Năm 2011 cần tạo đột phá trong hoạt động cổ phần hoá DNNN
TS. Cao Sĩ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong năm 2011 cần tạo đột phá trong cổ phần hoá DNNN, trong đó tập trung vào các DN quy mô lớn, có thương hiệu tốt.
Muốn đưa nền kinh tế đi vào ổn định trong năm 2011 và hướng tới tăng trưởng bền vững, giải pháp cấp bách mà Chính phủ cần triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ là phải kiềm chế lạm phát thành công, nhất là trong giai đoạn từ nay đến Tết Nguyên đán.
Chỉ khi lạm phát được kiểm soát thì mới tạo cơ sở cho triển khai một loạt giải pháp quan trọng khác. Trong đó mấu chốt là giảm mặt bằng lãi suất, nhằm giải toả cơn "khát vốn" cho các DN, đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ. Thực tế đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi năm 2011, một số mặt hàng đầu vào quan trọng như điện, than, xăng dầu… tiếp tục được định hướng điều hành theo giá thị trường. Mặt khác, mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2011 khá cao, khoảng 7 - 7,5%...
Việc khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, thực chất là giảm dần mặt bằng lãi suất đang là bài toán khó trong bối cảnh phải thực thi các giải pháp thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, các thông điệp Chính phủ vừa phát đi cho thấy quyết tâm thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2011. Khi "sức khoẻ" kinh tế vĩ mô có những chỉ báo khả quan, thì sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK.
Đặc biệt, khi lãi suất giảm còn tạo ra một lượng vốn mới bổ sung cho thị trường. Trong trước mắt cũng như dài hạn, muốn giảm lãi suất cần có sự nỗ lực của cả hệ thống NHTM lẫn NHNN. Theo đó, NHNN cần sớm đồng bộ hệ thống chính sách để khuyến khích các NHTM thay vì "kiếm ăn" chính từ chênh lệch lãi suất huy động và cho vay, phải tăng tỷ trọng lợi nhuận từ các loại hình dịch vụ.
Về phần mình, các NHTM cần sáng tạo, linh hoạt hơn trong tìm kiếm lợi nhuận từ các dịch vụ theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng các quy định pháp lý được cập nhật mới trong thời gian tới. Chừng nào doanh thu của các NHTM vẫn chủ yếu trông chờ vào chênh lệch lãi suất, thì nỗ lực giảm lãi suất khó đạt được bền vững.
Để hỗ trợ TTCK phát triển, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngoài việc cần sớm hoàn chỉnh các chính sách cho sự phát triển của thị trường theo thông lệ quốc tế, đồng thời phục vụ cho giai đoạn phát triển mới của TTCK, thì trong năm 2011 cần tạo đột phá trong cổ phần hoá DNNN, trong đó tập trung vào các DN quy mô lớn, có thương hiệu tốt. Nếu tạo được đột phá này sẽ tạo ra tác động tích cực kép.
Thứ nhất là tăng nguồn hàng chất lượng cao cho TTCK.
Thứ hai, gia tăng niềm tin trong nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, qua đó hút thêm một lượng vốn mới cho thị trường, nhất là trong bối cảnh dòng vốn nóng đang có tín hiệu sẽ "chảy" mạnh thêm vào TTCK trong thời gian tới.
Tân Văn thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|