Chứng khoán Mỹ tuần 21-25/03: Biến động theo tình hình Trung Đông, Bắc Phi và Nhật Bản
(Vietstock) - Một số biến cố lớn như cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản, các cuộc nổi dậy tại Trung Đông và Bắc Phi cũng như khả năng can thiệp tiền tệ xa hơn nữa sẽ khiến nhà đầu tư tiếp tục phản ứng trước các tin tức mới.
* Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần 21-25/03
|
Phản ứng của chứng khoán Mỹ trước các thảm họa qua các năm qua là khác nhau. Nguồn CNN Money |
“Hiện nay thị trường hoàn toàn bị điều khiển bởi tin tức. Nhà đầu tư đang rất thận trọng và có phản ứng với từng thông tin nhận được”, nhận định của ông Randy Frederick - Giám đốc bộ phận giao dịch các sản phẩm phái sinh của Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab tại Texas, Austin.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng sự xuất hiện đột ngột và dồn dập của các bất ổn đã khiến giao dịch được thực hiện dựa vào cảm xúc chứ không phải các yếu tố cơ bản.
“Nhìn lại diễn biến của thị trường thời gian qua, tôi sẽ không bất ngờ nếu vào tuần tới chỉ số S&P 500 tăng hay giảm từ 1-1.5% trong chỉ vài tiếng đồng hồ”, ông Ryan Detrick - chuyên viên phân tích kỹ thuật cấp cao của Tổ chức Nghiên cứu Đầu tư Schaeffer's tại Cincinnati, Ohio cho biết.
Sự biến động mạnh của thị trường trong phiên giao dịch hôm thứ Tư đã khiến S&P 500 mất sạch thành quả đạt được trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ số này đã nhanh chóng phục hồi hơn 1% trong phiên giao dịch kế tiếp.
Wall Street sợ hãi đến đâu?
Chỉ số đo lường trạng thái biến động Wall Street VIX, đồng thời là thước đo sự sợ hãi của Wall Street, bay vọt gần 30% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư khi thị trường giảm điểm mạnh do nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản.
Chỉ trong 3 ngày, VIX tăng vọt tới 60% và vượt đường trung bình 50 ngày. Được biết, điều này chỉ diễn ra vài lần trong vòng 20 năm qua.
Dù tính cả tuần qua, VIX chỉ tiến 21% nhưng nhà đầu tư tin tưởng chỉ số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tuần tới. Theo các nhà phân tích hợp đồng quyền chọn của Trade Alert, các lệnh đặt mua cao hơn gấp đôi so với các lệnh đặt bán trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Theo đó, có khoảng 232,000 lệnh mua và 111,000 lệnh bán dù cả hai số liệu này đều thấp hơn so với khối lượng bình quân hàng ngày.
VIX thường diễn biến đối lập với S&P 500 và khối lượng đặt mua cao cho thấy dự báo thị trường sẽ biến động hơn trong tương lai.
Chiến lược gia đầu tư Russ Koesterich của BlackRock Inc, người quản lý hơn 3.56 ngàn tỷ USD, cho rằng: “Điều khiến mọi người khó dự báo chính là các vấn đề nằm ngoài chuyên môn của thị trường”.
Ông nói: “Rất khó để dự báo về mức độ nghiêm trọng của tình hình tại Nhật Bản và Trung Đông. Và điều này đang làm gia tăng rủi ro điều chỉnh”.
Một số thành phần tham gia thị trường thậm chí còn cho rằng bất ổn còn ghê gớm hơn so với “vụ sụp đổ chóng vánh” vào tháng 5/2010 hay cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Wall Street mang sắc xanh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu nhưng tính cả tuần, Dow Jones rớt 1.5% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2010. Trong khi đó, S&P 500 hạ 1.9% và Nasdaq trượt 2.6%.
GDP quý 4 sẽ khả quan hơn dự báo
Bên cạnh các diễn biến mới từ Nhật Bản, Trung Đông và Bắc Phi, tuần tới các thị trường sẽ tiếp nhận rất nhiều báo cáo quan trọng như doanh số bán nhà đã qua sử dụng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4, số đơn đặt hàng lâu bền.
Cụ thể, vào ngày thứ Sáu (25/03), Mỹ sẽ công bố GDP quý 4 (số liệu lần cuối). Theo dự báo của các nhà kinh tế, GDP quý 4 tăng trưởng 3%, khả quan hơn so với ước tính sơ bộ được công bố trong tháng trước là 2.8%.
Tuy nhiên, các thông tin này cũng chỉ có tác động thứ yếu đến phản ứng của nhà đầu tư và sẽ nhường chỗ cho các thông tin mới.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters)
|