Nhật tuyên bố loại bỏ Nhà máy Fukushima số 1
Khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản ngày càng diễn biến khó lường, với độ ô nhiễm trong nước biển và không khí vọt lên mức cao mới.
Chính quyền Nhật Bản hôm 30.03 cho hay vẫn chưa quyết định mở rộng vùng di tản bắt buộc xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Trước đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khuyến cáo Tokyo nên cân nhắc việc mở rộng nói trên sau khi các chuyên gia IAEA phát hiện nồng độ phóng xạ cao bất thường tại khu vực cách Fukushima số 1 đến 40 km. Kết quả đo đạc ở làng Iitate, nằm ở phía tây bắc nhà máy, cho thấy nồng độ caesium-137 trong không khí cao gấp 2 lần mức cho phép, Reuters dẫn lời chuyên gia Elena Buglova của IAEA cho hay. Với mức độ phóng xạ trong không khí như vậy, ở trong làng Iiate vài ngày đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ nhiễm lượng phóng xạ bằng mức cho phép trong cả năm. Hiện vẫn còn khoảng 100 người nhất quyết bám trụ tại làng Iitate và họ đã được khuyến cáo không uống nước từ vòi kể từ hôm 28.3.
|
Cách Nhà máy Fukushima số 1 đến 40 km mức phóng xạ cũng tăng vọt |
Ngoài ra, Kyodo News hôm qua đưa tin lo ngại về phóng xạ khiến lực lượng cứu hộ chưa thể thu nhặt khoảng 1.000 thi thể của các nạn nhân động đất và sóng thần nằm trong vùng có bán kính 20 km tính từ Nhà máy Fukushima số 1. Hãng tin này dẫn lời cảnh sát cho hay ngoài mối nguy về phóng xạ trong không khí, các thi thể này cũng phơi nhiễm lượng lớn phóng xạ. “Chúng tôi sẽ cố gắng tiến hành các biện pháp phòng ngừa và xử lý để có thể đưa các nạn nhân về yên nghỉ đồng thời bảo đảm an toàn cho con người và môi trường”, một cảnh sát nói.
Động đất 6,2 độ Richter
Chiều 30.03, gần bờ biển đảo Honshu của Nhật, vốn bị tàn phá nặng nề trong thảm họa hôm 11.3, lại xảy ra trận động đất 6,2 độ Richter làm rung chuyển tỉnh Miyagi và các tỉnh lân cận. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, tâm chấn nằm ở độ sâu 39,6 km, cách Sendai 126 km về phía đông bắc. Không có cảnh báo sóng thần sau trận động đất này. |
Trước tình hình trên, Hidehiko Nishiyama, phát ngôn viên của Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản (NISA), cho biết Tokyo đang xem xét kỹ lưỡng tình trạng tại làng Iiate để xác định có nên di chuyển dân làng đi nơi khác hay không. Ông cũng công bố thông tin lượng phóng xạ trong nước biển cách 330m về phía nam của Nhà máy Fukushima số 1 hôm 30.3 đã tăng lên gấp 4.385 mức cho phép. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, tăng vọt từ gấp 1.250 lần hôm 25.3, lên gấp 1.850 lần hôm 26.3 và đến 3.355 lần hôm 29.3. Theo ông Nishiyama, việc phóng xạ trong nước gia tăng nhanh chóng có thể do rò rỉ từ nhà máy, đặc biệt là từ lò phản ứng số 2. AFP dẫn thông cáo của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc cho hay phóng xạ từ Nhật đã lan ra hầu hết các tỉnh thành ở nước này nhưng ở mức cực kỳ thấp.
Trước tình hình này, Thủ tướng Nhật Naoto Kan tuyên bố Nhà máy Fukushima số 1 “phải bị loại bỏ” đồng thời quyết định tiếp nhận sự hỗ trợ của các cường quốc hạt nhân thế giới, theo Kyodo News. Quân đội Mỹ đã cử một đơn vị lính thủy đánh bộ chuyên xử lý tình huống hạt nhân khẩn cấp tới Nhật Bản. Vẫn chưa rõ đơn vị này sẽ được triển khai đến gần Nhà máy Fukushima số 1 hay không vì quân nhân Mỹ đã được yêu cầu tránh xa nhà máy đến 80 km. Ngoài ra, một nhóm chuyên gia của công ty nhiên liệu hạt nhân hàng đầu của Pháp là Areva đã đến Nhật trong khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đích thân đến chia sẻ với Thủ tướng Kan vào hôm qua, trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Nhật kể từ sau thảm họa ngày 11.3.
Về phần mình, Tokyo kêu gọi quốc tế không nên vội vã áp đặt biện pháp cấm hàng nhập khẩu từ nước này. Theo Reuters, đại diện của Nhật tại WTO khẳng định Tokyo sẽ theo sát tình trạng nhiễm xạ nếu có để tránh nguy cơ đối với an toàn thực phẩm và cam kết cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác nhất về tình hình này.
Thụy Miên
thanh niên
|