Cuộc chiến thâu tóm doanh nghiệp
Sự tranh giành vị trí lãnh đạo chủ chốt ở một số công ty cổ phần đã bị đẩy lên đến mức bất chấp pháp luật, hành xử theo kiểu giang hồ
Dư luận thành phố Hải Phòng đang xôn xao vụ Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng bị một số người vào tận trụ sở gây thương tích, đập phá đồ đạc, chiếm giữ văn phòng. Điều đáng nói là những mâu thuẫn này chỉ rộ lên trong khoảng gần 1 năm nay, từ khi HĐQT Công ty có sự tham gia của một số cổ đông bên ngoài. Người lao động trong Công ty đã nhận ra cuộc tranh giành vị trí lãnh đạo do một số cá nhân câu kết tiến hành. Tuy nhiên, ít người ngờ, vụ việc lại bị đẩy lên đến mức bất chấp pháp luật, hành xử theo kiểu giang hồ như vụ gây rối kể trên...
|
Trụ sở Công ty CPCNP Hải Phòng |
Bất ngờ thêm... một giám đốc và nhiều vụ “lình xình”
Sáng 18/5/2011, lợi dụng lúc bảo vệ không để ý, Đào Hồng Thắng và Đào Thị Hồng Hà xông vào trụ sở Công ty Cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng (Công ty CPCNP) ngang nhiên mở cửa phòng Phó Giám đốc Bạch Xuân Vinh. Bị bà Nguyễn Thị Tuyết Len - Giám đốc Công ty CPCNP phát hiện ngăn cản, hai người này đã chửi bới, bẻ tay, giật điện thoại của bà Len rồi xông thẳng vào phòng bà đập phá đồ đạc, lục tung tài liệu và chiếm giữ phòng làm việc. Công ty phải nhờ cảnh sát 113 can thiệp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Loan, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCNP than thở: Mấy mươi năm yên ổn, chỉ từ khi HĐQT Công ty có mấy thành viên bên ngoài tham gia, Công ty luôn xảy ra mâu thuẫn. Vụ xô xát này là hậu quả từ những việc làm tùy tiện của ông Chủ tịch HĐQT Ngô Văn Thẳng, bổ nhiệm một người bên ngoài là bà Đặng Thị Hồng Hải (đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Hải Phòng) làm Giám đốc Công ty CPCNP, trong khi bà Nguyễn Thị Tuyết Len - người được Đại hội cổ đông bầu ra, được Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng công nhận là giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty CPCNP vẫn đang điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Len, bức xúc nói với chúng tôi: “Ông Thẳng đã vi phạm nguyên tắc làm việc, can thiệp vào công việc chuyên môn của giám đốc Công ty. Ông lấy danh nghĩa Chủ tịch HĐQT câu kết với một số thành viên bè cánh, cố tình triệu tập cuộc họp HĐQT bất thường trái với Điều lệ Công ty. Theo Điều lệ Công ty, cuộc họp bất thường phải được thông báo ít nhất là 5 đến 7 ngày. Biết tôi không dự họp được mà vẫn sáng triệu tập, chiều họp để tranh thủ đưa bà Đặng Thị Hồng Hải vào HĐQT. Theo ông Thẳng thì bà này đã mua cổ phần của Công ty, nhưng thực tế là việc mua bán này vẫn chưa được công nhận, bà Hải vẫn là người ngoài Công ty. Tiếp sau đó, bà Hải được bổ nhiệm làm giám đốc, trái với Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty”.
Theo Điều lệ Công ty CPCNP thì Chủ tịch HĐQT có quyền bổ nhiệm Giám đốc là thành viên HĐQT, nhưng phải được Đại hội cổ đông thông qua. Vì vậy, việc ông Ngô Văn Thẳng bổ nhiệm bà Đặng Thị Hồng Hải làm giám đốc mà không tuân thủ Điều lệ Công ty đã không thuyết phục được đa số cổ đông. Sau đó, ông lại bổ nhiệm bà Đào Thị Hồng Hà làm trợ lý cho mình. Còn bà Đặng Thị Hồng Hải, mặc dù không được công nhận, vẫn thực hiện quyền lực bằng việc ra quyết định bổ nhiệm con trai của mình là Đào Hồng Thắng làm Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính (Quyết định số 30) và một người thân khác là Bùi Thị Thủy (Quyết định số 31) làm thủ quỹ, rồi thu giữ con dấu Đảng ủy, Công đoàn, niêm phong két tiền của Công ty, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Nhiều cổ đông càng bức xúc hơn khi biết, với chức danh giám đốc chưa được công nhận, bà Hải còn ngăn cản các ngân hàng không cho chính Công ty CPCNP vay vốn kinh doanh. Bà Trần Thị Loan, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCNP cho biết: “Từ khi bà Hải và tay chân của bà vào Công ty, người lao động rất hoang mang. Bà Hải đi nói với các ngân hàng là chị Len không còn làm giám đốc nữa, bà mới là giám đốc Công ty và ngăn cản các ngân hàng không cho Công ty vay vốn kinh doanh. Trong khi lâu nay việc vay vốn của Công ty rất thuận lợi, chúng tôi kinh doanh có hiệu quả, trả vốn và lãi rất uy tín với ngân hàng. Việc làm của bà Hải đã gây nghi ngờ cho các ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty. Chúng tôi muốn biết động cơ thực sự của họ là thế nào mà từ ngày vào đây toàn gây chuyện tranh giành…”.
Được bổ nhiệm sai quy trình, bà Đặng Thị Hồng Hải không được cổ đông Công ty công nhận là giám đốc. Vì vậy, những quyết định bổ nhiệm do bà Hải ký đều không có con dấu giám đốc. Thực tế, tại hồ sơ lưu trữ của Phòng Tổ chức - Hành chính của Công ty CPCNP, không thể tìm đâu ra Hợp đồng lao động của ông Đào Hồng Thắng, bà Đào Thị Hồng Hà, bà Bùi Thị Thủy và bà Lê Thị Mai (một Phó Giám đốc do ông Thẳng bổ nhiệm khi mới giữ chức Chủ tịch HĐQT) theo Luật Lao động. Do vậy, đến giờ này, họ vẫn là người ngoài.
Danh không chính thì ngôn không thuận, không có nổi con dấu Công ty để chữ ký của mình có tính pháp lý, đường cùng, ngày 18/5/2011, bà Đặng Thị Hồng Hải phải dùng con trai, con gái của mình, với sự hỗ trợ của nhân viên Công ty bảo vệ Toàn Cầu, dùng vũ lực gây thương tích cho bà Nguyễn Thị Tuyết Len hòng thực hiện mưu đồ tranh đoạt bằng được chức Giám đốc Công ty CPCNP Hải Phòng.
Hành động coi thường pháp luật này càng làm cho người lao động ở Công ty CPCNP có cơ sở nghi ngờ động cơ của bà Đặng Thị Hồng Hải và ông Ngô Văn Thẳng khi họ quyết tâm trở thành lãnh đạo chủ chốt của Công ty.
