Thứ Năm, 07/04/2011 22:09

Thâm nhập sâu thị trường Campuchia

Thị trường 15 triệu dân của quốc gia láng giềng đang là đích đến lý tưởng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang chật vật giải quyết bài toán kinh doanh hiện nay. Hiện nay, hầu hết hàng tiêu dùng của Campuchia đều phải nhập khẩu. Giá hàng hóa ở đây thường cao hơn Việt Nam 40-50%, có những mặt hàng lên tới 70-120%.

Siêu thị Việt Nam tại Campuchia.

Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Campuchia đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 35% so với năm 2009. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với hơn 2,3 tỉ đô la Mỹ hàng Thái Lan xuất khẩu vào thị trường này.

Những cuộc xúc tiến thị trường, những kinh nghiệm làm ăn của một số doanh nghiệp Việt Nam ở nước láng giềng cho thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng. Vì thế, một kế hoạch “tổng lực” được hoạch định nhằm “đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này”.

Ngành nhựa đi đầu

Kế hoạch đó được các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Nhựa TPHCM cùng các thương nhân ở Campuchia hợp lực. Bắt đầu từ việc thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia vào ngày 24-3 vừa qua, đến việc ký kết bốn thỏa thuận hợp tác của các doanh nghiệp hai bên vào hai ngày sau đó, với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, kho bãi, và phân phối của cả hai nước.

Theo ông Lê Minh, chủ siêu thị Việt Nam ở Campuchia, mặt hàng nhựa của Việt Nam rất được ưa chuộng ở nước này, và thị trường nhựa còn rất lớn. Chẳng hạn mặt hàng ghế nhựa, mỗi năm nước này tiêu thụ không dưới 1 triệu chiếc. Các mặt hàng khác như can, thau nhựa, vốn rất cần thiết, nhưng không một nhà sản xuất nào ở Campuchia chịu làm, phần vì chi phí sản xuất cao, nhất là tiền điện cao gấp 4 lần so với Việt Nam, phần vì đây là mặt hàng cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích.

“Ngành sản xuất Campuchia nói chung còn rất hạn chế và chưa được quan tâm, hàng tiêu dùng hầu như phải nhập 100%”, ông Minh nói. Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM, cho biết: “Hàng nhựa có thể chiếm lĩnh thị trường Campuchia, sắp tới chúng tôi sẽ liên kết với các hiệp hội khác để đưa hàng vật liệu xây dựng, thực phẩm, cao su chế biến, cơ khí... vào thị trường này”.

Công ty Thiên Đại Lợi, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh kho bãi, vận chuyển ở Việt Nam, đã có nhiều năm thực hiện công việc xuất nhập khẩu vào thị trường Campuchia. Bà Trần Thị Kim Hoàng, Giám đốc công ty, cho biết Thiên Đại Lợi vừa chính thức thành lập công ty ở Campuchia, vì “đây là thời điểm thích hợp để làm cầu nối cho hàng Việt Nam vào thị trường này”.

Trong khi đó, sự có mặt của siêu thị Việt Nam, cũng như chợ đầu mối Sen Vàng, khu chợ rộng 12 héc ta sẽ là những địa điểm lý tưởng để hàng Việt Nam tập kết và phân phối đi các tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đựng, Phó chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Campuchia, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, cho biết hiện hội người Việt đã có mặt hầu khắp các tỉnh thành của nước này. Cùng với doanh nghiệp người Việt, tỉnh hội sẽ thành lập các đại lý hàng Việt Nam để phân phối hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Chuỗi siêu thị Co-opMart cũng dự định mở siêu thị ở thủ đô Phnôm Pênh vào năm 2012.Việc làm ăn của doanh nghiệp tại Campuchia còn được các ngân hàng Việt Nam tiếp sức.

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, ngân hàng Việt Nam đầu tiên mở chi nhánh ở Campuchia, Sacombank không chỉ mang sang đó tiền bạc, mà còn xây dựng các tòa nhà để doanh nghiệp Việt Nam đến trú chân, cũng như phát triển hệ thống dịch vụ, tư vấn, giúp các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường. Sau Sacombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có mặt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vốn đầu tư, khâu thanh toán.

Những thách thức Tuy hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế thâm nhập thị trường Campuchia, nhưng thách thức cho các doanh nghiệp là không nhỏ. Ngoài việc phải cạnh tranh với hai quốc gia đang chiếm lĩnh thị trường ở đây là Trung Quốc và Thái Lan, hàng hóa Việt Nam vẫn đang chịu một nỗi oan không dễ giải: hàng chất lượng thấp, giá rẻ. Đây là hệ quả của những năm tháng doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng vấn đề chất lượng, thường “tống” hàng tồn của mình sang thị trường này.

Hàng Việt Nam thâm nhập vào đây bằng đường biên mậu và tiểu ngạch, phần lớn từ những người buôn chuyến, khoán chuyến, nên khó kiểm soát chất lượng, trong khi các doanh nghiệp lớn chưa nhập cuộc. Do xuất hàng bằng đường biên mậu, nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngại “đụng” hải quan nước bạn. Việc xuất khẩu chính ngạch vào Campuchia thường phải chịu bốn mức thuế là 0%, 7%, 15% và 35%, vì thế nhiều người chọn cách xuất hàng bằng đường tiểu ngạch. Hệ quả là doanh nghiệp Việt Nam chịu lây điều tiếng, còn người tiêu dùng bản xứ thì vẫn giữ định kiến đó.

Việc thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia chỉ là bước đầu để tiến tới việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia, cơ sở quan trọng để hàng Việt Nam thâm nhập vào Campuchia, đứng vững và chiếm lĩnh bằng thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Để làm được điểu đó, cần sự có mặt của các doanh nghiệp lớn, cũng như sự liên kết giữa các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Lê Minh, để có thể đường đường chính chính vào thị trường Campuchia, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, đề xuất với cơ quan chức năng xin hạn ngạch cho từng năm, từng mặt hàng. Làm như thế vừa được khấu trừ thuế, hưởng ưu đãi, vừa dễ làm thủ tục hải quan.

Phi Tuấn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Campuchia (05/04/2011)

>   Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mở rộng đầu tư ở Lào (03/04/2011)

>   Campuchia chào mời nhiều dự án hấp dẫn (02/04/2011)

>   Lào: Việt kiều xây dựng nhà máy gạch lớn nhất Vientiane (26/03/2011)

>   Gần 10 triệu USD xây khách sạn, văn phòng tại Lào (25/03/2011)

>   Lào khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân (18/03/2011)

>   Campuchia: GDP 2011 dự kiến tăng khoảng 6% (11/03/2011)

>   Đầu tư vào Campuchia được thuê đất giá rẻ (08/03/2011)

>   Khởi công thủy điện lớn nhất ở Lào do VN đầu tư (06/03/2011)

>   Campuchia-Lào-Việt lập website chung về đầu tư (04/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật