Người Nhật không “lùi” đầu tư vì động đất
"Theo những gì tôi quan sát được, động đất tại Nhật Bản không ảnh hưởng đến xu hướng đầu tư của NĐT Nhật Bản vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng, nếu có thì không đáng kể và chỉ trong ngắn hạn", ông Hiramoto Hiroshi, Tổng giám đốc CTCK Nhật Bản chia sẻ với ĐTCK.
Ông có thể giải thích rõ hơn nhận định trên?
Hiện chưa thể đánh giá được hết những thiệt hại của trận động đất gây ra đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, điều có thể nhận ra ngay là những thiệt hại này chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến những địa phương nằm ở các vùng trung tâm của trận động đất. Trong khi đó, những NĐT có tiềm lực tài chính mạnh và đầu tư nhiều vào nền kinh tế Việt Nam nói chung, TTCK nói riêng là các NĐT ở Tokyo và Osaka. Trên thực tế, họ gần như không bị ảnh hưởng từ trận động đất vừa rồi. Trong khi đó, TTCK Việt Nam với tư cách là một trong những thị trường mới nổi, có thể đạt tốc độ tăng trưởng nhanh trong một thời gian khá dài, đang tạo ra sức hấp dẫn mới với NĐT Nhật Bản.
Hiện tại, mối quan tâm lớn nhất của nhiều NĐT Nhật Bản là các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước như Tổng công ty Thép Việt Nam, MobiFone… diễn ra trong thời gian tới.
Vừa qua, một số CTCK đến từ Nhật Bản đã mua cổ phần của các CTCK Việt Nam như: CTCK Nikko Cordial mua cổ phần của CTCK Dầu khí, SBI Securities mua cổ phần của CTCK FPT. Thưa ông, đây có phải là một xu hướng khi chỉ còn vài tháng nữa, theo cam kết WTO, Việt Nam phải mở cửa cho CTCK 100% vốn nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam?
Tại Nhật Bản, những CTCK vừa mua cổ phần của các CTCK Việt Nam là những công ty có quy mô nhỏ. Với TTCK Việt Nam có quy mô còn nhỏ như hiện nay thì mới mang lại cơ hội đầu tư cho các CTCK nhỏ của Nhật Bản, chứ chưa tạo ra cơ hội rõ nét cho các CTCK lớn, các NĐT lớn. Bởi vậy, chưa có cơ sở đủ thuyết phục cho thấy sẽ xuất hiện làn sóng NĐT, CTCK Nhật Bản, đặc biệt là các công ty lớn đổ xô mua cổ phần CTCK Việt Nam từ nay đến trước ngày 1/1/2012, thời điểm Việt Nam phải mở cửa cho CTCK 100% vốn nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam, mặc dù có khá nhiều CTCK nhỏ của Nhật Bản tiếp tục mua cổ phần CTCK Việt Nam.
Ông vừa nói TTCK Việt Nam chưa mang lại cơ hội rõ nét cho các CTCK lớn của Nhật Bản nghĩa là sao?
Tuy đã có bước phát triển đáng kể sau hơn 10 năm, nhưng so với quy mô của các TTCK mới nổi tại các nền kinh tế có trình độ phát triển tương đương như Việt Nam, thì TTCK Việt Nam có quy mô nhỏ, nó quá "chật chội" cho các NĐT lớn tham gia. Với quy mô của TTCK Việt Nam hiện tại, các NĐT lớn nước ngoài còn khá dè chừng khi đưa ra quyết định đầu tư, bởi chỉ cần một vài "ông lớn" giao dịch là có thể đẩy TTCK vào tình trạng "bong bóng". Có lẽ quy mô của TTCK Việt Nam phải phát triển gấp 15 - 20 lần so với hiện nay thì mới tạo ra sức hút đủ mạnh để hấp dẫn các NĐT lớn của nước ngoài, trong đó có Nhật Bản tham gia.
Theo ông, TTCK Việt Nam mang lại cơ hội nào cho NĐT từ nay đến cuối năm?
Năm 2011 sẽ khá khó khăn cho TTCK Việt Nam, do bị ảnh hưởng của bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là tình trạng lạm phát cao, nên cơ hội cho NĐT không nhiều. Trong bối cảnh đó, không chỉ NĐT trong nước, mà cả NĐT nước ngoài đang trông chờ hai điểm: kinh tế vĩ mô nhanh ổn định trở lại và Bộ Tài chính, UBCK sớm triển khai các nghiệp vụ để cải thiện tính thanh khoản cho TTCK. Khi hai vấn đề mấu chốt này được cải thiện thì sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho NĐT.
Về dài hạn, để hấp dẫn NĐT, điều quan trọng nhất cần làm là nâng cao tính minh bạch cho TTCK. Bởi dưới cái nhìn của NĐT nước ngoài, đây là một trong những điểm yếu nhất của TTCK Việt Nam. Với phương thức công bố thông tin của cả cơ quan quản lý lẫn DN hiện tại, nhiều NĐT nước ngoài rất khó có thể đo lường được "sức khoẻ" của các DN. Tình trạng này xảy ra ở cả DN tư nhân lẫn DN cổ phần có nguồn gốc từ DNNN, nhưng nặng nề hơn ở loại hình DN sau.
Hữu Hòe thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|