Hàng trăm doanh nghiệp sẽ chào sàn năm 2011
Năm 2011, Sở GDCK Hà Nội (HNX) phấn đấu đưa thêm 100 doanh nghiệp lên niêm yết. Sở GDCK Tp.HCM phấn đấu tăng tổng giá trị niêm yết bằng năm 2010, tối thiểu đạt 23.000 tỷ đồng. Sàn UPCoM dự kiến có 100-150 DN đăng ký giao dịch
Nhu cầu của DN
Theo HOSE, có 19 DN đã nộp hồ sơ xin niêm yết trong năm 2010 nhưng chua lên sàn. Trong năm 2011 sẽ có một số DN lớn lên sàn như Ngân hàng Quân đội (MB), CTCP Thủy sản Bình An, CTCP Tài chính cổ phần Xi măng, CTCP Cao su Bến Thành.
Thông tin từ MB cho biết, Ngân hàng dự kiến trong quý 1/2011 sẽ “đánh cồng” chào sàn. Còn theo HNX, hơn 20 DN đã nộp hồ sơ niêm yết trong năm 2010 nhưng chưa lên sàn.
Riêng tháng 1/2011, HNX sẽ có thêm khoảng 10 DN chào sàn như CTCP Dịch vụ Bến Thành, CTCP Tin học Điện tử Kasati, CTCP ắc quy Tia Sáng.
Ông Nguyễn Quang Mẫn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng CTCP Sông Hồng cho biết mục tiêu của Tổng công ty là đưa cổ phiếu lên sàn trong quý IV/2010 hoặc đầu năm 2011. Thời gian qua thị trường chưa được thuận lợi và muốn đảm bảo lợi ích cho cổ đông nên Tổng công ty quyết định sẽ niêm yết cổ phiếu vào đầu năm 2011.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK An Thành (ATSC) cho hay ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu ATSC trên HNX vào cuối năm 201 0 nhưng xuất phát từ yếu tố thị trường. Công ty đã dời sang năm 2011.
Ngoài ra. theo Luật Chứng khoán (sửa đổi), khi đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng DN phải đưa chứng khoán chào bán lên niêm yết, đăng ký giao dịch trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được ĐHCĐ hoặc chủ sở hữu thông qua.Đây cũng là một lý do khiến nhiều DN sẽ lên sàn
Nâng cao chất lượng
Ông Lê Hải Trà Thường trực HĐQT HOSE nhận xét TTCK hiện nay đã có một bước tiến vượt bậc nếu xét về quy mô. Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy mạnh DN lên niêm yết thì nâng tiêu chuẩn DN niêm yết là một yêu cầu bức thiết. Bởi để thị trường tiến đến sự chuyên nghiệp và minh bạch thì cần phải có sự phân chia nhóm DN theo từng cấp độ khác nhau.
Ngoài tiêu chí về vốn, cổ đông, thì chất lượng quản trị DN cũng là một điều đáng bàn. Nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết bằng nhiều giải pháp sẽ tạo sự hấp dẫn cho thị trường, giảm thiểu rủi ro cho NĐT đồng thời tạo điều kiện cho các DN kinh doanh hiệu quả, dễ dàng thu hút vốn.
Theo lãnh đạo HNX, cần thiết phải có những quy định mới để nâng tiêu chuẩn các DN niêm yết dựa trên một số tiêu chí nhủ quy mô vốn, kết quả kinh doanh, quy định công bố thông tin, để chất lượng hàng hóa trên thị trường ngày một nâng cao.
Ngoài ra, trong năm nay HNX sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai phương án nâng cấp hệ thống giao dịch nhằm thay đổi kết cấu phiên giao dịch, áp dụng thêm các loại lệnh giao dịch mới, nghiên cứu phương án tổ chức bảng giao dịch lô lẻ, phân bảng thị trường niêm yết để nâng cao chất lượng thị trường, tăng tính hấp dẫn đối với sàn HNX.
Giám đốc một CTCK cho rằng, ngoài việc tăng quy mô thị trường, nâng tiêu chí niêm yết, thì việc làm thế nào để thu hút nhiều NĐT tham gia để tạo tính thanh khoản cho thị trường mới là điều cốt lõi, bởi một TTCK phát triển phải là một thị trường có tính thanh khoản tốt.
Tăng quy mô giao dịch đồng thời phải tăng được khối lượng giao dịch. Cơ quan quản lý cần tạo sân chơi cho NĐT bằng việc cho ra nhiều sản phẩm mới.
Để làm được điều này cần phải có một chính sách phù hợp cũng như có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý và các thành viên trong kế hoạch “tạo hàng”và “tạo sân chơi” cho thị trường.
Về việc nâng tiêu chí niêm yết, ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa hoàn tất dự thảo văn bản dạng nghị định. Theo đó DN niêm yết tại HOSE phải có vốn điều lệ tối thiểu 120 tỷ đồng, tại HNX tối thiểu là 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, DN niêm yết tại HOSE phải có lãi trong 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết. DN niêm yết tại HNX phải có lãi trong năm liền trước năm đăng ký niêm yết, với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu là 5%.
Hoàng Anh
đầu tư chứng khoán
|