Thứ Tư, 09/03/2011 19:37

09/03/2009 – 09/03/2011:

Wall Street đánh dấu 2 năm tăng điểm liên tiếp

(Vietstock) - Hai năm sau khi chứng khoán Mỹ chạm đáy, diễn biến tiếp theo của thị trường sẽ phụ thuộc vào khả năng đương đầu với giá dầu cao của nền kinh tế. Vì lẽ đó, món quà sinh nhật mà Wall Street thích nhận lúc này chính là một thùng dầu thô chứ không phải rượu sâm banh.

Trong 2 năm qua, chỉ số S&P 500 đã phục hồi 95% và giá trị thị trường của các cổ phiếu thành viên tăng lên 12.06 ngàn tỷ USD

Khi Wall Street kỷ niệm hai năm khởi sắc liên tiếp, những nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm cho rằng đà tăng vọt gần đây của giá dầu chỉ là một trở ngại nhỏ. Trong suốt hai năm qua, chứng khoán Mỹ đã gặp rất nhiều trở ngại nhưng những khó khăn này không hề khiến thị trường chùn bước.

Kể từ khi chạm đáy vào ngày 09/03/2009 sau sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu, giá trị của các cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán New York đã tăng gấp đôi. Theo thống kê, tốc độ phục hồi trong hai năm qua nhanh hơn bất kỳ đợt tăng điểm nào kể từ thập niên 1930 bất chấp các dự báo lập đi lập lại rằng thị trường sắp sụp đổ đến nơi.

Sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu đã đẩy chỉ số S&P 500 tăng 95% trong hai năm qua và nâng giá trị thị trường của các cổ phiếu thành viên S&P 500 lên 12.06 ngàn tỷ USD từ mức 5.9 ngàn tỷ USD trong tháng 03/2009.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, thị trường tiếp tục chứng tỏ khả năng đàn hồi của mình. Đây vốn là nét đặc trưng trong suốt đợt phục hồi kéo dài từ những ngày đen tối trong năm 2009 đến nay của chứng khoán Mỹ. Theo đó, chỉ số Dow Jones tăng 124.35 điểm (1%) lên 12,214.38 điểm khi giá dầu rút lui khỏi mức cao hai năm rưỡi xác lập hôm thứ Hai.

Dù Wall Street đã khá vất vả do đà tăng vọt đến 22% của giá dầu kể từ giữa tháng 2 đến nay do bất ổn leo thang tại Trung Đông và Bắc Phi, nhưng Dow Jones chỉ giảm 1.4% từ mức cao 32 tháng 12,391.25 điểm đạt được hôm 18/02.

Diễn biến của chỉ số Dow Jones trong 3 năm qua

Tuy nhiên, đối với những người thuộc trường phái bi quan trên Wall Street, đà tăng vọt của của giá dầu chính là một đòn giáng nặng nề và đặt dấu chấm hết đối với xu hướng tăng giá trong suốt hai năm qua.

Nếu giá dầu thô tiếp tục đứng ở mức cao chót vót, chi tiêu tiêu dùng - yếu tố cấu thành 70% kinh tế Mỹ - sẽ gánh chịu tác động nặng nề.

Doug Kass, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Seabreeze Partners cho rằng: “Người tiêu dùng chính là gót chân Asin”. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng thị trường đã bỏ lại sau lưng mọi lời dự báo bi quan trong suốt hai năm qua kể từ khi Dow Jones chạm đáy tại mốc 6,547.05 điểm.

Theo ông Kass, sai lầm của trường phái bi quan chính là đã đánh giá quá thấp đà phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp.

Sau khi tiến hành cắt giảm chi tiêu mạnh trong đó có việc sa thải nhân công khi kinh tế sụt giảm, nhiều công ty đã nhanh chóng hưởng lợi thế nhờ doanh số cải thiện cùng với sự kết thúc của suy thoái vào giữa năm 2009.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ nhất kể từ năm 2008 nhờ động thái bơm vốn của Chính phủ và mức lãi suất ngắn hạn gần 0% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Tốc độ phục hồi của 10 ngành thuộc chỉ số S&P 500 sau 2 năm

Với mức phục hồi mạnh đến 169%, tài chính là ngành tăng giá mạnh nhất trong 10 lĩnh vực của chỉ số S&P 500 trong hai năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là ngành rớt giá mạnh nhất trong thị trường giá xuống.

Nhìn chung, lợi nhuận hoạt động năm 2010 của 500 công ty thành viên S&P 500 tăng vọt 47% so với năm 2009. Đây là một trong những yếu tố đem lại động lực tăng trưởng đáng kể cho các chỉ số chính.

