Thứ Hai, 11/04/2011 10:30

Ngân hàng loay hoay chọn thời điểm niêm yết

Không ít kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức đã được các ngân hàng thông qua đại hội cổ đông, song việc thực hiện còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán và tình hình kinh tế nói chung.

DongA Bank là trường hợp điển hình khi kế hoạch đưa cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã được Đại hội cổ đông thông qua từ 2 năm trước, song đến nay vẫn chưa thể hoàn tất. Trong kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên của DongA Bank diễn ra ngày 12/3, một lần nữa, kế hoạch niêm yết cổ phiếu được HĐQT Ngân hàng đưa ra xin ý kiến cổ đông.

Theo đó, DongA Bank dự kiến chọn thời điểm quý IV/2011 để thực hiện niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Theo lý giải của ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, sở dĩ Ngân hàng chưa thể thực hiện kế hoạch trên vào cuối năm qua là vì tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam gặp nhiều khó khăn, có thời điểm ở quý IV/2010, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã quay về gần mệnh giá gốc (10.000 đồng/cổ phiếu).

Mặt khác, DongA Bank muốn thực hiện xong việc tăng vốn từ 4.500 tỷ đồng hiện nay lên 6.000 tỷ đồng (trong đó bán cho đối tác nước ngoài 900 tỷ đồng), rồi mới đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung. “Chúng tôi đã cùng với công ty chứng khoán trực thuộc là DAS chuẩn bị các thủ tục để sẵn sàng niêm yết cổ phiếu khi điều kiện cho phép”, ông Bình nói.

Trả lời thắc mắc của nhiều cổ đông về việc tại sao đến thời điểm này, TrustBank vẫn chưa thực hiện kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán HoSE như dự định đưa ra năm ngoái, ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT TrustBank cho rằng, kế hoạch này chắc chắn sẽ sớm được thực hiện. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả và đảm bảo được quyền lợi cho các cổ đông, HĐQT Ngân hàng sẽ tính toán sao cho việc đưa cổ phiếu lên sàn đạt hiệu quả tốt, chứ không phải chạy theo phong trào.

Theo ông Toàn, việc đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung là cần thiết nhằm nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, thương hiệu Ngân hàng, cũng như nâng cao tính minh bạch đối với các cổ đông. Nhiều khả năng, TrustBank sẽ bán bớt một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn tập trung. Hiện TrustBank đã tìm được đối tác chiến lược nước ngoài.

Tương tự, với Ngân hàng Quân đội (MB), dù đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho niêm yết cổ phiếu trên HoSE vào quý II/2010, nhưng do diễn biến thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm qua không mấy thuận lợi, giá cổ phiếu ngân hàng trên sàn OTC cũng như trên sàn chứng khoán tập trung có xu hướng đi xuống trước áp lực giảm của thị trường, nên MB quyết định tạm hoãn việc niêm yết. “Chúng tôi xin phép cổ đông tiếp tục chuẩn bị, lựa chọn thời điểm thích hợp mới niêm yết cổ phiếu”, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc MB nói.

Với các nhà băng nhỏ, cũng không ít đơn vị lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung sau khi hoàn tất việc tăng vốn theo lộ trình quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP. Đơn cử, dù đã hoàn tất hồ sơ và được Hose chấp nhận kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhưng WesternBank phải hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào cuối năm 2010, nhằm chuẩn bị lộ trình tăng vốn, cũng như tránh tâm lý không tốt của nhà đầu tư về khả năng hoàn tất tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Mặt khác, việc hủy niêm yết cũng để tránh hiệu ứng pha loãng cổ phiếu trên thị trường.

WesternBank cho biết, Ngân hàng sẽ nộp lại hồ sơ và hoàn tất các thủ tục với HoSE để được niêm yết chính thức ngay sau khi hoàn tất tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, khi vốn điều lệ của WesternBank đã cán đích 3.000 tỷ đồng, theo một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này, việc niêm yết chỉ được thực hiện khi điều kiện thị trường cho phép, còn với diễn biến kinh tế hiện nay, năm 2011 chưa phải là lúc thuận lợi.

Tính đến nay, cả 2 sàn chứng khoán HoSE và HNX đã có 6 ngân hàng tham gia niêm yết cổ phiếu gồm: STB, VCB, CTG, EIB, ACB, SHB. Hiện tại, trong bối cảnh sụt giảm chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các ngân hàng này giao dịch khá trầm lắng và được dự báo chưa sớm cải thiện, do diễn biến kinh tế chưa thực sự khả quan. Đây cũng là nguyên nhân khiến các kế hoạch niêm yết dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay chưa hẳn khả thi.

Các ngân hàng kỳ vọng, cuối năm nay sẽ là thời điểm thích hợp để đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia phân tích ngành chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng chưa thể sớm hồi phục, thậm chí, giá cổ phiếu còn có thể giảm trước làn sóng các ngân hàng ồ ạt phát hành.

Thùy Vinh

đầu tư

Các tin tức khác

>   NTP được chấp thuận niêm yết bổ sung 21.7 triệu cổ phiếu (07/04/2011)

>   Phát triển Nhà Đà Nẵng được chấp thuận niêm yết 9 triệu cổ phiếu (07/04/2011)

>   Đầu tư Sản xuất và Thương mại Việt Nam đăng ký niêm yết 2 triệu cp (07/04/2011)

>   Ngân hàng Quân Đội nộp hồ sơ niêm yết 730 triệu cp (07/04/2011)

>   HLA được niêm yết bổ sung hơn 1.6 triệu cổ phiếu (07/04/2011)

>   13/04, giao dịch bổ sung 9 triệu cổ phiếu MSN (06/04/2011)

>   15/04, giao dịch bổ sung 168,801 cổ phiếu HCM (06/04/2011)

>   MHC bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 08/04 (06/04/2011)

>   20/04, FDG giao dịch phiên đầu tiên 13.2 triệu cổ phiếu (05/04/2011)

>   Thiết bị Y tế Việt Nhật được chấp thuận niêm yết về nguyên tắc (24/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật