Thứ Tư, 05/01/2011 23:09

Miền Tây: Mía thừa, trong khi nhà máy thiếu nguyên liệu

Tính toán của hiệp hội Mía đường Việt Nam, vụ sản xuất đường năm 2010 – 2011 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu khoảng 400.000 tấn mía nguyên liệu. Tuy nhiên, ngay lúc này, nông dân ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) phải điêu đứng khi một phần không nhỏ diện tích mía đang chết trên đồng trong khi họ lại khó tìm được người mua.

Nông dân bị thiệt kép

Ở huyện Mỹ Tú, trong số hơn 1.500ha mía nguyên liệu, hiện có hơn phân nửa diện tích mía bị ế, làm cho nông dân sống dở, chết dở. Gần 20 thương lái chuyên thu mua mía từ vùng nam sông Hậu cung ứng cho nhà máy NIVL (nhà máy đường Ấn Độ – Long An) đã ngừng thu mua gần một tháng nay. Ông Nguyễn Hoàng Nhơn, bí thư ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) lo ngại: giá mía tiếp tục giảm trong khi tỷ lệ mía cây chết trên đồng tăng từng ngày; năng suất mía năm nay bị giảm trên 40%. Giá mía từ mức trên 1.000đ/kg, sau một tháng, đồng đất trồng mía ở Mỹ Tú bị ngập nước, giá mía giảm xuống còn khoảng 800đ/kg. Các thương lái cho biết, mía bị ngập nước, làm giảm chữ đường, nên không thể mua với giá cao.

Ông Thái Như Minh, nông dân trồng mía ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Tú than phiền: “Trồng 1,3 hecta mía, sản lượng hàng năm phải trên 100 tấn mía. Năm nay, mía chết nhiều, sản lượng giảm hơn phân nửa”. Tuy nhiên, rẫy mía của ông Minh đã được thương lái đặt cọc sớm, nên mới bán được với giá 800đ/kg cách đây vài ngày. Ông Mai Văn Sơn, nông dân ở ấp Phước An, xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú) tiếc hùi hụi: “Cách nay hơn một tháng, giá mía khoảng 1.000đ/kg, nay chỉ còn 800đ/kg cũng phải bán. Tính ra, bán 250 tấn mía đã mất đi 50 triệu đồng.”

Quá sốt ruột khi rẫy mía của mình có tỷ lệ mía chết khô mỗi ngày một nhiều, bà Đinh Thị Ngọc, nông dân trồng mía ở ấp Mỹ Hưng đành phải đứt ruột cho đốn mía, mướn ghe chở đến tận nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) bán sô mía nguyên liệu với giá 500đ/kg.

Nghịch lý: thiếu mà thừa

Do cạnh tranh nguyên liệu mía đã khiến cho nhà máy Vị Thanh (công ty cổ phần mía đường Cần Thơ – CASUCO) chỉ đủ mía để hoạt động khoảng 60% công suất ngay từ đầu vụ sản xuất đường năm 2010 – 2011. Vào đầu tháng 11.2010, CASUCO đã có văn bản gởi cho các nhà máy đường trong vùng, hiệp hội Mía đường Việt Nam… yêu cầu các nhà máy đường dừng việc thu mua nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Nhiều thương lái thu mua mía cho biết, trước đây, các thương lái thu mua mía của nông dân để cung cấp mía nguyên liệu cho nhà máy NIVL, tuy nhiên, năm nay, nhà máy đường NIVL không chịu mua mía của nông dân ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) với lý do CASUCO đã yêu cầu nhà máy không được thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang! Theo các thương lái, nhà máy NIVL không muốn mua mía của bà con nông dân huyện Mỹ Tú là do mía ở vùng này vừa qua bị ngập lụt, chữ đường giảm. Một lý do khác cũng làm ảnh hưởng đến việc mía của nông dân Mỹ Tú bị chậm thu mua, đó là, theo chủ của một số phương tiện vận chuyển mía, do lực lượng kiểm soát giao thông đường thuỷ quá gắt gao đối với phương tiện vận chuyển mía, nên họ không thể hoạt động được.

Ông Thái Văn Hoàng, người trồng mía ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Tú cho biết, dù ông chỉ có khoảng 60 – 70 tấn mía hàng năm bán cho nhà máy đường Sóc Trăng, nhưng tới lúc này, mía của ông trồng đã bị chết khoảng 30%, nhưng ông không thấy phía nhà máy đường Sóc Trăng nói gì đến chuyện thu mua. Trước tình cảnh đó, ông Hoàng đành phải nhận tiền cọc bán trôi nổi với giá 750đ/kg. Một thương lái cung ứng mía cho nhà máy đường Sóc Trăng khẳng định, tại vùng nguyên liệu Mỹ Tú, hiện tại chữ đường chỉ khoảng 5 – 8CCS nên giá thu mua mía của nhà máy cũng khoảng từ 500 – 1.000đ/kg; mía chết, nên khó nâng giá mua tại ruộng, thậm chí không ai dám mua nếu mía xấu quá.

Theo các chuyên gia ngành đường, giá thành sản xuất đường tại khu vực ĐBSCL thuộc hàng cao nhất cả nước. Điều này liên quan đến nhiều yếu tố, từ việc thu mua mía non đầu vụ, mía chết sau ngập lụt, cạnh tranh nguyên liệu đẩy giá lên cao… Hiện nay, vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy đường ở vùng ĐBSCL còn chịu nhiều tác động từ thiên tai, do đó, đời sống của người trồng mía vẫn còn không ít chông chênh.

Ngọc Tùng

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Thương nhân xuất khẩu gạo phải kê khai lượng gạo có sẵn    (05/01/2011)

>   Cao su xuất khẩu sẽ tiếp tục được giá? (05/01/2011)

>   Xuất khẩu gạo năm 2011: Mở nhưng khó (05/01/2011)

>   Xuất khẩu cao su có thể đạt 2,5 - 2,7 tỉ đô la Mỹ (04/01/2011)

>   Vinafood 2 phấn đấu xuất khẩu 2,4 triệu tấn gạo (04/01/2011)

>   Sản lượng lúa gạo Thái Lan không giảm như dự kiến (04/01/2011)

>   Xuất khẩu ít nhất 6 triệu tấn gạo trong năm 2011 (04/01/2011)

>   Giá bông toàn cầu sẽ giảm trong niên vụ 2011-12 (03/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật