Thứ Tư, 18/05/2011 22:23

UBCK sẽ siết lại “quyền” công bố huỷ niêm yết

Sau khi CTCP khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) và CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) "đánh tiếng" huỷ niêm yết, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã chỉ đạo các Sở GDCK giám sát chặt việc công bố thông tin, cũng như trình tự thực hiện huỷ niêm yết của DN nhằm đảm bảo diễn ra đúng luật định, tránh tác động không tích cực đến tâm lý TTCK.

Lãnh đạo UBCK cho biết, sau khi SQC và SGT công bố ý định huỷ niêm yết, cơ quan này đã có công văn gửi Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX). Trong đó, yêu cầu các Sở kiểm tra, giám sát chặt quá trình công bố thông tin, cũng như trình tự tiến hành huỷ niêm yết của DN nhằm đảm bảo diễn ra đúng quy định  pháp lý, tránh tác động không tích cực đến thị trường.

Cụ thể, UBCK yêu cầu HOSE và HNX làm rõ tình hình hoạt động tại SQC và SGT để có cái nhìn tường minh về hiệu quả kinh doanh của DN. Kèm theo đó, các Sở cần lưu ý nhắc nhở DN thực hiện công bố thông tin về việc huỷ niêm yết theo đúng quy định của pháp luật. Ý định huỷ niêm yết là thông tin nhạy cảm, nên việc công bố thông tin của DN phải do người có thẩm quyền công bố, tránh phát đi những thông điệp không chính thống, gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Theo HOSE và HNX, họ đang chờ hồ sơ xin huỷ niêm yết của DN để giải quyết theo đúng quy định hiện hành, nhằm đảo bảm quyền lợi cho cả DN lẫn NĐT. Câu hỏi đặt ra là liệu kế hoạch huỷ niêm yết của SQC và SGT có giống kịch bản chuyển đổi mô hình hoạt động của CTCK Kim Long?

TS. Quách Đức Pháp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, việc huỷ niêm yết là quyền của DN, nhưng quyền phải gắn với nghĩa vụ, nhất là khi TTCK luôn phản ứng tức thì trước thông tin bất thường như huỷ niêm yết, thì quyền huỷ niêm yết càng phải gắn chặt với nghĩa vụ.

"TTCK không phải là cái chợ đơn thuần, ai thích vào, ra tuỳ ý, mà phải tuân theo những điều kiện ràng buộc nhất định sao cho DN vẫn phát huy được quyền tự huỷ niêm yết, nhưng đồng thời phải giảm thiểu tác động bất lợi đến thị trường", ông Pháp chia sẻ.

Từ thực tế của SQC và SGT, rõ ràng do quy định pháp lý hiện tại gần như chưa đưa ra ràng buộc trách nhiệm đối với DN tự công bố huỷ niêm yết, nên khiến TTCK, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ phải đối mặt với không ít rủi ro.

Cụ thể, Điều 14 Nghị định 14/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, "vẽ đường" cho DN huỷ niêm yết là chỉ cần hoàn chỉnh một bộ hồ sơ đơn giản gồm: Giấy đề nghị huỷ bỏ niêm yết; Quyết định thông qua việc huỷ bỏ niêm yết cổ phiếu của Đại hội đồng cổ đông là đã có thể gửi đến Sở GDCK để thực hiện huỷ niêm yết cổ phiếu, mà không đưa ra các quy định ràng buộc trách nhiệm của tổ chức công bố huỷ niêm yết.

"Lổ hổng" này, rõ ràng nếu không được "vá" sớm, thì không loại trừ nguy cơ DN lạm dụng việc công bố thông tin huỷ niêm yết để thực hiện những toan tính không lành mạnh, đồng thời đẩy rủi ro cho TTCK cũng như NĐT.

Thị trường hy vọng "lổ hổng" này sẽ được khắc phục với quy định mới được nêu trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, dự kiến được ban hành trước 1/7/2011. Theo đó, khoản 2, Điều 73 dự thảo quy định, về chứng khoán bị huỷ niêm yết khi tổ chức niêm yết đề nghị huỷ bỏ niêm yết nêu rõ: "Tổ chức niêm yết chỉ được huỷ bỏ niêm yết chứng khoán khi Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông nhỏ (sau khi đã trừ đi phần cổ phiếu của các cổ đông lớn) chấp thuận huỷ bỏ niêm yết. Tổ chức niêm yết không được đề nghị huỷ bỏ niêm yết trong thời hạn 2 năm kể từ ngày đưa cổ phiếu vào niêm yết…".

Tuy nhiên, ông Pháp nhìn nhận, những điều kiện mà dự thảo Nghị định nêu ra còn khá "lỏng", nhất là chưa đưa ra nghĩa vụ về công bố thông tin của DN. Với thông tin khá nhạy cảm về huỷ niêm yết, quy định pháp lý cần làm rõ, người công bố thông tin của DN phải có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, kịp thời cho thị trường, đồng thời phải chịu trách nhiệm về thông tin công bố. Trong đó phải làm rõ kế hoạch thực hiện và quy trách nhiệm rõ ràng nếu công bố huỷ niêm yết, nhưng sau đó không thực hiện thì DN phải chịu trách nhiệm gì.... Quy định này là để tránh tình trạng DN lạm dụng công bố thông tin huỷ niêm yết vì mục đích không lành mạnh, gây tác động tiêu cực cho TTCK.

Hữu Đạo

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nhiều DN có kế hoạch niêm yết cổ phiếu (18/05/2011)

>   KHB: 20/05, giao dịch 2.6 triệu cổ phiếu niêm yết bổ sung (17/05/2011)

>   VIC: 23/05 giao dịch bổ sung hơn 4.6 triệu cổ phiếu (17/05/2011)

>   PVR được chấp thuận niêm yết bổ sung hơn 23 triệu cổ phiếu (16/05/2011)

>   KDC: 23/05 giao dịch bổ sung hơn 841,000 cổ phiếu (16/05/2011)

>   NHNN chấp thuận niêm yết gần 1.6 tỷ cổ phiếu VCB (13/05/2011)

>   Công ty Khoáng sản Lào Cai rút hồ sơ niêm yết ở HOSE (11/05/2011)

>   ASM: 26/05 giao dịch bổ sung gần 30 triệu cổ phiếu (10/05/2011)

>   Công ty Sài Gòn Viễn Đông được niêm yết về nguyên tắc (10/05/2011)

>   Lên sàn ngoại bằng đường vòng: Không dễ! (10/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật