Các chủ dự án thích dùng than trong nước
Phóng viên Lao Động đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn TKV - về dự báo nhập khẩu than cho nhu cầu trong nước.
Thưa ông, trước đây TKV đưa ra dự báo, từ năm 2012 trở đi, sản xuất than trong nước sẽ không đủ để cân đối nhu cầu và sẽ phải NK than. Dự báo này đến nay còn chính xác không?
- Trước đây, quy hoạch ngành than thực hiện theo quy hoạch điện 6 nên căn cứ vào tiến độ đưa vào hoạt động các dự án điện, chúng tôi dự báo, nhiều khả năng từ năm 2012 trở đi sẽ phải NK than.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên các dự án điện đều bị chậm tiến độ. Vì thế, trong quy hoạch điện 7 tới đây, chúng tôi rà soát, tính toán thì rất nhiều dự án điện vẫn sẽ tiếp tục vào chậm, ảnh hưởng đến cân đối nguồn than trong nước.
Vì vậy, dự báo mới nhất phải tới năm 2015 mới phải nhập than. Hiện nay, mặc dù chưa quá căng thẳng về nguồn than, nhưng đã có một số chủ đầu tư dự án nhiệt điện đã tìm nguồn NK. Tuy nhiên, để NK với số lượng lớn thì theo chúng tôi dự kiến sẽ phải lui lại 2-3 năm nữa.
Dường như đang có một cuộc “chạy đua” của các chủ đầu tư nhà máy điện để giành được quyền mua than trong nước. Trong khi trước đó, Chính phủ chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tự tìm nguồn than NK để chủ động nguồn nguyên liệu?
- Chúng tôi cũng đang rất băn khoăn về điều này. Không chỉ các chủ đầu tư điện muốn sử dụng than trong nước, mà cả các chủ đầu tư nhà máy ximăng, phân bón cũng đều không muốn nhập than.
Về lâu dài, nếu vẫn duy trì cơ chế nhiều giá bán than như hiện nay thì chắc chắn lợi nhuận từ chênh lệch giá than sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư, thậm chí được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Hiện giá than đang tồn tại song hành 3 loại giá gồm: Giá than bán cho điện, mới bằng 60% giá thành; giá than bán cho 3 ngành ximăng, giấy, phân bón đã được điều chỉnh tăng một bước và giá than bán cho các hộ tiêu thụ còn lại. Do giá than bán cho điện đang là giá bao cấp, thấp hơn rất nhiều so với giá than NK, nên các chủ dự án đều thích dùng than trong nước để được hưởng cơ chế ưu đãi.
Chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần phải xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi, không thể ưu đãi tràn lan. Chúng tôi cũng biết khi đề cập đến vấn đề giá là sẽ “đụng chạm” rất nhiều, nhưng không thể không nói tới, vì càng để lâu thì càng không thuận lợi.
- Xin cảm ơn ông.
Quỳnh Trang (thực hiện)
lao động
|