Cổ phiếu niêm yết năm 2010: Điệp khúc lên sàn… rớt giá
(Vietstock) - Năm 2010, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) ghi nhận “làn sóng” doanh nghiệp ồ ạt lên sàn với tổng cộng 195 mã cổ phiếu, tương ứng với hơn 40,038 tỷ đồng mệnh giá. Tính đến cuối năm, vốn hóa của 195 mã cổ phiếu này đạt 93,666 tỷ đồng, chiếm 13% toàn thị trường.
Niêm yết mới chiếm 93,666 tỷ đồng vốn hóa
Kết thúc năm 2010, TTCK có tổng cộng 647 doanh nghiệp niêm yết (chưa tính UPCoM), tương ứng với vốn hóa thị trường đạt 708,595 tỷ đồng, tăng 14% so với mức 622,678 tỷ đồng của năm 2009. Trong đó, sàn HOSE chiếm 573,459 tỷ đồng và HNX đạt 135,135 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 8%.
Ngoài ra, trong số này có 195 mã niêm yết mới, chiếm 93,666 tỷ đồng vốn hóa, tương ứng với 13% toàn thị trường. Mặc dù lượng doanh nghiệp niêm yết mới khá lớn nhưng hầu hết đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với khối lượng niêm yết dưới 100 triệu cổ phiếu, không có những doanh nghiệp khủng như VCB, CTG, hay MSN lên sàn trong năm 2009.
Hai doanh nghiệp lớn nhất chào sàn trong năm qua là Habubank (HNX: HBB) với vốn điều lệ 3,000 tỷ đồng và Ocean Group (HOSE: OGC) với khối lượng niêm yết 250 triệu cổ phiếu. Hai mã có lượng niêm yết nhỏ nhất là ADC và CVN với vỏn vẹn 1 triệu cổ phiếu mỗi mã.
90% số mã niêm yết mới rớt giá
Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, hầu hết các tân binh đều rơi vào tình trạng lên sàn giảm giá, trái ngược so với một vài năm trước đây. Kết thúc năm, có khoảng 90% số mã niêm yết mới có giá thấp so với phiên chào sàn, chỉ có 22 mã giữ được mức giá tương đương hoặc nhỉnh hơn.
Ông Nguyễn Tùng Dương - Phó Tổng giám đốc AGD cho biết, năm 2011, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 42-45 tỷ đồng. |
HOSE ghi nhận có 72 mã mới niêm yết giảm giá so với mức ban đầu trong tổng số 82 mã mới niêm yết. Đáng chú ý, 10 mã giảm mạnh nhất đều có mức giảm trên 50% như TMT, APC, TLH, CMT, PXT, DTA, VNH, NVT, NTB và KSS. Tuy nhiên, một số mã TMT, APC, NVT và KSS giảm một phần do điều chỉnh giá khi phát hành thêm.
Loại trừ những mã này thì TLH dẫn đầu nhóm cổ phiếu giảm với tỷ lệ 63.69% từ 34,700 đồng/cp xuống còn 12,600 đồng/cp. Giá thép nhiều biến động trong thời gian qua cũng là một nguyên nhân khiến giá cổ phiếu này rớt gần chạm mệnh giá.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có cổ phiếu giảm giá là ông Nguyễn Tùng Dương - Phó Tổng giám đốc CTCP Gò Đàng (HOSE: AGD), (mã giảm 7% từ mức 30,000 đồng/cp xuống còn 27,900 đồng/cp) cho biết, năm vừa qua hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty diễn ra bình thường, nên việc cổ phiếu giảm giá chủ yếu là do biến động chung của thị trường. Về kế hoạch năm 2011, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 42-45 tỷ đồng. Hiện công ty đang hoàn tất thủ tục chào bán 2 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với mức giá dự kiến khoảng 29,000 đến 30,000 đồng/cp.
Sàn HNX năm vừa qua đón nhận 113 doanh nghiệp lên sàn nhưng có đến 101 mã niêm yết mới giảm giá. Trong đó có 10 mã giảm mạnh từ 60% đến 75% giá trị, 6 mã giảm do phát hành thêm và 4 mã còn lại rơi không lý do.
Ông Trần Đình Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KSB chia sẻ, dù chưa có con số cụ thể nhưng chắc chắn doanh thu và lợi nhuận 2010 của KSB sẽ vượt kế hoạch năm. |
Ở thái cực ngược lại, HOSE chỉ có 8 mã “bứt phá” mạnh là CTI (tăng 83%), KSB (47%), ASM (38%), SEC (30%), HQC (24.5%), SBC (10%), STG (6%) và CMX (1.3%). Hai mã giữ nguyên mức giá đóng cửa ngày chào sàn là EVE và NHS.
Ông Trần Đình Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HOSE: KSB) chia sẻ, việc giá cổ phiếu KSB tăng mạnh trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động có thể là do nhà đầu tư tin tưởng và kỳ vọng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Ông Hải cho biết thêm, tính đến thời điểm này, dù chưa có con số cụ thể nhưng chắc chắn doanh thu và lợi nhuận của KSB sẽ vượt kế hoạch năm. Năm 2011, công ty thận trọng đặt kế hoạch tương đương với năm 2010.
Sàn HNX chỉ 11 mã cổ phiếu có mức tăng giá từ 4% trở lên, gồm HTB, VNF, PFL, CVN, WCS, HBB, LCD, SCR, VKP, KBT, KST. Đặc biệt, mã HTB dù hoạt động sản xuất kinh doanh doanh không có nhiều nổi bật nhưng đã “bứt phá” mạnh nhất lên đến 124%, từ 14,600 đồng/cp lên mức 32,800 đồng/cp trong chưa đầy 3 tháng kể từ phiên chào sàn. Mã VNF tăng 52% từ 25,700 đồng/cp lên 39,100 đồng/cp.
“Dự thảo niêm yết mới chưa phù hợp”
Tính đến 31/12, sàn HOSE còn 18 doanh nghiệp đang “xếp hàng” chờ được niêm yết, và sàn HNX vẫn còn hơn 69 doanh nghiệp. Theo một thông báo gần đây, HNX dự kiến đón thêm 100 doanh nghiệp nữa lên sàn.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp đua nhau lên sàn và tăng chất lượng niêm yết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có dự thảo về quy định niêm yết mới trong đó doanh nghiệp muốn lên sàn HOSE phải có mức vốn điều lệ tối thiểu từ 120 tỷ đồng trở lên và hoạt động kinh doanh hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5% và không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký niêm yết…
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS), cho rằng, “Chất lượng niêm yết năm 2010 đã đạt khung chuẩn của UBCK. Tuy nhiên để áp dụng dự thảo mới trong thời gian tới là chưa phù hợp, do dự thảo được đưa ra khi thị trường chưa có quá nhiều những thông tin xấu như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có chuẩn để so sánh ngành”.
Theo ông Chinh, thay vì áp dụng dự thảo mới thì UBCK nên khuyến khích doanh nghiệp niêm yết minh mạch hơn nữa trong việc cung cấp thông tin và đẩy mạnh cổ phần hóa. Mặc dù việc cổ phần hóa nhiều sẽ mất cân đối cung cầu nhưng đó chỉ mang tính chất tạm thời, còn về lâu dài khi kinh tế phục hồi sẽ tạo ra dòng vốn nước ngoài rót vào rất mạnh.
“Dự thảo nên chờ phản hồi của Ủy ban giám sát, nhà đầu tư và các chuyên gia”, ông Chinh nhận xét.
Thanh Nụ
|