Thị trường TPCP: Cần hành động nhanh và mạnh hơn
Tiềm năng của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) là rất lớn, tuy nhiên các cơ quan quản lý nên xem xét thay đổi một số quy định để thị trường phát triển hơn. Đó là quan điểm của ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Tiền tệ và thị trường vốn Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) khi trao đổi với ĐTCK.
Ông có nhận xét gì về thị trường TPCP?
Thị trường TPCP đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ thị trường trái phiếu. Nếu TPCP không hoạt động trơn tru và hiệu quả thì trái phiếu DN sẽ khó phát triển.
Hiện nay, thị trường TPCP có gần 500 mã, mỗi mã lại có khối lượng rất nhỏ và có nhiều mã phát hành xung quanh các kỳ hạn chuẩn (ví dụ 2, 3, 5 năm). Như vậy, khi mua đi bán lại đúng kỳ hạn chuẩn sẽ rất khó kiếm đúng mã trái phiếu hoặc số lượng không đủ để giao dịch.
Bộ Tài chính đã có quy định trái phiếu phát hành lô lớn, trong đó Bộ sẽ phát hành lại các trái phiếu đã phát hành có cùng ngày đáo hạn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều mã trái phiếu trên thị trường cần được gom lại thành các trái phiếu có kỳ hạn chuẩn, với khối lượng lớn, để thanh khoản được cải thiện.
Thị trường trái phiếu sơ cấp hiện nay có những khó khăn gì, thưa ông?
Thứ nhất, việc phát hành TPCP thường phục vụ cho một dự án cụ thể nào đó. Do đó, khi dự án cần vốn chưa hẳn là lúc thị trường vốn đang thuận lợi. Trong khi ở nhiều nước khác có một cơ quan quản lý nợ sẽ tìm cách tiếp cận thị trường vốn ở thời điểm thuận lợi nhất.
Thứ hai, không có nhóm giao dịch viên sơ cấp (primary dealers). Những giao dịch viên này sẽ thực hiện việc mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp để đảm bảo cho đợt phát hành được thành công và tạo thanh khoản trên thị trường thứ cấp.
Thứ ba, trần lãi suất TPCP chưa được điều chỉnh linh hoạt, dẫn đến nhiều đợt phát hành không thành công, do thị trường đòi hỏi mức lợi tức trái phiếu cao hơn mức lãi suất trần.
Ngoài ra, TPCP hiện nay không có sự đa dạng về chủng loại. Tất cả các TPCP đều có lãi suất cố định. Do lạm phát và lãi suất có xu hướng tăng sẽ làm các NĐT trái phiếu ngần ngại khi mua trái phiếu với lãi suất cố định. Ví dụ, khi mua trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 12%, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 2 năm sau đó tăng vọt lên 14% sau khi có tin về CPI tăng cao sẽ làm NĐT trái phiếu bị lỗ.
Theo ông, đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn trên?
Cần có một cơ quan quản lý nợ để họ chủ động tiếp cận thị trường vốn vào thời điểm thích hợp. Khi nào thị trường phù hợp, giá tốt và thanh khoản thì cơ quan quản lý sẽ tiếp cận thị trường vốn để huy động. Sau khi huy động xong sẽ có kế hoạch sử dụng trong năm tài chính đó.
Như vậy, khi phát hành sẽ có được mức giá, khối lượng phát hành tốt hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, muốn thị trường phát triển giao dịch trôi chảy, thông thường phải có giao dịch viên sơ cấp. Họ sẽ có trách nhiệm đứng ra thu mua hết đợt phát hành trái phiếu và sau đó bán ra thị trường.
Ngoài ra, có thể xem xét việc đa dạng hoá sản phẩm trái phiếu bằng cách phát hành trái phiếu với lãi suất thả nổi, phát hành trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát.
Đặc biệt, khi Bộ Tài chính xem xét việc phát hành trái phiếu dựa trên cung cầu thực tế của thị trường, lãi suất trái phiếu sẽ theo sát lãi suất thị trường. Việc này sẽ giúp cho đợt phát hành được thành công và giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp sẽ thuận lợi hơn.
Vướng mắc chính đối với thị trường trái phiếu thứ cấp là gì, theo ông?
