Thứ Tư, 23/03/2011 14:30

Niêm yết ở nước ngoài đang tắc

VNM, PVF, HAG đều tạm gác lại kế hoạch niêm yết trên thị trường nước ngoài mặc dù trước đó, họ rất háo hức.

Khung pháp lý cho hoạt động niêm yết ở nước ngoài chưa hoàn thiện và thiếu các văn bản hướng dẫn là vật cản lớn nhất trên con đường xuất ngoại của doanh nghiệp Việt.

Trong bối cảnh lực cầu nội địa yếu ớt, dòng tiền bị hạn chế, huy động vốn tại nước ngoài được xem là hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra suôn sẻ khi cho đến nay, sau 3-4 năm rục rịch chuẩn bị, vẫn chưa doanh nghiệp nào chính thức góp mặt ở các thị trường chứng khoán nước ngoài.

Giậm chân tại chỗ

Được Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) chấp thuận niêm yết từ tháng 10.2008, nhưng đến nay Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) vẫn chưa lên sàn. Lý do được VNM đưa ra lúc đó là thời điểm chưa thích hợp. Đến giữa năm 2009, VNM có công bố khởi động lại kế hoạch, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Dự kiến, tại Đại hội cổ đông vào ngày 25.3 tới, VNM sẽ xin ý kiến về việc hủy kế hoạch niêm yết trên sàn ngoại. Trước đó, VNM đã có một số động thái cho thấy ý định trên. Tháng 1.2011, VNM đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 2:1 và phát hành ra công chúng 3% vốn thông qua đấu giá. Điều đáng nói là số cổ phiếu đưa ra đấu giá bằng đúng tỉ lệ mà VNM đã hạ room (tỉ lệ sở hữu) của nhà đầu tư nước ngoài trước đó nhằm mục đích niêm yết trên SGX.

Giữa cuối năm 2010, thị trường cũng xôn xao khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố kế hoạch niêm yết 19 triệu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán London. Khi đó, tờ Financial Times (Anh) đưa tin HAG đã chọn một ngân hàng đầu tư nhỏ của Ấn Độ có tên Elara Capital để thực hiện việc niêm yết chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR). Phía HAG cũng xác nhận, kế hoạch niêm yết tại London của Công ty đã được cơ quan chức năng Việt Nam đồng ý và các thủ tục đang được hoàn tất. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không nghe HAG nhắc đến việc này nữa.

Việc tuyên bố sẽ lên sàn ngoại rồi sau đó im hơi lặng tiếng cũng đang diễn ra ở các doanh nghiệp như Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Tập đoàn Tân Tạo (ITA), Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVF).

Gập ghềnh đường ra nước ngoài

Có nhiều trở ngại cản bước chân của doanh nghiệp trong tiến trình niêm yết trên sàn ngoại. Những trở ngại này đã được cơ quan quản lý lẫn giới chuyên gia khuyến cáo từ vài năm trước, nhưng có lẽ vì háo hức muốn xung trận mà doanh nghiệp chưa lường hết được.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từng nhắc nhở, muốn lên sàn ngoại, doanh nghiệp phải tính đến những khó khăn thường gặp. Đó là sự khác biệt về chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Trong đó, sự khác biệt lớn nhất là IAS ghi nhận giá trị tài sản theo giá trị thị trường, còn VAS lại ghi nhận theo nguyên tắc giá gốc.

Ngoài ra, khi niêm yết ở nước ngoài, các sàn giao dịch luôn đưa ra yêu cầu về vốn và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khá lớn. Chẳng hạn, muốn niêm yết ở Singapore, doanh nghiệp phải có lợi nhuận trước thuế tích lũy ít nhất 7,5 triệu SGD trong 3 năm tài chính gần nhất. Doanh nghiệp còn phải đáp ứng các quy định về quản trị công ty, kiểm soát nội bộ và công bố thông tin.

Nhưng trên hết, vật cản lớn nhất của PVF, HAG là khung pháp lý cho hoạt động niêm yết ở nước ngoài tuy có nhưng chưa đủ và thiếu các văn bản hướng dẫn. Ông Vũ Bằng thừa nhận: “Việt Nam gần như chưa có các văn bản pháp lý và tiêu chuẩn niêm yết nước ngoài, chưa có quy định về các loại giấy phép, chính sách kiểm soát ngoại hối, chuyển ngoại tệ ra vào khi phát hành cổ phiếu hoặc chi trả cổ tức và cũng chưa có quy định về tỉ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài”. Ít nhất đến tháng 7 này, khi những hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành, doanh nghiệp mới có hy vọng mở được nút thắt pháp lý cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, diễn biến sa sút của kinh tế thế giới nói chung và thị trường chứng khoán các nước nói riêng cũng buộc các doanh nghiệp phải tính toán lại. Bởi lẽ, nếu lên sàn ngoại sai thời điểm, doanh nghiệp có thể không đạt được mục đích huy động vốn và tạo dựng thương hiệu.

Trong khi đó, doanh nghiệp lại phải gánh nhiều khoản chi phí lớn, có thể lên tới cả triệu USD như chi phí tư vấn, niêm yết, thuê đơn vị kiểm toán và luật sư nước ngoài. Phải chăng vì thế mà VNM đã phải cân nhắc lại kế hoạch niêm yết?

Ngọc Thủy

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   28/03, HBC giao dịch bổ sung hơn 4 triệu cổ phiếu (22/03/2011)

>   184 triệu cổ phiếu TISCO sẽ lên sàn UPCoM ngày 24/03 (22/03/2011)

>   Dược Trung ương Mediplantex rút hồ sơ niêm yết (21/03/2011)

>   PJICO được niêm yết về nguyên tắc tại HOSE (21/03/2011)

>   23/03, giao dịch bổ sung hơn 2 triệu cổ phiếu NPS và VDL (19/03/2011)

>   24/03, giao dịch bổ sung hơn 26 triệu cổ phiếu PGS, V15 (19/03/2011)

>   Ngày 22/03, giao dịch bổ sung hơn 1 triệu cổ phiếu TAG (19/03/2011)

>   CAP: Cổ đông lớn đăng ký mua và bán 235,800 cổ phiếu (18/03/2011)

>   NT2 đăng ký niêm yết 256 triệu cp trên HNX (17/03/2011)

>   Lilama 69-3 chốt danh sách lưu ký gần 6 triệu cổ phiếu (10/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật