Tăng khủng ngày chào sàn, LinkedIn đảo chiều chứng khoán Mỹ
(Vietstock) - Sự thành công rực rỡ trong ngày chào sàn của công ty mạng xã hội LinkedIn với việc giá cổ phiếu tăng gấp đôi so với mức giá trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã đem lại cho chứng khoán Mỹ phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong ngày thứ Năm.
* Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần 16-20/05
|
Trong ngày chào sàn, giá cổ phiếu LinkedIn tăng gấp đôi so với mức giá IPO |
Theo đó, cổ phiếu LinkedIn tăng vọt 109% lên 94.25 USD/cp trong ngày đầu tiên giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York với mã “LNKD”. Đợt chào sàn này được xem là một trường hợp mẫu để các công ty mạng xã hội khác như Twitter, Zynga, và Facebook có thể niêm yết vào năm tới.
Cổ phiếu LinkedIn kết thúc ngày giao dịch với hệ số P/E khủng 554, gợi nhớ lại định giá cổ phiếu Internet trong suốt thời kỳ bong bóng công nghệ vào cuối thập kỷ 1990. Trong khi đó, hệ số P/E của các công ty công nghệ trong S&P 500 như Apple và Google chỉ là 15.
Ông Sumeet Jain, một đối tác của Công ty Đầu tư Mạo hiểm CMEA Capital cho biết vụ IPO của LinkedIn cho thấy số thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ gia tăng trong năm nay khi các công ty mạng xã hội phát triển và đây sẽ là một lợi thế cho thị trường chứng khoán.
Theo kết quả cuộc thăm dò của Reuters đối với 64 nhà phân tích và giám đốc quản lý quỹ cho thấy, chứng khoán, trái phiếu và đồng EUR có thể giảm trong 3 tháng sau khi chương trình mua 600 tỷ USD trái phiếu (QE2) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc. |
Thị trường mở cửa tăng điểm sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 14/05 giảm 29,000 xuống 409,000 thấp hơn so với mức đã được điều chỉnh trong tuần trước là 438,000 người và dự báo giảm xuống 420,000 người của các nhà kinh tế.
Tuy nhiên, các báo cáo tiêu cực về nền kinh tế được công bố vào giữa buổi sáng đã khiến đà tăng của các chỉ số chững lại.
Theo Hiệp hội các nhà bất động sản Mỹ (NAHB), doanh số bán nhà đã qua sử dụng giảm 0.8% trong tháng 4 xuống 5.05 triệu đơn vị, thấp hơn dự báo tăng lên 5.23 triệu đơn vị của các nhà kinh tế.
Chỉ số của các chỉ báo kinh tế hàng đầu do Tổ chức nghiên cứu Conference Board khảo sát giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2010, và Cục dự trữ bang Philadelphia cho biết thước đo hoạt động sản xuất giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010.
Các thông tin kinh tế trái chiều càng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư rằng tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại trong các tháng tới. Do đó, nhà đầu tư đã chuyển sang nhóm cổ phiếu phòng thủ như chăm sóc sức khỏe và tiện ích, vốn ít nhạy cảm hơn trước sự yếu kém của thị trường.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 45.14 điểm (0.365) lên 12,605.32 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 2.92 điểm (0.22%) lên 1,343.60 điểm, chỉ số Nasdaq Composite nhận 8.31 điểm (0.3%) lên 2,823.31 điểm.
Khoảng 6.2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên ba sàn New York, American và Nasdaq; thấp hơn mức trung bình hàng ngày năm ngoái là 8.47 tỷ cổ phiếu.
Thị trường châu Âu cũng đóng cửa trong sắc xanh với chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 32.50 điểm (0.55%) lên 5,955.99 điểm, chỉ số DAX của Đức cộng 54.70 điểm (0.75%) lên 7,358.23 điểm và chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 49.74 điểm (1.25%) lên 4,027.74 điểm.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters, CNN Money)
|