Vietinbank và Maritime Bank mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu VEC
Áp lực vốn cho Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được giảm bớt khi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông báo bán được 1.000 tỷ đồng trái phiếu công trình cho 2 ngân hàng: Hàng Hải - Maritime Bank (MSB) và Công thương Việt Nam - Vietinbank (HOSE: CTG).
7 đợt phát hành trái phiếu công trình VEC liên tiếp từ đầu năm 2008 tới nay đều không có bất kỳ nhà đầu tư nào trúng thầu.
Trong khi các ngân hàng thương mại đang huy động với lãi suất 14 – 15%/năm, thì mức trần lãi suất VEC đưa ra chỉ 11,5 - 11,6% cho các kỳ hạn từ 5 đến 15 năm là quá thấp.
Trái phiếu VEC tuy được Chính phủ bảo lãnh, nhưng không thể dùng để thế chấp tái cấp vốn và tham gia thị trường mở (OMO), do đó tính thanh khoản không cao.
Theo ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC, ngay cả khi doanh nghiệp được quyền tự định đoạt mức lãi suất, thì trái phiếu công trình cũng khó có thể hút được vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông.
“Thời gian hoàn vốn lên tới 25 – 30 năm, hệ số sinh lời thấp, nên nếu chủ đầu tư đua theo lãi suất huy động vốn thương mại, thì bài toán tài chính cho Dự án sẽ bị phá vỡ”, ông Sanh cho biết.
Nếu như nhận định của ông Sanh là đúng, nỗi lo thất bại đấu thầu đối đối với trái phiếu VEC trong thời gian tới vẫn còn nguyên. Trong khi, phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn duy nhất cho Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cần tới hơn 4.300 tỷ đồng để đưa vào khai thác cuối năm 2011
Nếu không huy động đủ 3.900 tỷ đồng còn lại từ nguồn trái phiếu công trình, thì tuyến đường cao tốc dài 56 km từ Cầu Giẽ tới Ninh Bình sẽ không thể hoàn thành trong năm 2011.
Đầu tư
|