Đã từng có chuyện “lình xình” với... giám đốc mới
Cổ đông của Công ty CPCNP càng hoang mang hơn khi biết được thông tin, trước đó, tại Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Hải Phòng, để trở thành cổ đông chiến lược, bà Đặng Thị Hồng Hải đã phải ký quỹ 7 tỷ đồng với cam kết: sẽ huy động 140 tỷ đồng triển khai dự án xây dựng Trung tâm Tài chính - Thương mại tại 30 Trần Phú, Hải Phòng, sau 1 năm, nếu dự án không triển khai, số tiền ký quỹ sẽ thuộc về Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển. Thế nhưng, chỉ sau 5 ngày, khi trở thành cổ đông chiến lược của Công ty này, bà Đặng Thị Hồng Hải đã rút 7 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng VP Bank. Điều này gây bất bình với cổ đông ở Công ty Cung ứng tàu biển. Không ký quỹ, cũng chẳng có hợp đồng tài trợ vốn 140 tỷ đồng từ ngân hàng, dự án Trung tâm Tài chính Thương mại sau 3 năm vẫn nằm yên trên giấy, nhưng bà Hải thì đã ung dung ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT. Không những thế, lấy lý do dự án chậm tiến độ, bà Đặng Thị Hồng Hải (Chủ tịch HĐQT) và ông Ngô Văn Thẳng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Hải Phòng) đã sa thải hàng loạt người lao động một cách trái pháp luật. Ông Nguyễn Đức Thạnh, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Hải Phòng cho rằng: “Ông Thẳng và bà Hải đã cô lập, sa thải nhiều cán bộ lâu năm, có kinh nghiệm như Phó giám đốc, Phó Trưởng phòng tài vụ, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên. Có người hơn 30 năm tuổi Đảng, 30 năm làm việc. Mục đích là để đưa người thân của mình vào các vị trí chủ chốt, nhằm thâu tóm doanh nghiệp, mưu cầu lơi ích riêng”.
Cũng tại Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Hải Phòng, với cách điều hành tài chính tùy tiện, làm giảm vốn của Công ty, thao túng đại hội cổ đông, gây mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến tranh chấp lao động và khiếu kiện kéo dài, bà Hải và ông Thẳng đã bị người lao động khởi kiện ra tòa. Ngày 23/3/2011, bằng Bản án số 06, TAND thành phố Hải Phòng tuyên: “Hủy bỏ kết quả Đại hội cổ đông thường niên thông qua ngày 15/7/2010” của Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Hải Phòng. TAND quận Ngô Quyền cũng tuyên buộc Công ty này trả lại tiền trợ cấp thôi việc và tiền lương cho bà Phạm Thị Chang, Phó Trưởng phòng tài vụ và bà Trần Thị Thu Thảo với tổng số tiền là 120 triệu đồng vì đã bị Công ty cho thôi việc trái pháp luật.
Cần lành mạnh hóa hoạt động của các công ty cổ phần
Trở lại vụ gây rối, làm mất trật tự tại Công ty CPCNP, ngày 18/5/2011, UBND thành phố Hải Phòng có công văn chỉ đạo Công an thành phố khẩn trương xem xét, giải quyết vụ việc. Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng cho biết: “Ngay khi xảy ra vụ việc, đã cho cảnh sát 113 xử lý ngăn chặn, không làm phức tạp thêm. Hiện nay, bà Len vẫn là giám đốc hợp pháp. Hai bên tranh giành nhau không có ai giải quyết. Vì vậy, UBND thành phố Hải Phòng phải đứng ra làm trọng tài phân định rõ, ai hợp pháp thì công nhận cho người ấy. Tốt nhất là 2 bên cần ngồi với nhau tìm biện pháp hợp tác cùng làm việc. Chứ còn tranh giành, bên này hất bên kia thì thế nào cũng có xung đột. Nếu tiếp tục gây mất trật tự an ninh thành phố thì dứt khoát chúng tôi sẽ xử lý bằng luật pháp”.
Vấn đề đặt ra là vì sao gần đây, tình trạng tranh chấp vị trí lãnh đạo ở những Công ty cổ phần ở Hải Phòng xảy ra ngày càng nhiều, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông và người lao động? Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hải Phòng cho rằng: Hải Phòng có nhiều Công ty cổ phần, nhưng phần lớn nội bộ đoàn kết, làm ăn hiệu quả. Chuyện tranh chấp chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Khác với các nhà máy sản xuất yêu cầu chuyên môn kỹ thuật cao, ngành dịch vụ dễ thay đổi nhân sự, sinh lãi nhanh nhờ vào giá trị của bất động sản ở những vị trí đắc địa của thành phố.
Từ thực tế những tranh chấp xảy ra ở một số Công ty cổ phần trên địa bàn, UBND thành phố Hải Phòng và các cơ quan chức năng ở địa phương cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, lành mạnh hóa quan hệ nội bộ, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động./.
Sông Trà
vov
|