Đã tới lúc thế giới cân nhắc lại điện hạt nhân?
18h10 ngày 15/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra lệnh đóng cửa ngay lập tức 7 lò phản ứng được đưa vào hoạt động từ cuối năm 1980. Lệnh đóng cửa này sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng. "Chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát an toàn tất cả các nhà máy điện hạt nhân", bà Merkel cho hay.
Như vậy, Đức là quốc gia đầu tiên ở châu Âu ngưng hoạt động tại một số lò phản ứng hạt nhân, sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật phát nổ lần thứ 4 trong 4 ngày qua. Với việc đóng cửa 7 lò này, Đức sẽ phải thúc đẩy tìm kiếm năng lượng thay thế, như điện gió, điện mặt trời.
Thế giới hoang mang
Cũng trong ngày, Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sỹ, bà Doris Leuthard, đã tuyên bố nước này sẽ hoãn kế hoạch xây dựng và thay thế các nhà máy điện hạt nhân, để đánh giá lại độ an toàn của các lò này. Bà cho biết, hiện không nhà máy nào được phép xây mới cho đến khi các chuyên gia xem xét xong tiêu chuẩn an toàn và thông báo chi tiết.
Mặc dù khẳng định Nga sẽ không xem xét lại kế hoạch xây dựng các lò phản ứng hạt nhân, nhưng theo đại diện Chính phủ Nga, nước này sẽ tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện, sau khi chứng kiến những gì đã và đang diễn ra tại xứ sở hoa anh đào. Đến hơn 5h chiều nay, Thủ tướng Nga Putin đã ra lệnh tiến hành khảo sát các lò phản ứng hạt nhân ở Nga.
Trước đó một ngày, hôm 14/3, Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về các biện pháp an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực. Bộ trưởng Bộ Môi trường Áo tuyên bố, "người dân châu Âu đều muốn các chuyên gia xem xét lại độ an toàn của những nhà máy điện hạt nhân, chứng minh khả năng những nhà máy này chống chọi với động đất...".
Còn Bộ trưởng Bộ Môi trường Slovakia Jozsef Nagy thì cho rằng, “tôi không coi điện hạt nhân là thứ năng lượng quan trọng. An toàn mới là điều trên hết. Chúng ta có thể nghiên cứu tìm ra công nghệ năng lượng khác để thay thế, có thể mạnh hơn và tự nhiên hơn”.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Berlin, Thủ tướng Đức nhận xét, "nếu một nước phát triển cao như Nhật Bản với tiêu chuẩn an toàn khắt khe không thể ngăn chặn các hậu quả của điện hạt nhân trong động đất và sóng thần, thì điều này sẽ để lại hậu quả cho cả thế giới".
Tại châu Á, hôm 14/3, Thái Lan đã có những động thái mang tính phòng ngừa đối với các dự án hạt nhân mà nước này đang có kế hoạch triển khai. Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã yêu cầu Bộ Năng lượng nước này cân nhắc lại kế hoạch xây dựng 5 nhà máy điện hạt nhân phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Cụ thể, Bộ Năng lượng Thái Lan đã được hướng dẫn phải tiến hành nghiên cứu 2 vấn đề lớn đối với ngành hạt nhân là các biện pháp ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp và việc liệu các nhà máy điện nguyên tử của Thái Lan sau khi được xây dựng xong có thể trở thành các mục tiêu khủng bố hay không.
“Về cá nhân, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva không ủng hộ các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Lo ngại của ông ấy là bài học mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Liệu Thái Lan có thể xử lý được như trường hợp của Nhật Bản hay không, khi mà với công nghệ cao nhất người Nhật vẫn không thể khôi phục được hệ thống làm lạnh của nhà máy bị sự cố”, phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan tuyên bố.
Tại Philippines, phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino là Abigail Valte hôm 14/3 cho rằng, hiện không phải là lúc để bàn về tính khả thi của điện nguyên tử. "Lúc này, tốt hơn hết là tập trung tìm hiểu các nguồn nhiên liệu thay thế khác ít gây tranh cãi hơn", nhân vật này tuyên bố.
Cựu nghị sĩ và là doanh nhân có thế lực của Philippines Mark Cojuangco, anh em họ của Tổng thống Aquino, người từng hết lòng ủng hộ điện hạt nhân thì bình luận: "Với các sự kiện ở Fukushima, tôi muốn nói rằng đây là thời điểm để toàn bộ ngành năng lượng hạt nhân thế giới thanh kiểm tra".
Ở Việt Nam, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã yêu cầu Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội đo mức độ phóng xạ trong môi trường tại các trạm mà hai đơn vị này quản lý. Kết quả đo đạc, khảo sát được công bố hôm qua cho thấy, không có bất kỳ một sự cố bất thường nào về phóng xạ tại hai trạm nói trên.
Tuy nhiên, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục theo dõi thông tin, phối hợp với Nhật Bản và các nước để có được các thông tin đầy đủ hơn phục vụ cho nghiên cứu về sự cố này, và rút ra bài học kinh nghiệm.
Dự kiến, vào 10h30 sáng mai (16/3), Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có cuộc gặp gỡ báo chí trong nước để lên tiếng về các vấn đề dư luận quan tâm sau sự cố hạt nhân ở Nhật Bản. Nhiều ý kiến dư luận băn khoăn sự cố tương tự có thể xảy ra với nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sắp xây dựng tại Việt Nam.
Trong khi đó, một số quốc gia có lượng tiêu thụ năng lượng lớn như Ấn Độ, Trung Quốc... được cho là sẽ không thay đổi kế hoạch điện hạt nhân của họ. "Tôi không nghĩ các nước đã khai thác điện hạt nhân có kế hoạch thay đổi đường lối. Do vậy, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục phát triển điện hạt nhân", chuyên gia Benjamin Sovacool thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Ấn Độ đang có kế hoạch nâng sản lượng điện hạt nhân lên 25% năng lượng cung cấp cho nước này vào năm 2050, so với mức 2,5% hiện nay. Tương tự, Trung Quốc cũng có hơn 25 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng và 50 nhà máy khác trong giai đoạn lập kế hoạch. Nước này dự tính sẽ nâng sản lượng điện hạt nhân lên gấp 10 lần hiện nay vào năm 2050.
Thế giới hiện có tổng cộng 442 lò phản ứng hạt nhân. Những lò này cung cấp 15% nhu cầu điện năng trên toàn cầu. Theo báo cáo của Hiệp hội Hạt nhân thế giới, châu Á dẫn đầu thế giới về phát triển hạt nhân trong những năm gần đây, 40/62 lò phản ứng đang được xây dựng trên thế giới thuộc về các quốc gia châu Á.
"Không có Chernobyl thứ hai"
Lúc 17h47 chiều 15/3, Tổ chức Khí tượng Thế giới loan báo, phóng xạ ở Nhật sẽ không liên lụy nhiều đến cuộc sống nội địa của nước này cũng như các quốc gia khác ven Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bà Maryam Gonaghari, người phát ngôn của tổ chức này lưu ý, không thể nói điều gì sẽ xảy ra trong hai, ba ngày tới.
Theo Andre-Claude Lacoste, người đứng đầu Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp (ASN), vỏ bê-tông bao quanh lò phản ứng số 2 tại nhà máy Fukushima, được thiết kế để chứa bụi phóng xạ, đã "không còn kín". Ông đánh giá, sự cố tại nhà máy này hiện đã ở mức 6 trong thang 7 bậc về đánh giá mức độ nghiêm trọng của các sự cố hạt nhân do quốc tế quy định.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết, hệ thống làm mát tại lò phản ứng số 5 và số 6 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 dường như không hoạt động bình thường. Theo ông Edano, nhiệt độ tại hai lò phản ứng số này đã tăng nhẹ.
Cùng ngày, theo chính quyền thành phố Tokyo, nồng độ phóng xạ tại đây đã cao hơn mức bình thường rất nhiều lần, song "chưa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe". Trong khi, nồng độ phóng xạ tại các phòng điểu khiển của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã quá cao.
Hôm 14/3, phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổng giám đốc Yukiya Amano cho biết rất ít khả năng khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1 của Nhật Bản sẽ trở thành một thảm họa như Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Theo Tổng giám đốc IAEA, hai nhà máy Chernobyl và Fukushima có thiết kế và kết cấu khác nhau, các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima có vỏ bọc bên ngoài. Hơn nữa, các lò phản ứng tại Fukushima đã tự động ngừng hoạt động khi xảy động đất, do đó "không xảy ra phản ứng dây chuyền".
Ông Amano nhấn mạnh, sự cố tại Fukushima không phải do lỗi thiết kế hay sơ suất của con người mà do "hậu quả thiên tai ngoài sức tưởng tượng". Cùng ngày, Tổng giám đốc trung tâm Chernobyl về các vấn đề an toàn hạt nhân, chất thải phóng xạ và sinh thái phóng xạ của Ukraine, ông Mikhail Bondarkov cũng đã loại trừ khả năng tái diễn thảm họa Chernobyl ở Nhật Bản.
Tính đến nay, 91 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 6 tổ chức quốc tế đã đề nghị được trợ giúp Nhật Bản trong công cuộc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Chính phủ Nhật Bản đã đón tiếp và triển khai đến 11 thành phố bị thiên tai các đội cứu hộ quốc tế gồm Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Đức, Mexico, New Zealand, Trung Quốc, Hungary, Singapore và Anh.
Theo thống kê chính thức của Cục Cảnh sát quốc gia Nhật, tính tới hôm nay (15/3), đã có 2.411 người chết, 3.118 người mất tích và 1.885 người bị thương. Khoảng 15.000 người đã được cứu thoát và 450.000 người phải sống ở nơi tạm hoặc với người thân trên toàn khu vực.
Trong bối cảnh con số tử vong tăng cao do thêm hàng nghìn thi thể nữa được tìm thấy, nhiều người cho rằng, dự đoán 10.000 người thiệt mạng có thể là quá thấp.
Hiện hàng triệu người vẫn tiếp tục chịu cảnh mất điện, mất nước, thiếu thực phẩm còn các bệnh viện hết thuốc. Hajime Sato, một quan chức chính phủ ở Iwate, cho biết, các nhà chức trách chỉ nhận được 10% số thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cần có. Số lượng túi đựng xác và quan tài sắp hết và chính phủ có thể sẽ phải kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp.
Hồng Ngọc
TBKTVN
|