CTCK: Những cuộc “chia tay” không yên ả
Chỉ xuất hiện trên website công ty hoặc hai Sở GDCK bằng một thông báo ngắn gọn "thay đổi nhân sự", nhưng sự ra đi của các tổng giám đốc (CEO) CTCK không hề dễ dàng khi phía sau đó là nhiều vấn đề còn ở lại.
Những cuộc ra đi
Mặc dù chưa có thông báo chính thức từ Công ty, nhưng ông Hoàng Xuân Quyến, Tổng giám đốc CTCK Liên Việt (LVS) đã xác nhận với Đầu tư Chứng khoán qua điện thoại việc nộp đơn từ nhiệm vị trí điều hành cao nhất CTCK này.
Ông Quyến làm Tổng giám đốc LVS từ tháng 6/2010; trước đó, ông là Phó tổng giám đốc CTCK Tân Việt. Điều hành chưa được 1 năm, ông Quyến phải ra đi sau kết quả kinh doanh không khả quan của LVS. Bên cạnh đó là nhận thấy thị trường đã và sẽ còn rất nhiều khó khăn cùng với việc chủ trương, định hướng của Công ty có sự thay đổi, nên ông Quyến cảm thấy không còn phù hợp với vị trí hiện tại.
Một sự việc gây ồn ào trong tuần qua là nguyên Chủ tịch HĐQT CTCK Hà Thành (HASC), ông Trương Duy Sơn bặt tăm với khoản nợ lên đến cả trăm tỷ đồng. Trong thông báo mới nhất trên website Công ty, HASC thừa nhận việc vay và cho bảo lãnh cho khách hàng vay tiền kinh doanh chứng khoán trên một số tài khoản cá nhân của ông Sơn đã gây ra thâm hụt cho các tổ chức tín dụng.
Cập bến CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cách đây hơn 1 năm, sự ra đi của ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên Tổng giám đốc CTCK SHS thực sự gây bất ngờ cho nhiều người. Bất ngờ vì thời gian tại vị quá ngắn, trong khi những hoài bão và chiến lược phát triển Công ty chưa thực hiện được là bao.
Là người gắn bó với thị trường từ những ngày đầu, ông Vinh đến SHS với kỳ vọng sẽ đưa một CTCK thuộc hạng giàu tham vọng nhất nhì TTCK Việt Nam vào Top CTCK hàng đầu. Tuy nhiên, kết thúc năm 2010, SHS đã lỗ do phải trích lập cho các khoản đầu tư tài chính. Kinh doanh thua lỗ trong bối cảnh thị trường quá khó khăn là điều bình thường, khó tránh khỏi, nên sự ra đi gấp gáp của ông Vinh khiến thị trường không khỏi bất ngờ.
… và những vấn đề còn ở lại
Mặc dù HASC cho rằng, việc nợ nần chủ yếu do sai phạm mang tính cá nhân ông Sơn và những người liên quan, nhưng rõ ràng đây là cú sốc tác động tiêu cực đến hoạt động của CTCK khi ông Sơn nguyên là Chủ tịch HĐQT. Trong khi cơ quan quản lý đang tiến hành thanh tra, kiểm tra, dư luận dấy lên câu hỏi về tài sản của NĐT tại CTCK này có bị xâm phạm hay không? Việc quy trách nhiệm giữa CEO và Chủ tịch HĐQT CTCK này như thế nào đang là vấn đề khiến những người ở lại đau đầu.
Một nhân viên PR của CTCK S cho biết, đang làm việc ổn định tại CTCK cũ, nghe theo tiếng gọi của tổng giám đốc là đàn anh trong nghề, anh này đã cập bến CTCK mới. Chưa kịp ổn định với môi trường mới, vị đàn anh lại ra đi khiến những người đi theo cảm thấy mất phương hướng. Bởi không chỉ riêng nhân viên này, có đến gần 30 nhân sự rời bỏ công ty cũ đi theo tiếng gọi của tổng giám đốc, bây giờ không biết đi đâu về đâu. CTCK cắt giảm nhân sự và chỉ những người thực sự có năng lực, nắm giữ các lĩnh vực thiết yếu và có thâm niên công tác tại CTCK mới được giữ lại.
Không kéo theo nhân viên, nhưng Tổng giám đốc CTCK L. lại để lại một tình hình tài chính bết bát. Khi mới về nắm giữ cương vị cao nhất tại Công ty, muốn ghi điểm trong mắt HĐQT, vị này đã đẩy mạnh mảng môi giới bằng cách cho NĐT vay rất mạnh tay. Việc dùng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ quá cao không chỉ khiến khách hàng bị cháy tài khoản, mà còn tạo ra cho Công ty những khoản nợ xấu lớn. Các khoản vay ngân hàng bị thúc ép trả nợ, trong khi cổ đông mẹ là một ngân hàng cũng không còn tin tưởng bơm thêm vốn.
Trong môi trường làm việc có nhiều biến động như TTCK, việc thay đổi nhân sự cũng là điều dễ hiểu. Tổng giám đốc CTCK là một nghề, là người làm thuê, nên việc đến và đi cũng rất bình thường. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh với những khó khăn không lường trước được đã đẩy nhiều CEO đầy hoài bão vào tình thế kinh doanh bết bát. Sự ra đi của họ phản ánh sự khắc nghiệt trong lòng thị trường và để lại nhiều vấn đề không dễ xử lý.
Trần Trung
đầu tư chứng khoán
|