Trung Quốc hạn hán nghiêm trọng nhất 60 năm
Trung Quốc đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất 60 năm qua, và Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) lo ngại diễn biến này có thể đẩy giá lúa gạo thế giới tăng cao.
Theo Tân hoa xã, mùa mưa vừa qua, nhiều vùng nông nghiệp chính của Trung Quốc chỉ nhận được một lượng mưa rất ít, dẫn đến nhiều nơi bị khô hạn. Riêng tỉnh Sơn Đông (miền đông Trung Quốc), một trong những "vựa lúa" chủ yếu của cả nước, hạn hán được đánh giá là tồi tệ nhất 200 năm qua: từ tháng 9 năm ngoái, tỉnh này chỉ nhận được lượng mưa 12mm, tức chỉ bằng 15% so với bình thường.
Mặc dù chính quyền địa phương đã huy động hơn 4.000 trạm bơm nước, tình hình vẫn hết sức tồi tệ: hơn 1/2 trong số 4 triệu hecta đất trồng lúa mì bị khô nẻ không thể trồng trọt.
Tình hình tại tỉnh Hà Nam (miền trung Trung Quốc) cũng không khá hơn khi lượng mưa ở đây xuống thấp nhất trong 60 năm qua. Khoảng 1,4 triệu hecta đất trồng đang chờ được tiếp nước.
Tại nhiều nơi ở tỉnh Hà Bắc, suốt 5 tháng qua không có một trận mưa nào. Không có nước, người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước giếng. Nhưng nước giếng cũng đang cạn dần và không còn sạch. "Nước không thể uống được, chỉ có thể dùng để giặt giũ", một người dân nói. Và để có nước sinh hoạt, họ buộc phải đi lấy nước ở cách đó nhiều km.
Hạn hán thậm chí tấn công cả những nơi vốn có khí hậu ẩm ướt, chẳng hạn phía bắc tỉnh Giang Tô, theo Tân hoa xã.
Hãng tin ABC (Úc) ngày 9-2 cho biết tình hình này khiến Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc lo ngại. Họ nhận định nếu không có mưa trong vài tháng tới, vụ lúa mì của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đó, nước này sẽ phải nhập khẩu thêm lúa gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước, và điều này sẽ gây áp lực lên giá lương thực thế giới - hiện đã ở mức khá cao.
Tường Vy
Tuổi Trẻ
|