Giao dịch trực tuyến: Chữ ký số cũng “bút sa gà chết”
Nhằm tăng cơ sở xác định quyền và trách nhiệm của các bên khi giao dịch chứng khoán trực tuyến, tích hợp chữ ký số trong giao dịch trực tuyến đang được các nhà đầu tư đề nghị áp dụng.
Ông Bùi Việt Hùng, Phụ trách Công nghệ thông tin thuộc Công ty Chứng khoán Sao Việt đặt giả thiết nhưng rất thực là, nếu nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch trực tuyến, nhưng sau đó bác bỏ rằng, họ chưa từng đặt lệnh bao giờ, thì tranh chấp sẽ giải quyết thế nào?
Đây không chỉ là vấn đề của phía công ty chứng khoán. Tại Hội thảo “Các ứng dụng và giải pháp chữ ký số cho các tổ chức tài chính” do Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) phối hợp với Công ty Mildot tổ chức cuối tuần trước, nhiều nhà đầu tư đặt ngược lo ngại về trách nhiệm của các công ty chứng khoán khi họ có thể cũng bị “lật mặt”. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một số nhà đầu tư thừa nhận khá mơ hồ về quyền lợi nếu có gì đó “trục trặc” ở khâu trung gian.
Giải đáp thắc mắc này của ông Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng VDCOnlines cho biết, những “trục trặc” giữa các bên tham gia sử dụng dịch vụ có thể được trả lời bằng thông tin từ bên cung cấp dịch vụ. Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm trả lời rằng, giao dịch chứng khoán đó có hay không, có thành công hay không và trách nhiệm của các bên liên quan đến giao dịch thế nào.
Đặc biệt, các nhà đầu tư rất lo ngại về trách nhiệm của công ty chứng khoán đối với mình và cho rằng, công ty chứng khoán cần phải nghiên cứu tích hợp chữ ký số vào các ứng dụng sẵn có như chứng khoán online để chắc chắn rằng, mọi giao dịch online cũng đều phải “bút sa, gà chết”.
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Luật, chuyên gia về chữ ký số thuộc VDC cho rằng, việc ứng dụng này không hề đơn giản, vì ngoài nền tảng công nghệ, tổ chức cung cấp dịch vụ phải nắm rõ quy trình hoạt động, đặc thù công nghệ, các giới hạn kỹ thuật… của ứng dụng. Điều này có nghĩa là các công ty chứng khoán phải đầu tư cả công nghệ và đào tạo cán bộ để các quy trình được tuân thủ đúng, đảm bảo tính toàn vẹn, không thể thay đổi, sửa chữa của các giao dịch. Ví dụ, khi nhà đầu tư đặt lệnh mua 200 cổ phiếu, nó phải được giữ toàn vẹn, chứ không thể vì một lý do nào đó, lệnh mua 200 lại bị “biến dạng” thành 300 hoặc 100.
Ngoài ra, ông Luật cho biết, một tính chất nữa của chữ ký số là tính không thể chối bỏ. Điều này có nghĩa rằng, lệnh đã chuyển vào hệ thống có tính pháp lý tương tự như phiếu đặt lệnh tại sàn và nhà đầu tư không được phép chối bỏ trách nhiệm của mình.
Như vậy, trong một số trường hợp mà khách hàng cho người khác mượn thiết bị bảo mật (tolken), tự họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu người mượn tolken thực hiện các giao dịch ngoài ý muốn của chủ tolken.
Ngoài ra, một băn khoăn khác được đặt ra là giải pháp hoà hợp giữa hệ thống giao dịch chứng khoán và các dịch vụ trực tuyến khác như Internet Banking, mua bán hàng trực tuyến, kê khai thuế… Ông Hoàng Đình Trung, Phụ trách Công nghệ thông tin thuộc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đặt câu hỏi, nhà đầu tư vừa giao dịch chứng khoán trực tuyến, vừa sử dụng các dịch vụ trực tuyến của nhiều công ty khác thì sẽ phải có một “nắm” tolken (mỗi cái dùng cho 1 việc)?
Giáp đáp, ông Luật cho biết, 1 thiết bị tolken có thể lưu trữ được nhiều hệ thống chứng từ số. Do đó, 1 nhà đầu tư có thể dùng chung 1 tolken cho nhiều nhu cầu khác nhau.
Chí Tín
đầu tư
|