Hấp lực từ thị trường chứng khoán Nhật
Sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư là tin vui cho một thị trường chứng khoán đã đánh mất sự hấp dẫn của mình vào tay các đối thủ đang tăng trưởng nhanh hơn trong khu vực châu Á.
Từng ngó lơ thị trường chứng khoán Nhật, nhưng nay nhiều nhà đầu tư quốc tế đang nhìn vào thị trường này với sự thích thú mới.
Nhật là một quốc gia có nợ công cao, còn nền kinh tế thì đã loạng choạng trong 2 thập kỷ nay. Vậy tại sao nhiều nhà đầu tư quốc tế lại xem thị trường chứng khoán Nhật là nơi đáng để đầu tư?
Giá ở mức hấp dẫn
“Cho đến nay, Nhật là một trong những thị trường chứng khoán rẻ nhất trên thế giới. Hiện tại, thị trường này bị bỏ lơ, nhưng có thể đây sẽ là một trong những thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới trong 5 năm tới”, nhà quản lý tài sản Charles de Vaulx thuộc công ty đầu tư Mỹ International Value Advisers, nhận định.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE), trong tuần kết thúc vào ngày 11.2.2011, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng các chứng khoán Nhật trong tuần thứ 15 liên tiếp. Đây là thời gian mua ròng kéo dài nhất kể từ năm 2005.
Một nét hấp dẫn khác của thị trường chứng khoán Nhật là giá chứng khoán đang ở mức cực kỳ thấp. Mặc dù chỉ số Nikkei gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong gần 10 tháng qua, nhưng nó vẫn thấp hơn 2/3 so với mức đỉnh trước thời điểm bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán xì hơi vào năm 1990.
Giá cổ phiếu trên sàn Tokyo cũng thấp hơn 20% so với các mức được thiết lập trước khi cuộc khủng hoảng bùng nổ năm 2008. Giá cả giảm sút đến nỗi tính đến cuối tháng 12.2010, gần 2/3 trong số 1.700 công ty lớn niêm yết trên sàn Tokyo có hệ số P/B (giá thị trường/giá ghi sổ) dưới 1. Điều đó có nghĩa là nếu những công ty trên bị phá sản hay phải bán đi một số bộ phận thì nhà đầu tư sẽ thu về khoản tiền cao hơn giá trị thị trường của công ty đó.
Có thể thấy, mặc dù lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật chưa phải là cao, nhưng tổng lãi ròng tại các công ty niêm yết của Nhật đã tăng hơn gấp đôi trong năm tài chính này.
Nhiều công ty Nhật cũng đã cố gắng thay đổi để xoa dịu những than phiền lâu nay của nhà đầu tư cho rằng họ nắm giữ quá nhiều tiền mặt, thay vì đầu tư số tiền đó hoặc trả chúng lại cho cổ đông. Một số công ty đã chọn cách tăng cổ tức. Những công ty khác, trong đó có Japan Tobacco và nhà sản xuất chất bán dẫn Rohm, đã tuyên bố mua lại cổ phiếu quỹ trong những tháng gần đây. Động thái này giúp làm tăng giá cổ phiếu của họ trên thị trường.
Tất nhiên, điều quan trọng khi đầu tư vào chứng khoán Nhật vẫn là phải hiểu rõ tình hình hoạt động của công ty mà mình rót vốn. Thay vì chỉ chăm bẵm vào những tập đoàn toàn cầu đã quá nổi tiếng như Toyota và Sony, các nhà đầu tư đang nhắm đến những công ty quy mô vừa và nhỏ có cổ phiếu đang giao dịch ở mức thấp so với tiềm năng.
Chẳng hạn, International Value Advisers đã đầu tư vào những công ty tương đối mờ nhạt như Kanamoto, chuyên cho thuê các vật liệu xây dựng và Milbon, chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc tóc.
Đầu tháng 2.2011, Governance for Owners (Anh) và Tokio Marine Asset Management (Nhật) cho biết sẽ cùng thành lập một quỹ để đầu tư 100 tỉ yên (1,2 tỉ USD) vào các công ty Nhật quy mô vừa và nhỏ có tiềm năng nhưng hoạt động kém hiệu quả và sẽ tiến hành những thay đổi cần thiết như về quản lý để đưa công ty sinh lợi trở lại.
Các nhà đầu tư trong nước cũng bắt đầu ngắm nghía cổ phiếu của những công ty tiềm năng nhưng bị định giá thấp. Vào cuối tháng 1.2011, Nomura Asset Management đã thành lập Undervalued Japan Stocks Investment Trust, một quỹ chuyên đầu tư vào các cổ phiếu tiềm năng nhưng bị định giá thấp. Quỹ này đã thu hút được 73 tỉ yên (878 triệu USD) vốn đầu tư.
Tiềm năng trong dài hạn
Nhà đầu tư có nhiều lý do để hoài nghi vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Nhật. Đó là những vấn đề như nợ chính phủ cao và dân số đang già đi. Cũng có những công ty lớn của Nhật có mức sinh lợi không đáng kể. Chẳng hạn, tính trung bình trong 5 năm qua, Sony có hệ số thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ 3% trong khi đối thủ Hàn Quốc Samsung Electronics đã vượt qua con số 13%.
Tuy nhiên, một điều rõ ràng là “các nhà đầu tư nước ngoài trước đây không thèm liếc mắt nhìn qua chứng khoán Nhật thì nay họ lại quan tâm đến thị trường này”, Junya Naruse, chiến lược gia trưởng tại Viện Nghiên cứu Daiwa (Nhật), nhận định.
Thứ nhất, đà phục hồi kinh tế đang gia tăng tại Mỹ khiến cho triển vọng của nền kinh tế Nhật, vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, trở nên sáng sủa hơn. Cùng lúc đó, những vấn đề nhức nhối tại khu vực Trung Đông, giá cả lương thực tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa tại các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh như Trung Quốc khiến các nhà đầu tư quốc tế phải xem xét lại các quyết định rót vốn vào các thị trường mới nổi.
Hơn nữa, với việc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật, chứng khoán của các công ty xuất khẩu Nhật dường như là phương án ít rủi ro hơn để đầu tư vào tốc độ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc.
Sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư là tin vui cho một thị trường chứng khoán đã đánh mất sự hấp dẫn của mình vào tay các đối thủ đang tăng trưởng nhanh hơn ở châu Á. Xét về tính thanh khoản cổ phiếu, sàn Tokyo đã đánh mất vị trí là sàn giao dịch hàng đầu châu Á vào tay sàn chứng khoán Thượng Hải trong năm 2009, mặc dù Tokyo vẫn là thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á về mức vốn hóa.
Tuy nhiên, ngoài những mối lo như đã nói ở trên, một số sự kiện sắp tới có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Chính phủ Nhật đã cam kết, vào tháng 6 tới, sẽ cho biết quyết định của mình trong việc tham gia vào các vòng đàm phán để thành lập một khu vực thương mại tự do liên Thái Bình Dương. Nếu khu vực này được thành lập, các công ty xuất khẩu Nhật sẽ có cơ hội tốt hơn để bành trướng ra các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, điều này đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nông dân trong nước do lo sợ các chính sách bảo hộ ngành nông nghiệp của Chính phủ sẽ mất đi và hàng hóa của họ sẽ bị hàng ngoại nhập cạnh tranh.
Chính phủ Nhật cũng dự kiến sẽ vạch ra những bước đi cụ thể để tăng thuế tiêu thụ. Nếu mức thuế này được thực thi kém, nó có thể sẽ tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế của nước này.
“Sự hứng thú của nhà đầu tư đối với chứng khoán Nhật sẽ còn tiếp tục cho đến tháng 6.2011 và sau đó thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mới. Nhà đầu tư có thể sẽ mất niềm tin vào Nhật một lần nữa nếu tình hình diễn biến xấu đi”, ông Naruse, thuộc Daiwa, nhận định.
Đàm Hoa (Theo New York Times)
Nhịp cầu đầu tư
|