Đa phần người nắm giữ trái phiếu là các ngân hàng tại Việt Nam, khác với những năm 2006 - 2008 khi NĐT nước ngoài nắm giữ một khối lượng lớn TPCP. Về nguyên tắc, trái phiếu cho kinh doanh phải định giá lại hàng ngày, nhưng ở Việt Nam, các ngân hàng hiện nay không phải định giá lại trái phiếu và cũng không phải phân tách 2 danh mục: trái phiếu dành cho đầu tư và dành cho kinh doanh.
Điều này dẫn đến nếu lãi suất trái phiếu tăng trên thị trường sẽ không có ai bán, bởi bán sẽ lỗ, trong khi nếu ghi trong sổ sách thì không ghi nhận lỗ. Điểm này khác với thị trường thế giới, trong sổ kinh doanh trái phiếu phải định giá lại hàng ngày, để khi trái phiếu lỗ đến mức độ nào đó là phải bán và việc bán trái phiếu này sẽ tạo ra thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Nếu hầu hết đều giữ trái phiếu đến ngày đến hạn thì thị trường không có tính thanh khoản tốt.
Ngoài ra, đa phần NĐT ngân hàng hiện nay cũng có những khó khăn riêng về mặt thanh khoản để phục vụ nhu cầu cho vay tín dụng. Nếu đầu tư nhiều vào trái phiếu, họ sẽ thiếu thanh khoản. Để phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam, ngoài ngân hàng cũng nên nên có các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, DN, thậm chí cả cá nhân tham gia đầu tư trái phiếu, khi đó mới tạo nên độ sâu của thị trường.
Đối với thị trường trái phiếu DN, theo ông những lý do nào khiến thị trường này gần như không hoạt động?
Thị trường trái phiếu DN đã có Nghị định số 52 của Chính phủ quy định. Nhưng khó ở chỗ, tất cả các DN hiện nay đều phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính khi phát hành. Điều này khiến cả 2 bên đều mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó là thiếu công bố thông tin.
Ví dụ, bản cáo bạch về phát hành cổ phiếu được quy định rất chặt, chi tiết kế hoạch kinh doanh, cách thức sử dụng vốn…, nhưng thông tin công bố cho phát hành trái phiếu DN hầu như không rõ ràng. DN cần bản cáo bạch rõ ràng là cần bao nhiêu tiền, phát hành trong bao nhiêu lâu, làm sao trả được nợ… Nhưng quan trọng hơn là Bộ Tài chính cần đưa ra chuẩn chung cho thị trường về công bố thông tin, giúp cho nhà phát hành chuyên nghiệp hơn, bản thân các NĐT tiếp cận thông tin minh bạch, rõ ràng hơn.
Ngoài ra, còn có những vấn đề khác như DN dựa trên nhu cầu vốn thực tế để phát hành trái phiếu, nên gặp khó khăn do không quen với việc quản lý dòng tiền khi phát hành xong và làm sao đủ tiền để trả nợ khi đến hạn.
Hay bản thân các ngân hàng phát hành trái phiếu vẫn rơi vào tình trạng muốn tạo hình ảnh phát hành thành công với lãi suất thấp, dẫn đến việc phát hành trái phiếu không thực chất.
Ví dụ, ngân hàng thoả thuận một đối tác mua trái phiếu của họ và đối tác đó lại phát hành trái phiếu cùng số tiền đó. Như vậy, thực chất không có dòng tiền mới nào phát sinh, làm thị trường phát triển không lành mạnh.
Nhận định của ông về thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian tới như thế nào?
Tôi cho rằng, thị trường có tiềm năng lớn, bởi vì nhu cầu phát hành trái phiếu của Chính phủ rất cao, do nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đường sá, cầu cống. Mặt khác, các ngân hàng cũng nhận thấy việc sử dụng tiền huy động của dân chúng tập trung toàn bộ vào cho vay tín dụng là không ổn, cho vay bao giờ cũng có khả năng không thể thu hồi tiền về.
Nếu đa dạng hóa danh mục tài sản của ngân hàng, một phần cho vay, một phần đầu tư cho TPCP sẽ tạo được sự an toàn cho danh mục đầu tư. Nhu cầu giữa người cần huy động vốn và NĐT rất là cao. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bản thân thị trường có những khó khăn nội tại, xuất hiện cách đây đã 5 - 6 năm. Nếu các cơ quan quản lý có thể xem xét thay đổi một số quy định, cách tiếp cận thị trường thì sẽ giúp thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển tốt hơn.
Tôi cho rằng, những vấn đề trên hoàn toàn có thể giải quyết được để thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển hơn trong tương lai.
Hồng Dung thực hiện
đầu tư chứng khoán
|