Trung Quốc muốn xây đường sắt thay thế kênh đào Panama
Trung Quốc đang đàm phán để xây dựng một tuyến đường sắt nối giữa bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Columbia
Trung Quốc đang tiến hành đàm phán để xây dựng một tuyến đường sắt nối giữa bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Columbia, thay cho kênh đào Panama. Các quan chức của Columbia hy vọng, dự án này sẽ thúc đẩy Quốc hội Mỹ phải nhanh phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do giữa hai bên.
“Tuyến đường này là một đề xuất có thật… và hai bên đã đạt được một số bước tiến. Các nghiên cứu của Trung Quốc về chi phí vận chuyện mỗi tấn hàng hay chi phí đầu tư đều khả thi cả”, Tổng thống Columbia, ông Juan Manuael Santos, tiết lộ với phóng viên tờ Financial Times.
Tờ báo này bình luận, dự án về tuyến đường sắt như một lựa chọn thay thế cho kênh đào Panama là ví dụ mới nhất về việc Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ hoạt động cho vay các nước đang phát triển. Mới đây, Financial Times đã thu thập được số liệu cho thấy, trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc vượt Ngân hàng Thế giới (WB) về cho vay các nước đang phát triển.
Tổng thống Santos cho biết, tuyến đường sắt dài 220 km thay cho kênh Panama sẽ chạy từ bờ biển Thái Bình Dương của Columbia tới một thành phố mới gần Cartagena, nơi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được lắp ráp để tái xuất khẩu tại thị trường châu Mỹ. Nguyên vật liệu thô thu mua được tại Columbia cũng theo tuyến đường này để đi về Trung Quốc.
“Tôi không muốn tạo ra những kỳ vọng thái quá, nhưng dự án này sẽ có nhiều ý nghĩa. Châu Á đang là động lực mới của nền kinh tế thế giới”, Tổng thống Santos phát biểu.
Từ lâu, Columbia đã muốn xây dựng một tuyến đường thay thế kênh đào Panama. Nước này là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực Nam Mỹ, nhưng một thỏa thuận thương mại tự do mà Washington và Bogotá ký cách đây 4 năm tới giờ vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Trong khi đó, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Columbia đã tăng mạnh từ mức 10 triệu USD vào năm 1980 lên hơn 5 tỷ USD vào năm 2010, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Columbia sau Mỹ.
“Columbia có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Chúng tôi xem nước này như một cửa ngõ để tiến vào khu vực Mỹ Latin”, ông Gao Zhengyue, Đại sứ Trung Quốc tại Columbia, cho hay.
Trong những tài liệu mà Financial Times thu thập được, dự án đường sắt thay thế kênh Panama mới chỉ là một trong hàng loạt những đề xuất mà phía Trung Quốc đưa ra nhằm tăng cường kết nối giao thông giữa khu vực này với châu Á và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém của Columbia. Những đề xuất này đều nhằm vào ưu tiên chính sách của chính quyền Tổng thống Santos.
Theo các quan chức Trung Quốc và Columbia, hai bên đã đạt được nhiều bước tiến hơn cả trong các cuộc đàm phán về một dự án đường sắt dài 791 km và mở rộng cảng Buenaventura bên bờ Thái Bình Dương.
Dự án này trị giá 7,6 tỷ USD, do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cấp vốn và do tập đoàn China Railway Group vận hành, có thể vận chuyển 40 triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ khu vực trung tâm kinh tế của Columbia tới Thái Bình Dương. Trong đó, mặt hàng được ưu tiên vận chuyển là than để đưa sang Trung Quốc.
Columbia là nước sản xuất than lớn thứ 5 thế giới, nhưng phần lớn lượng than xuất khẩu của nước này đi qua các cảng biển bên bờ Đại Tây Dương, cho dù nhu cầu than đang tăng mạnh hơn cả ở khu vực Thái Bình Dương.
An Huy
TBKTVN
|