Thứ Hai, 13/06/2011 07:18

Doanh nghiệp “bắt tay” hạ giá cá tra?

Những ngày qua, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục giảm làm cho người nuôi cá tra lo lắng. Theo nhiều chuyên gia, ngoài nguyên nhân cá quá lứa, hồ nuôi của doanh nghiệp đến kỳ thu hoạch... còn có việc các doanh nghiệp “bắt tay” kéo giá xuống.

Cuối tháng 5, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL vẫn còn đứng ở mức khá cao từ 27.000 - 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 thì giá cá sụt giảm rất nhanh (loại 1 chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg, cá quá lứa còn 23.500 đồng/kg).

Doanh nghiệp cùng hạ giá

Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), lý giải: “Nguyên nhân dẫn đến giá cá giảm là do cách nay vài tuần, lúc giá cá ở mức cao (trên 28.500 đồng/kg), nhiều hộ nuôi không chịu bán mà cố “găm hàng” chờ giá tăng lên nữa. Tuy nhiên mấy ngày gần đây giá chững lại và bắt đầu giảm, trong khi trọng lượng cá nhiều nơi quá lớn từ 1- 1,2 kg/con trở lên, người nuôi lo lắng nên ùn ùn kêu bán cá dẫn đến cung tăng cục bộ, giá giảm”.

Theo tìm hiểu, đã có sự liên kết ngầm giữa một số doanh nghiệp “đại gia” nhằm kéo giá cá tra xuống. Các doanh nghiệp nhỏ theo đó áp giá, kéo giá thu mua.

Đại diện một doanh nghiệp chế biến cá ở An Giang, cho biết: “Thông thường, các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi phải khảo giá liên tục. Và nếu các doanh nghiệp lớn hạ giá, chúng tôi phải hạ theo. Lúc giá cá cao, chúng tôi cũng buộc phải chấp nhận “lao” theo vì kẹt một số hợp đồng cung ứng. Nay phần lớn doanh nghiệp đã giãn đơn hàng, giá cá giảm là đương nhiên”.

Tuy nhiên, theo ông này, “ép” giá xuống là việc làm được đánh giá phù hợp. Với giá cá ở mức đỉnh 29.000 đồng/kg, người nuôi thu lãi lớn, nhưng doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi khi chi phí đầu vào quá cao. Còn với mức giá như hiện nay, theo ông, doanh nghiệp có thể “nhẹ thở” vì xuất khẩu đã có lãi, còn người nuôi cá vẫn có lời.

Thu hoạch rộ, dội hàng

Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan làm giá cá tra hạ. Ông Nguyễn Văn Phấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy hải sản Hiệp Thanh (TP.Cần Thơ), cho hay: Hiện tại cá của những hộ nuôi lẻ và vùng nuôi của các công ty đều thu hoạch nên hàng bị “dội”, dồn lại nhiều dẫn đến giá giảm.

Ngoài ra, trước đây, giá cá tra nguyên liệu ở mức đỉnh (29.000 đồng/kg), giá phụ phẩm từ cá khoảng 7.300 - 7.400 đồng/kg. Hiện nay, giá phụ phẩm rớt từ 600 - 800 đồng/kg nên cũng ảnh hưởng đến giá cá tra. Bởi lẽ, đây cũng là phần thu nhập để doanh nghiệp xây dựng mặt bằng mua cá sao cho hiệu quả.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành chế biến cá tra, hiện tại tỷ giá đã giảm khoảng 1.000 đồng/USD nên ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp. Hầu hết các nhà máy đều giảm giá thu mua để cân đối giá thành…

Giá cá giảm nhất thời?

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, nếu tính tổng thể, nguồn cá nguyên liệu ở ĐBSCL vẫn tiếp tục thiếu hụt, trong khi thị trường xuất khẩu vẫn tốt. Hiện giá xuất sang châu Âu từ 3,4- 3,5 USD/kg, sang Mỹ từ 4,1- 4,2 USD/kg… Do đó, giá cá giảm chỉ là nhất thời, vì vậy người nuôi không nên bán vội để tránh thiệt hại. Dự đoán giá cá tra sẽ theo trật tự cũ trong vòng 1 vài tháng nữa.

Nhiều người cho rằng, việc thiếu hụt cá tra nguyên liệu trầm trọng dẫn đến giá cá tăng ở mức đỉnh trong thời gian qua là bài học cho các doanh nghiệp chế biến. Gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn để không quá phụ thuộc vào bên ngoài. Từ đó dự báo sản xuất, chế biến cá tra trong thời gian tới sẽ dần đi vào ổn định và bền vững hơn. Riêng những hộ nuôi lẻ, không có hợp đồng bao tiêu sẽ gặp khó khăn không nhỏ!

Hoàng Mai

Dân Việt

Các tin tức khác

>   Giảm phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài (13/06/2011)

>   Bình ổn giá phân bón gặp khó khăn (12/06/2011)

>   Xe Nhật kéo lùi thị trường ôtô cả nước (12/06/2011)

>   Chuẩn bị triển khai Dự án Cảng Kê Gà (12/06/2011)

>   Doanh nghiệp ứng phó với giá cả tăng cao (12/06/2011)

>   Đầu tư 50 triệu USD xây nhà máy nước giải khát (12/06/2011)

>   Nhìn lại các doanh nghiệp tư nhân: Những điểm yếu cố hữu (12/06/2011)

>   Nền công nghiệp điện tử và ôtô sẽ ra sao? (12/06/2011)

>   Ngăn thép giá rẻ tràn vào Việt Nam (12/06/2011)

>   Nhật “siết chặt” tôm nhập khẩu từ Việt Nam (12/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật