Sản xuất Trung Quốc giảm tốc do lãi suất tăng
(Vietstock) – Lần đầu tiên trong 5 tháng, sản xuất Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 12 do các biện pháp thắt chặt tiền tệ và các mục tiêu kiểm soát ô nhiễm cũng như tiết kiệm năng lượng của Chính phủ.
* Trung Quốc: PMI tháng 12 suy giảm lần đầu tiên trong 5 tháng
Theo số liệu được Liên đoàn Hậu cần và Thu mua Trung Quốc công bố ngày 01/01/2011, chỉ số quản lý sức mua (PMI) giảm từ 55.2 điểm trong tháng 11 xuống 53.9 điểm, thấp hơn dự báo 55 điểm của các nhà kinh tế.
Chỉ số chi phí nguyên liệu đầu vào của các nhà sản xuất cũng giảm 6.8 điểm xuống 66.7 điểm sau khi tăng vọt trong tháng 11 lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.
Dù số liệu sản xuất được công bố trong ngày hôm nay là mức thấp nhất trong quý 4 nhưng vẫn cao hơn so với các tháng trong quý 2.
Theo Liên đoàn Hậu cần và Thu mua Trung Quốc, số liệu này cũng phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong việc hạn chế đà leo thang của giá tài sản và điều chỉnh mô hình tăng trưởng, đồng thời cho thấy nền kinh tế vẫn còn động lực phát triển. Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang lan rộng từ thực phẩm tới các nguyên vật liệu thô và năng lượng. Điều này có thể bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của lĩnh vực xuất khẩu.
Một chỉ số sản xuất khác được HSBC công bố hôm 30/12 cũng giảm lần đầu tiên trong 5 tháng.
Hiện Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang tìm cách hạ thấp tỷ lệ lạm phát hiện đang đứng ở mức cao 28 tháng và ngăn chặn bong bóng tài sản mà không tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Ngày 31/12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Châu Tiểu Xuyên cam kết nỗ lực bình ổn giá trong năm 2011 sau khi nâng lãi suất cơ bản lần thứ hai trong năm nay vào đúng dịp lễ Giáng sinh.
Ông Ken Peng, nhà kinh tế của Citigroup tại Bắc Kinh nhận định: “Nâng lãi suất là điều tốt để giảm áp lực lạm phát. Tôi không nhận thấy nguy cơ suy giảm mạnh của nền kinh tế”.
Được biết, bên cạnh 2 lần nâng lãi suất, PBOC còn yêu cầu các ngân hàng nâng dự trữ bắt buộc 6 lần trong năm 2010 và cho phép đồng Nhân dân tệ tăng 3.6% so với đồng USD.
Các chính sách thắt chặt đã khiến Shanghai Composite giảm 15% trong năm qua và là một trong những chỉ số giảm điểm mạnh nhất thế giới sau khi nhảy vọt tới 80% trong năm 2009.
Phạm Thị Phước (Theo Bloomberg)
|