“Làm giá” doanh nghiệp xây dựng!
Các doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) lâu nay vẫn kêu ca rất nhiều về tình trạng họ bị tốn quá nhiều chi phí tiền bạc, thời gian cho các công việc liên quan đến cơ quan quản lý, công quyền.
Nhất là tình trạng nhiêu khê thủ tục tạm ứng, thanh - quyết toán tiền vốn đầu tư công trình, hậu quả là không ít DN khi thanh toán được tiền từ chủ đầu tư thì lợi nhuận không đủ trả lãi tiền vay ngân hàng và... vay nóng. Không chỉ như vậy, DN XDCB còn bị chèn ép bởi vô số “thủ tục” có tên và không tên khác, nhiều DN lĩnh vực này đã và đang cố duy trì hoạt động theo kiểu “ngừng thì chết ngay, tiếp tục thì chết từ từ”.
Một trong những điển hình của quá trình “làm chết” DN XDCB hiện nay là chuyện công bố giá vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị liên quan đến lĩnh vực hoạt động của loại hình DN này.
Ngày 1.3.2011, liên sở Tài chính – Xây dựng của tỉnh Quảng Trị ban hành công bố giá vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị trên địa bàn tỉnh này. Tất cả các DN khi nhận được văn bản công bố này đều nói rằng, giá công bố thấp hơn rất nhiều so với giá cả thực tế của thị trường. Chỉ 15 ngày sau khi công bố này phát hành, Sở Tài chính Quảng Trị lại ban hành “Thông báo về đơn giá vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị” (số 372/TB-STC, ngày 16.3.2011), mà trong đó một số vật liệu đã được nâng giá lên cao hơn nhiều so với bản công bố 15 ngày trước đó.
Đơn cử: Giá nhựa đường đặc nóng 60/70 – Singapore công bố là 13.427 đồng/kg, nhưng 15 ngày sau lại có giá là 14.538 đồng/kg; giá nhựa đường PLC trước và sau công bố chênh lệch đến gần 2.000 đồng/kg... Giá công bố thì áp dụng cho mọi DN, trong khi giá thông báo thì chỉ áp dụng cho Cty TNHH tư vấn khoa học kỹ thuật cầu đường Quảng Trị; giá công bố thì do liên sở làm, trong khi giá thông báo thì chỉ mỗi mình Sở Tài chính làm.
Các doanh nhân nói rằng, giá vật liệu tại văn bản thông báo của Sở Tài chính mới là giá gần bằng với giá thực thị trường, nhưng có phải mọi doanh nhân, DN đều “biết đường” để làm tờ trình xin thẩm định giá các loại vật liệu để được nhận thông báo giá như Cty TNHH tư vấn KHKT cầu đường Quảng Trị đã làm.
Từ cách thức “làm giá” trên đây cho thấy, vẫn còn quá nhiều kẽ hở “voi đi lọt” cho sự nhũng nhiễu, làm khó DN. Và đây cần được coi là một bằng chứng cho thấy sự lên hạng chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương (PCI) mà tỉnh Quảng Trị vừa hoan hỷ đón nhận (hạng 16 năm 2010) chưa phản ánh đúng và hết những rào cản, thủ tục hành chính nhiêu khê mà cơ quan công quyền gây ra đối với DN.
Lam Chi
lao động
|