Chiến lược gia thị trường Marc Pado thuộc Công ty Môi giới Cantor Fitzgerald cho biết: “Chi phí giảm nhưng lợi nhuận tăng, và chính lợi nhuận là yếu tố dẫn dắt thị trường”.

Chứng khoán Mỹ năm 2011: Đi tiếp hay thụt lùi?

Đối với năm 2011, các nhà phân tích của Standard & Poor's dự báo lợi nhuận hoạt động của các công ty S&P 500 sẽ tăng 15% và ông Pado tin rằng mức tăng này sẽ đẩy thị trường chứng khoán tiến xa hơn nữa.

Những người thuộc trường phái lạc quan cũng cho rằng giá cổ phiếu vẫn còn tương đối hợp lý do với lợi nhuận. Hệ số P/E của chỉ số S&P 500 là 13.7 dựa trên lợi nhuận ước tính năm 2011.

Tuy nhiên, dự báo trên dựa vào giả định rằng các công ty sẽ đạt được lợi nhuận đúng như kế hoạch đề ra. Nếu nền kinh tế suy yếu, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng hạ chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong khi đó, những người theo trường phái lạc quan còn chỉ ra một rủi ro lớn đến đà phục hồi của nền kinh tế là sự chấm dứt của các chương trình kích thích tiền tệ và tài khóa.

Nền kinh tế đã nhận được nhiều lực đẩy từ giữa năm 2009 nhờ gói kích thích từ Chính phủ Mỹ và FED.

Hiện Đảng Cộng hòa có ý định cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang và đẩy lùi các gói kích thích tài khóa.

Cùng lúc đó, FED sẽ kết thúc chương trình mua 600 tỷ USD trái phiếu Chính phủ.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn chưa muốn rời bỏ thị trường giá lên. Nếu xu hướng tăng giá kết thúc, đà tăng 95% của S&P 500 so với mức thấp trong thị trường giá xuống sẽ bằng một nửa đà tăng của thị trường giá lên kể từ Chiến tranh thế giới II.

Một yếu tố có thể đem lại đà phục hồi cho thị trường trong dài hạn chính là nền kinh tế toàn cầu đã khởi động năm 2010 với những tín hiệu lạc quan, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh của lĩnh vực sản xuất.

Tại Mỹ, doanh số bán xe hơi bất ngờ đạt được kết quả khả quan trong tháng 02, dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đã sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu.

Hơn nữa, thị trường việc làm, một mắc xích còn thiếu trong đà phục hồi, có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại sau những số liệu tích cực được công bố thời gian qua.

Ngoài ra, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) cũng góp phần thúc đẩy thị trường khi các doanh nghiệp muốn dùng lượng tiền mặt dồi dào từ lợi nhuận để đầu tư.

Dù vậy, thậm chí khi thị trường phục hồi trở lại, đa số những người theo trường phái lạc quan cảnh báo rằng đà tăng sẽ tiếp tục chậm lại.

Được biết, trong năm phục hồi đầu tiên, Dow Jones tăng vọt đến 61% nhưng đà tăng trong năm thứ hai, tính đến phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ là 16%,.

Hầu như không có nhà phân tích nào cho rằng thị trường sẽ tăng đủ mạnh trong năm nay để đưa Dow Jones về mức cao mọi thời đại 14,164.53 điểm xác lập hôm 09/10/2007. Để đạt được mức đỉnh này, Dow Jones cần phải tăng thêm 16%.

Thế nhưng, ông Charles Carlson, Giám đốc của Horizon Investment Services cho rằng chứng khoán vẫn còn hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.

Phạm Thị Phước (Theo Los Angeles Times)

Các tin tức khác

>   Mở cửa: Chứng khoán châu Á tăng theo chứng khoán Mỹ (09/03/2011)

>   Dầu rút lui, Dow Jones vọt hơn 120 điểm (09/03/2011)

>   Chứng khoán châu Á trở xanh, Hang Seng tiến gần 2% (08/03/2011)

>   Bangladesh lập quỹ bình ổn chứng khoán (08/03/2011)

>   Mở cửa: Sắc xanh chiếm ưu thế trên TTCK châu Á (08/03/2011)

>   Chứng khoán Mỹ trượt dài vì nhóm cổ phiếu công nghệ (08/03/2011)

>   Chứng khoán châu Á trượt mạnh lần đầu tiên trong 3 phiên (07/03/2011)

>   Mở cửa: Nikkei giảm sâu, Shanghai tăng mạnh (07/03/2011)

>   Chứng khoán Mỹ tuần 07-11/03: Niềm lạc quan kinh tế sẽ chiến thắng nỗi lo về dầu (06/03/2011)

>   Wall Street từ bỏ mọi thành quả trong tuần do giá dầu leo thang (05/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật