Báo cáo kiểm toán: Nội dung nào không được ngoại trừ?
Mặc dù đến ngày 1/1/2012, Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) mới có hiệu lực, nhưng đã xuất hiện một số băn khoăn trong việc thi hành.
Chẳng hạn, theo điểm 2 Điều 48 của Luật, "Bộ Tài chính quy định nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán phù hợp với chuẩn mực kiểm toán". Vậy Bộ Tài chính sẽ quy định nội dung này thế nào? Theo quy định của Luật, có thể suy đoán 2 khả năng:
Thứ nhất, Bộ Tài chính quy định nội dung không được ngoại trừ một cách tổng thể thông qua áp dụng các chuẩn mực kiểm toán có liên quan và các đối tượng chịu sự điều chỉnh chỉ cần áp dụng các chuẩn mực kiểm toán này (các chuẩn mực có liên quan đã được Bộ ban hành và hướng dẫn thực hiện) là có thể được coi là tuân thủ điểm 2 Điều 48 Luật KTĐL.
Thứ hai, Bộ Tài chính quy định chi tiết từng nội dung không được ngoại trừ trong một văn bản hướng dẫn Luật KTĐL và các đối tượng chịu sự điều tiết sẽ phải tuân thủ theo văn bản hướng dẫn này.
Trong trường hợp thứ nhất, việc áp dụng chuẩn mực kiểm toán để đưa ra ý kiến kiểm toán (trong đó có trường hợp sử dụng ý kiến ngoại trừ) đã được các kiểm toán viên (KTV) và công ty kiểm toán (CTKT) áp dụng từ nhiều năm và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, khả năng áp dụng cũng như tính tuân thủ chuẩn mực kiểm toán của một số KTV và CTKT còn chưa tốt, dẫn đến tình trạng sử dụng ý kiến ngoại trừ chưa phù hợp và làm cho báo cáo kiểm toán mất đi giá trị về mặt thông tin và tư vấn đối với người sử dụng.
Theo đánh giá chủ quan của người viết, có tình trạng sử dụng ý kiến ngoại trừ chưa phù hợp chủ yếu là do trình độ KTV chưa cao, chưa biết cách lựa chọn các thủ tục bổ sung để không đưa ra ý kiến ngoại trừ, hoặc do phí kiểm toán thấp không đủ để tiến hành các thủ tục bổ sung, hoặc do KTV thiếu trách nhiệm bỏ qua sai sót cho khách hàng.
Để khắc phục được vấn đề này, cần có sự phối hợp của nhiều bên như Bộ Tài chính, UBCK, Hội KTV hành nghề Việt Nam trong việc kiểm tra và xử lý chất lượng kiểm toán một cách thường xuyên. UBCK khi xét duyệt các CTKT đủ điều kiện kiểm toán cho các công ty niêm yết, công ty đại chúng cần có quy trình đánh giá kỹ lưỡng và cụ thể hơn, thay vì chỉ dựa vào bộ hồ sơ do các CTKT nộp lên như hiện nay.
Trong trường hợp thứ hai, Bộ Tài chính quy định chi tiết từng nội dung không được ngoại trừ trong ý kiến kiểm toán. Điều này sẽ hạn chế việc lạm dụng ý kiến ngoại trừ, nhưng áp dụng trong thực tiễn sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, ngoài việc thực hiện các thủ tục kiểm toán thông thường, KTV hành nghề còn phải sử dụng một công cụ rất quan trọng là xét đoán nghề nghiệp để thu thập đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp trước khi đưa ra ý kiến về bất kỳ một khoản mục nào của báo cáo tài chính. Điều đó cũng có nghĩa là bất cứ nội dung nào không có đủ bằng chứng kiểm toán đều có thể bị ngoại trừ.
Tuy nhiên, KTV hành nghề cần vận dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán và phải chịu trách nhiệm về những công việc mình đã làm và ý kiến kiểm toán đưa ra. Ví dụ, ý kiến kiểm toán về hàng tồn kho trong trường hợp CTKT được bổ nhiệm sau khi kết thúc năm tài chính. KTV không thể tham gia quan sát việc kiểm kê hàng tồn kho của đơn vị được kiểm toán, nhưng không được phép mặc nhiên đưa ra ý kiến ngoại trừ về tính hiện hữu của hàng tồn kho, mà sẽ phải dùng xét đoán của mình để quyết định liệu có nên thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế, chẳng hạn yêu cầu khách hàng thực hiện một cuộc kiểm kê bổ sung.
Ở đây, nếu cuộc kiểm kê bổ sung được thực hiện không xa sau ngày kết thúc năm tài chính và biến động của hàng tồn kho là không nhiều, thì các bằng chứng từ việc quan sát kiểm kê sau ngày kết thúc năm tài chính có thể đáng tin cậy. Do đó, không cần thiết phải sử dụng ý kiến ngoại trừ cho tính hiện hữu của hàng tồn kho. Ngược lại, nếu việc thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế là không hiệu quả (việc quan sát kiểm kê hàng tồn kho bổ sung được thực hiện quá xa sau ngày kết thúc năm tài chính và hàng tồn kho đã có nhiều biến động) trong việc thu thập được các bằng chứng kiểm toán phù hợp, thì KTV có thể áp dụng ý kiến ngoại trừ.
Ngay cả khi xác định cuộc kiểm kê bổ sung thế nào là không quá xa sau ngày kết thúc năm tài chính hay mức độ biến động của hàng tồn kho thế nào là nhiều cũng cần có những xét đoán nghề nghiệp của KTV đối với từng đơn vị được kiểm toán, chứ không thể chỉ dựa vào một con số chung cố định nào.
Phân tích trên cho thấy, việc quy định cụ thể từng khoản mục không được ngoại trừ có thể gặp nhiều khó khăn, mà cuối cùng vẫn không bao trùm hết được hết các vấn đề, vì thực tiễn của hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động kế toán, tài chính luôn biến động và thay đổi.
Phạm Quốc Hưng - Phó tổng giám đốc NEXIA ACPA
đầu tư chứng khoán
|