không thể có lãi”- ông cho biết.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước liên tục kêu lỗ, trong khi cho rằng đại lý ăn lãi lớn Ảnh: Xuân Phú
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước liên tục kêu lỗ, trong khi cho rằng đại lý ăn lãi lớn. Ảnh: Xuân Phú.
Kiến nghị kiểm toán giá xăng dầu
Giá bình quân mặt hàng A92 xăng thành phẩm trong nửa đầu tháng 6 so với tháng 5 giảm 6,87 USD/thùng (tương đương 5,4%). Giá dầu hỏa tăng 0,12%, diezel 0,05S tăng 0,22%, madút tăng 2,49%.
“Trung bình 30 ngày qua, giá xăng thành phẩm vẫn là 119 USD/thùng. Tính đến hôm nay, 27-6, lợi nhuận một lít xăng của chúng tôi chỉ từ 18 – 20 đồng. Còn dầu bình quân 30 ngày vẫn là 129 USD/thùng. Mức lãi cũng rất thấp. So với giá khu vực ngày 27-6, giá xăng bán lẻ tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với Lào 5.300 đồng/lít, thấp hơn Campuchia và Trung Quốc gần 4.000 đồng/lít”- ông Dũng cho biết. |
Trước việc giá thị trường thế giới liên tục giảm thời gian qua trong khi giá trong nước không có động tĩnh gì, các chuyên gia cho rằng, thông tin giá xăng dầu do doanh nghiệp đưa ra chỉ là một yếu tố. Vấn đề là không có cơ quan nào đứng ra kiểm soát sự chính xác của các thông tin đó.
Vì vậy, cần có sự kiểm toán độc lập giá xăng dầu và với các phương án tăng giá bán lẻ xăng dầu của các đầu mối nhập khẩu, phân phối. Đây là cơ sở khách quan hơn để thuyết phục người tiêu dùng mỗi đợt điều chỉnh giá xăng dầu.
Theo các chuyên gia, việc kiểm toán độc lập giá xăng dầu nếu thực hiện sẽ được người tiêu dùng hưởng ứng do không mấy người hiểu rõ chi phí cấu thành giá xăng dầu hiện nay. Điều dễ nhận thấy nhất đối với thị trường xăng dầu trong vài năm trở lại đây là mỗi khi giá thế giới biến động và doanh nghiệp bị lỗ là lập tức DN có ý kiến đề nghị điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, khi thị trường đi xuống, DN có lãi nhiều, có thời điểm lãi gần 2.000 đồng/lít, nhưng hầu như không mấy khi họ chủ động xin giảm giá. Lý do đưa ra vẫn luôn “hợp tình hợp lý” khi cho rằng DN không được chủ động, muốn giảm giá thì phải chờ cơ quan chức năng có ý kiến.
Cũng có DN vin cớ bị lỗ kéo dài nên phải chờ thời gian để “hồi sức” rồi mới giảm giá. Như năm 2010, có thời điểm DN nhập khẩu xăng dầu trong nước có lãi nhưng không đề nghị giảm giá mà đề nghị tăng chi phí định mức kinh doanh để… bù cho phần hao hụt trong quá trình nhập, xuất xăng dầu.
Về đề xuất kiểm toán giá xăng dầu, theo ông Đặng Vinh Sang, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã có công thức tính. Mà từ trước đến nay, các bộ chỉ toàn tính thiệt cho DN. “Về quan điểm DN, chúng tôi ủng hộ kiểm toán độc lập để rộng đường dư luận. Từ trước đến nay dư luận luôn cho rằng Bộ Tài chính và Bộ Công Thương luôn bênh DN”- ông nói.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đầu tuần qua tuyên bố xuất kho giúp Mỹ hơn 60 triệu thùng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng khiến giá dầu thế giới giảm 9 USD xuống 105,21 USD/thùng. So với mức đỉnh của giá dầu thô thế giới vào ngày 29-4, ở mức 113,9 USD/thùng, giá dầu thế giới đã giảm 8,69 USD/thùng.
Tuy nhiên, đến cuối tuần, ngày 24-6 giá xăng A92 tại thị trường Singapore lại quay trở lại mức 112,04 USD /thùng, diezel 0,5S 120,51 USD/thùng, dầu hỏa 119,4 USD/thùng. |
Phạm Tuyên
tiền phong
|