Liệu thép và xi măng có tăng giá?
Giá điện tăng sẽ khiến chi phí của các ngành sản xuất tăng thêm. Tuy nhiên, không phải cứ giá đầu vào tăng thì giá bán cũng tăng theo. Tiếp xúc với phóng viên báo Tin Tức, Hiệp hội thép và xi măng cam kết sẽ tìm giải pháp để hạn chế việc tăng giá bán.
Tiết giảm chi phí để không phải tăng giá
Ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh Văn phòng Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, giá điện đã được điều chỉnh tăng 15,28% và làm cho đầu vào của xi măng tăng 15.000 đồng/tấn (tiêu thụ 100 kWh/tấn xi măng). Nhưng không một thành viên nào trong hiệp hội có ý kiến về việc tăng giá xi măng do giá điện tăng.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà máy xi măng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như lãi suất vay vốn cao, các nguyên liệu đầu vào tăng giá... nhưng các nhà máy đều đồng thuận, cố gắng tiết giảm các chi phí, nâng cao năng suất, sản lượng nhằm bù đắp cho sự sụt giảm về lợi nhuận.
Hiệp hội xi măng cho rằng, việc tăng giá điện là phù hợp để ngành điện đảm bảo tái đầu tư, cung cấp đủ điện cho sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, mức tăng cần được nghiên cứu kỹ, có lộ trình để không tác động quá lớn đến thị trường hàng hóa, đảm bảo hài hòa ba lợi ích: Lợi nhuận của doanh nghiệp - thu nhập của người lao động và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Ông Điệp cho biết, từ năm 2011, các thành viên trong hiệp hội sẽ đầu tư mạnh cho việc cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt là chương trình đầu tư tận thu khí thải, nhiệt thừa để sản xuất điện, tái phục vụ quá trình sản xuất. Ước sản lượng điện sản xuất được từ nhiệt thừa trong quá trình sản xuất xi măng sẽ đáp ứng từ 25 - 30% điện tiêu thụ của mỗi nhà máy. Hiện nay đã có 2 nhà máy đầu tư sản xuất điện từ nhiệt, khí thải thành công là Nhà máy xi măng Hà Tiên 2 và Nhà máy xi măng Công Thanh.
Giá thép sẽ không tăng vì giá điện tăng
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, với việc giá điện tăng 15,28%, đầu vào của giá thép chỉ bị tăng khoảng 6 - 8%.
Theo tính toán của VSA, tiêu thụ điện trong quá trình sản xuất thép khoảng 700 kWh/tấn (với giá 1.200 đồng/kWh), tiền điện cho sản xuất mất khoảng hơn 840.000 đồng/tấn. Nay điện tăng giá 15,28% thì chi phí thêm khoảng 120.000 đồng/tấn. Với giá thép hiện nay (thép cuộn 16,6 - 16,8 triệu đồng/tấn; thép cây là 16,7 - 17 triệu đồng/tấn - chưa thuế VAT) thì chi phí tiền điện thêm 120.000 đồng/tấn là không đáng kể. Do đó, giá thép sẽ không tăng vì giá điện.
Theo ông Cường, diễn biến của thị trường thép tháng 3 không dễ nhận định. Thuận lợi là giá phôi trên thị trường thế giới đã chững, đang ở mức 650 - 680 USD/tấn và thép phế là 410 - 450 USD/tấn. Điều này khiến giá thép không bị áp lực tăng từ nguồn. Nhưng các yếu tố tác động vào giá thành thép ở trong nước lại khó lường, lãi suất vay vốn cao, than, xăng dầu có khả năng tăng giá.
Tuy nhiên, VSA nhận định, giá thép tháng 3 ít có khả năng tăng vì hai yếu tố: Thứ nhất là thị trường khó chấp nhận dù tăng do chi phí thật. Thứ hai là giá thép trong nước đang cao hơn từ 600.000- 700.000 đồng/tấn so với giá thép trong khu vực. Nếu các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước tăng giá, thép ngoại sẽ tràn vào chiếm thị phần.
Nhóm PV KT - XH thực hiện
Báo tin tức
|