Đằng sau những thay đổi nhân sự tại VinaCapital
Những thay đổi về nhân sự tại VinaCapital không phải đến từ những thay đổi trong cơ cấu cổ đông của công ty, mà thể hiện nỗ lực làm tăng sức thuyết phục của các nhà đầu tư trong bối cảnh các quỹ đóng (closed-end funds) đang mất dần sức hấp dẫn.
|
VinaCapital từng tổ chức rất nhiều hội nghị nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. |
Những thay đổi về nhân sự tại VinaCapital không phải đến từ những thay đổi trong cơ cấu cổ đông của công ty, mà thể hiện nỗ lực làm tăng sức thuyết phục của các nhà đầu tư trong bối cảnh các quỹ đóng (closed-end funds) đang mất dần sức hấp dẫn.
VinaCapital, công ty quỹ quản lý lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với tổng tài sản quản lý gần 2 tỉ USD, tuần rồi công bố thay đổi một loạt nhân sự trong hội đồng quản trị. Vị trí chủ tịch hội đồng quản trị bấy lâu nay thuộc về ông Horst Geicke, một trong hai cổ đông lớn nhất của công ty, được chuyển giao cho ông Terence F. Mahony. Hội đồng quản trị quỹ này cũng thêm một thành viên mới là giám đốc không điều hành, ông Albert Theodore Powers. Bên cạnh đó còn có ông Michael Koi, một cổ đông mới của công ty.
“Cơ cấu cổ đông không có gì thay đổi, bốn cổ đông chính vẫn giữ nguyên phần vốn của họ cho đến thời điểm này,” bà Nguyễn Đức Hương, giám đốc đối ngoại của VinaCapital cho biết. Ông Horst Geicke, một nhà đầu tư người Đức, người sáng lập VinaCapital, hiện vẫn cùng với ông Don Lam, tổng giám đốc điều hành công ty, là hai cổ đông nắm cổ phần chủ yếu. Hai nhân vật mới đều chỉ nắm giữ cổ phần tượng trưng, được mời vào hội đồng nhằm tăng tính thuyết phục của quỹ. Ông Mahony là một nhân vật được biết đến rộng rãi trong giới tài chính quốc tế nhờ vào 40 năm kinh nghiệm, trải qua các vị trí ở ngân hàng London, HSBC, và nhiều quỹ đầu tư khác. Ông Powers là một luật sư đã làm việc ở Hong Kong 28 năm và nhiều kinh nghiệm tại Trung Quốc và Đông Nam Á.
Việc lựa chọn hai thành viên mới là những người có kinh nghiệm lâu năm trong giới đầu tư và tài chính quốc tế, cho thấy VinaCapital đang tìm cách dùng những nhân sự mới này làm tăng uy tín của công ty, nhất là trong bối cảnh việc huy động nguồn vốn mới để đầu tư vào Việt Nam thông qua các quỹ đóng không còn dễ dàng nữa.
“Công việc của tôi là: xin và nịnh. Tôi đi khắp thế giới năn nỉ các nhà đầu tư bỏ tiền vào Việt Nam”.
Don Lam, Tổng Giám đốc Vinacapital |
VinaCapital trong thời gian qua đã nhiều lần công bố việc thành lập thêm hai quỹ mới, bên cạnh các quỹ hiện có, với mục tiêu huy động từ 300 đến 500 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam. Ông Don Lam, trong một cuộc họp báo gần đây, cho biết trong vòng một năm qua ông đã tham dự khoảng 37 hội thảo ở nước ngoài để tiếp thị Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế. “Công việc của tôi là: xin và nịnh. Tôi đi khắp thế giới năn nỉ các nhà đầu tư bỏ tiền vào Việt Nam”.
Ông Lam, cũng như các giám đốc của VinaCapital, cho biết có nhiều mối quan tâm đang đổ dồn vào thị trường Việt Nam. Mặc dù vậy, nỗ lực “xin và nịnh” của các quỹ đầu tư như VinaCapital vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả. Dòng tiền ngoại dường như vẫn tránh né mô hình quỹ đầu tư đóng. Một trong những nguyên nhân chính, đã được nhắc đến nhiều lần, là thực tế chứng chỉ của các quỹ này đang niêm yết trên các thị trường thế giới tiếp tục bị nhà đầu tư chối bỏ, và đang được giao dịch thấp hơn nhiều so với giá trị ròng của quỹ (NAV). Chứng chỉ quỹ Việt Nam Opportunity Fund hiện nay đang được giao dịch thấp hơn gần 30% so với NAV. Đây là tình trạng chung của nhiều quỹ khác, không chỉ có VinaCapital. Tình trạng này tiếp tục đặt các quỹ trước sức ép thanh lý quỹ trước thời hạn, giống như đã xảy ra với hai quỹ lớn khác Indochina Capital và Dragon Capital. Dragon Capital năm ngoái thoát được sức ép thanh lý quỹ sớm, nhưng việc huy động nguồn vốn mới cũng gặp khó khăn.
Những thay đổi của VinaCapital có mang lại sức bật mới cho họ trong việc huy động vốn đầu tư hay không, cũng như tương lai của các quỹ đầu tư vào Việt Nam theo mô hình quỹ đóng, vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Theo đánh giá của VinaCapital, thị trường thế giới đang có khoảng 500 tỉ USD chờ cơ hội đầu tư vào các thị trường đang lên. Thị trường Việt Nam chỉ có thể hấp thụ một phần rất nhỏ trong nguồn vốn này. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều dấu hiệu bất ổn hiện nay, Việt Nam vẫn được xem là có cơ hội tốt mặc dù mức độ rủi ro cao.
Các chuyên gia tài chính trong nước cho rằng vẫn có rất nhiều mối quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư tài chính lớn đang tìm cách đầu tư trực tiếp mà không phải thông qua các quỹ đóng. Luồng vốn ngoại đang có dấu hiệu vào mạnh hơn, đặc biệt với các giao dịch đầu tư tư nhân, các thương vụ mua bán, sáp nhập. Việc một số công ty như Masan trong vòng hai năm thu hút được vốn gần 500 triệu đầu tư nước ngoài là một ví dụ, mặc dù Masan vẫn là một hiện tượng hiếm của thị trường. |
Lan Anh
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|