Phương thuốc nào cho thị trường xăng dầu?
Nghị định 84 đã và đang đi đúng hướng để tạo ra một thị trường xăng dầu về cơ bản vận hành theo thị trường, có sự quản lý hiệu quả của Nhà nước. Tuy nhiên có thể xem xét bổ sung sửa đổi. Nếu tiếp tục cách làm lâu nay về giá bán lẻ xăng dầu thì người dân và các doanh nghiệp vẫn chưa nhìn thấy có sự cạnh tranh nào trong cung cấp xăng dầu.
Nghị định 84 quy định: “Giá cơ sở là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {giá CIF cộng (+) thuế nhập khẩu cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) tỷ giá ngoại tệ cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức trước thuế cộng (+) thuế giá trị gia tăng cộng (+) phí xăng dầu cộng (+) các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định pháp luật hiện hành”.
Nếu theo tinh thần xác định giá bán lẻ xăng dầu như trên thì doanh nghiệp xăng dầu đầu mối kinh doanh không bao giờ bị lỗ, nhưng cũng không bao giờ đạt được siêu lợi nhuận vì đầu vào của giá bán lẻ đã bao gồm tất cả các chi phí hoạt động của doanh nghiệp (kể cả phần bù lỗ từ quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao) và lợi nhuận định mức (300 đồng/lít theo thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9.12.2009).
Thực tế chưa hẳn như vậy. Petrolimex trong quý 1 năm nay kêu lỗ 2.600 tỉ đồng; nhiều doanh nghiệp đầu mối khác cũng kêu lỗ. Cơ chế quỹ bình ổn giá xăng dầu về lý thuyết là để đảm bảo cho doanh nghiệp được bù đắp, kinh doanh không bị lỗ khi giá xăng dầu thế giới tăng mà giá bán lẻ chỉ được tăng một phần (60%), nhưng có thể lúc này lúc khác còn chưa đạt được mục tiêu này. Từ lý thuyết đến thực tiễn đôi khi có khác nhau.
Theo nghị định 84, giá CIF là “giá xăng dầu thế giới cộng (+) phí bảo hiểm cộng (+) cước vận tải về đến cảng Việt Nam”. Vấn đề là: giá xăng dầu trên thị trường thế giới luôn biến động, giá mua của cùng một doanh nghiệp đầu mối tại các thời điểm khác nhau là khác nhau, giá mua của các doanh nghiệp đầu mối khác nhau tại cùng một thời điểm có thể cũng khác nhau. So với giá mua xăng dầu thì chi phí bảo hiểm và cước vận tải có phần ổn định hơn, nhưng không phải là không khác biệt giữa các thời điểm, giữa các doanh nghiệp với nhau. Vì vậy, không có mặt bằng chung áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp đầu mối, còn thông tin chi phí hoạt động chi tiết và chính xác của từng doanh nghiệp thì bộ Tài chính rất khó thẩm tra, kiểm soát được ở mức độ tin cậy.
Có thể Nhà nước chỉ nên quy định mức giá trần xăng dầu (theo loại) cho từng giai đoạn, tương ứng nó là mức trích lập quỹ bình ổn giá (cho mỗi lít) hoặc mức bù đắp từ quỹ bình ổn giá (cho mỗi lít), để doanh nghiệp tự quyết định bán xăng dầu với mức giá nào không vượt quá giá trần. |
Chi phí kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu mối cũng khác nhau, tuỳ vào hiệu quả tổ chức kinh doanh và phân phối của từng doanh nghiệp. Việc áp chi phí kinh doanh định mức chung (400 – 600 đồng/lít) và lợi nhuận định mức chung (300 đồng/lít) cho tất cả các doanh nghiệp đầu mối không hẳn là không có vấn đề.
Tỷ giá ngoại tệ bình quân của các ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp đầu mối giao dịch về nguyên tắc cũng có thể khác nhau.
Câu hỏi đặt ra là: nếu quản lý thực sự theo thị trường, liệu cơ quan nhà nước có cần phải quy định chi tiết cách tính giá bán lẻ xăng dầu (như tại nghị định 84, thông tư 234), hoặc quyết định luôn giá bán lẻ xăng dầu (như trên thực tế đang làm lâu nay) không?
Về nguyên tắc, giá bán trên thị trường, kể cả xăng dầu, do quan hệ cung – cầu và cạnh tranh quyết định.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, việc hoàn toàn thả nổi giá xăng dầu theo quan hệ cung – cầu và cạnh tranh có thể còn chưa phù hợp.
Thứ nhất, mặc dù có tới 12 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, nhưng Petrolimex một mình chiếm tới trên dưới 60% thị phần cung cấp xăng dầu. Theo luật Cạnh tranh, nguy cơ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường có thể hiện hữu khi một doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên, hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên, ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên, bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên. Vì vậy, rủi ro lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong kinh doanh xăng dầu quá cao.
Thứ hai, xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí hoạt động của nhiều doanh nghiệp và chi tiêu hàng ngày của người dân. Việc thả nổi giá xăng dầu trong điều kiện Nhà nước chưa có các công cụ tác động hữu hiệu đến nguồn cung và thông qua cung tác động đến giá rất dễ dẫn đến hiệu ứng tăng giá dây chuyền, làm rối loạn các hoạt động kinh tế, tăng lạm phát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.
Có thể thấy rằng, về những nét lớn thì nghị định 84 đã và đang đi đúng hướng để tạo ra một thị trường xăng dầu về cơ bản vận hành theo thị trường, có sự quản lý hiệu quả của Nhà nước. Tuy nhiên có thể xem xét bổ sung, sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền làm giá (trên thực tế) của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Có thể Nhà nước chỉ nên quy định mức giá trần xăng dầu (theo loại) cho từng giai đoạn, tương ứng nó là mức trích lập quỹ bình ổn giá (cho mỗi lít) hoặc mức bù đắp từ quỹ bình ổn giá (cho mỗi lít), để doanh nghiệp tự quyết định bán xăng dầu với mức giá nào không vượt quá giá trần.
Nhà nước không nhất thiết phải kiểm soát các chi phí hoạt động chi tiết của từng doanh nghiệp (rất khó làm được việc này!). Đồng thời, doanh nghiệp đầu mối nào hoạt động hiệu quả, có giá thành xăng dầu thấp nhờ tiết kiệm chi phí mua xăng dầu, bảo hiểm, vận chuyển, phân phối, quản lý… có thể giảm giá bán thấp hơn các doanh nghiệp khác để tăng thị phần, tạo sự cạnh tranh nhất định giữa các doanh nghiệp xăng dầu với nhau.
TS Lương Hoài Nam
sài gòn tiếp thị
|